Sốc với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

VOV.VN -Sẽ đỡ "sốc” hơn nếu Dự thảo đổi mới chương trình, SGK vốn đã khó thuyết phục về nội dung, không kèm số tiền khổng lồ 34.000 tỷ đồng

Có lẽ nóng không kém chuyện chuẩn bị đăng cai tổ chức Thế vận hội châu Á, nỗi lo trẻ tử vong do bệnh sởi, là chuyện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sẽ đỡ "sốc” hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dư luận xã hội nếu Dự thảo lần thứ 2 do Bộ trình bày, vốn đã khó thuyết phục người nghe về nội dung, không kèm thêm số tiền khổng lồ hơn 34.000 tỉ đồng.

Một câu hỏi NÊN hay KHÔNG NÊN đã làm day dứt những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.  

Nên hay không nên đăng cai tổ chức Thế vận hội châu Á – ASIAD 18? Câu hỏi đã được trả lời khi Thủ tướng Chính phủ quyết định rút đăng cai, không tổ chức ASIAD tại Hà Nội vào năm 2019 vì chúng ta chưa chuẩn bị kỹ, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, khả năng xã hội hóa, kết quả thu được từ sự kiện này.... chưa được tính toán cẩn thận. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được dư luận hoan hỉ là đã thấu lòng dân.

Nên hay không nên công bố dịch sởi? Câu hỏi cũng làm nóng dư luận không kém trong tuần, khi có đến 110 ca tử vong do sởi và các bệnh lý liên quan, cuối cùng cũng có lời giải. Khi mọi người hiểu rằng, điều quan trọng không phải ở một quyết định hành chính, mà là ngành y tế đã và đang làm gì để ngăn chặn bệnh sởi, không để tiếp tục xảy ra những cái chết thương tâm cho trẻ em.

Nên hay không nên chi 34 nghìn tỉ đồng cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2015? Một câu hỏi đã, đang và sẽ còn làm nóng dư luận và những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà, khi mà đề án đang khiến nhiều người dù không muốn, cũng phải nghi ngờ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hôm 14/4, sau khi nghe Bộ Giáo dục – Đào tạo báo cáo đề án phải thốt lên: "Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu... chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.

Câu nói của Chủ tịch Quốc hội khiến nhiều người nhớ lại, đây không phải lần đầu tiên ngành giáo dục "hô khẩu hiệu” đổi mới. Gần đây nhất là đợt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X từ năm học 2002-2003. Những cuốn sách giáo khoa cuối cùng của chương trình đổi mới này xuất bản năm 2006, đến nay chưa đầy 10 năm.

Đổi mới giáo dục là yêu cầu cấp bách của thực tiễn đất nước hiện nay. Công việc hệ trọng ấy phải được tính toán một cách chi tiết, khoa học, đảm bảo hiệu quả - dù mới chỉ là trên đề án, chứ không phải là những khẩu hiệu quyết tâm, hay những câu từ sao chép Nghị quyết của Đảng.

Chúng ta mong mỏi có một khung chương trình chuẩn, đồng bộ giữa các cấp học, môn học với những tiêu chí, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được của học sinh, để trên cơ sở đó, biên soạn những bộ sách giáo khoa phù hợp với điều kiện giảng dạy, học tập ở các vùng miền khác nhau. Điều này là hoàn toàn hợp lý, khoa học, khi giáo viên và học sinh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và giáo viên, học sinh ở thành phố không thể nào ứng dụng cùng một phương pháp, một loại trang thiết bị giảng dạy, học tập như nhau.    

Hơn 34.000 tỉ đồng là số tiền rất lớn dự kiến dùng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đề án.

Tuy nhiên, làm giáo dục, tiền chưa phải là tất cả. Bản chất của hoạt động giáo dục phụ thuộc chủ yếu vào người học chứ không phải ở người dạy. Xã hội hiện đại không quan tâm “học cái gì” mà là “học như thế nào” và “học để làm gì”.

Mục tiêu của chương trình đổi mới giáo dục là hướng đến tiếp cận năng lực. Nghĩa là trọng tâm không nằm ở cuốn sách giáo khoa mà phương pháp giảng dạy mới là quan trọng. Vấn đề là Dạy thế nào, học thế nào, chứ không phải là dạy cái gì, học cái gì.

Một khi cách làm giáo dục chuộng thành tích, lấy chỉ tiêu làm đầu theo kiểu khống chế số lượng học sinh yếu kém ở trường chuẩn quốc gia dưới 5% và biết bao chỉ tiêu nữa còn tồn tại thì người dân biết tin thế nào vào quyết tâm đổi mới giáo dục. Nhất là khi một đề án có số tiền lên đến hơn 34.000 tỉ đồng lại được chuẩn bị sơ sài trong vài chục trang giấy, khiến nhiều người không khỏi hoài nghi.

Vì vậy, nỗi băn khoăn NÊN hay KHÔNG NÊN với Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể trông chờ câu trả lời từ Quốc hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên