Phát triển kinh tế tri thức - Con đường tất yếu

Kinh tế tri thức là lực lượng sản xuất tiêu biểu cho nền văn minh trí tuệ - văn minh xã hội XHCN.

Hướng đi đột phá

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định “phát triển kinh tế tri thức (KTTT), vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Đây là một trong những chủ trương có vai trò định hướng rất quan trọng trong chiến lược mới đến năm 2020.

Ngay từ Đại hội lần thứ IX (2001), Đảng đã xác định: "KTTT có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất" và xác định "từng bước phát triển KTTT". Đến Đại hội lần thứ X (2006), Đảng tiếp tục nhấn mạnh "Đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với từng bước phát triển KTTT".

Trong Văn kiện Đại hội lần này, Đảng lại có sự phát triển mới về nhận thức lý luận và thực tiễn thể hiện ở định hướng “phát triển KTTT, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Sự đánh giá đúng đắn vị trí vai trò của KTTT còn thể hiện trong việc coi phát triển KTTT là phương hướng số 1 trong 8 phương hướng cơ bản xây dựng nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH; là một trong những định hướng lớn về khoa học công nghệ; và là nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong sự nghiệp đổi mới trong nhiệm kỳ 5 năm tới của Đảng. Có thể coi đây là một trong những chủ trương có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH ở nước ta và là nhân tố bảo đảm sự phát triển cân bằng, nhanh và bền vững của nền kinh tế nước nhà trong tương lai.

Mặt khác, đây cũng là một chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo có cơ sở lý luận và thực tiễn cao, chắc chắn sẽ sớm phát huy vai trò tích cực, là động lực trong phát triển KT-XH và tăng cường quốc phòng-an ninh bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng trẻ có tri thức sẽ góp phần quan trọng
trong phát triển đất nước (ảnh: TTXVN)

Sớm xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển KTTT

Tuy nhiên, để sớm đưa Nghị quyết Đại hội của Đảng vào đời sống thực tiễn, chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp quan trọng sau:

Thứ nhất, cần sớm xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển KTTT, coi đây là khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển KT-XH. Trong đó cần coi việc tập trung nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là ở bậc đại học và dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, những nhà khoa học, công nghệ đầu đàn, những doanh nhân tầm cỡ và lao động lành nghề. Đồng thời, trí thức hóa giai cấp công nhân, nông dân lao động, nâng cao dân trí. Cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học phải được triển khai đồng bộ cùng với những chủ trương, chính sách để tập trung vào một số lĩnh vực có chọn lọc mà chúng ta thường nói là để “đi tắt đón đầu”.

Cần đổi mới chính sách để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới (giáo dục- thông tin- tri thức) đang tiềm ẩn ở nước ta. Đặc biệt coi trọng nguồn vốn trí tuệ đã và đang có trong nước, và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt khác, cần sớm có chiến lược đúng đắn về nhân tài trong tổng thể chiến lược con người trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Theo khuyến cáo của Viện Ngân hàng Thế giới (WBI): “Một quốc gia muốn chuyển sang nền KTTT cần hình thành 4 trụ cột: (1) Lực lượng lao động có giáo dục và có kỹ năng; (2) Hệ thống sáng tạo hiệu quả; (3) Cơ sở hạ tầng thông tin (ICT) hiện đại; (4) Hệ thống thể chế về kinh tế được cập nhật”.

Thứ hai, cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức toàn dân về thời cơ và thách thức đối với dân tộc ta khi nhân loại đang có một bước chuyển quan trọng, quyết định từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh trí tuệ- tương ứng với thời kỳ quá độ lên CNXH, để bắt nhịp với nền KTTT đang hình thành trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để thực hiện đường lối mà Đảng ta đã vạch ra là "đi tắt, đón đầu" trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Ngày nay nhân loại càng nhận thức rõ hơn KTTT sẽ là nền kinh tế của thế kỷ XXI, nhất là sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ; nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đang cận kề; môi trường sinh thái bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng; sự “trả đũa” của tự nhiên đối với những hành vi phá hoại môi trường sinh thái của con người ngày càng rõ nét… Do đó, con đường duy nhất loài người phải vươn tới là CNXH đích thực và KTTT là lực lượng sản xuất tiêu biểu cho nền văn minh trí tuệ - văn minh xã hội XHCN.

Chúng ta cần nhận rõ những thách thức để có quyết tâm và giải pháp vươn lên trình độ tiên tiến thế giới, vì nước ta hiện còn có khoảng cách khá xa so với các nước đang đi vào nền KTTT trong khu vực như Nhật Bản. Theo thống kê so sánh 3 ngành kinh tế của Việt Nam và Nhật Bản: (1) Nông, lâm nghiệp, thuỷ hải sản; (2) Công nghiệp (chế biến, khai khoáng); (3) Thương mại, dịch vụ (tài chính, tín dụng), thì GDP của mỗi nước có độ chênh lệch khá lớn: ở ngành (1), Việt Nam đóng góp vào GDP 20,34%, trong khi ngành này ở Nhật Bản chưa đến 1%; ở ngành (2), Việt Nam đóng góp vào GDP 41,48% (riêng khai khoáng và công nghiệp chế biến 31,03% tương đương 1/3 GDP), trong khi ngành này của Nhật Bản chỉ là 28,9% (phần công nghiệp chế tạo là 21%); ở ngành (3), Việt Nam đóng góp vào GDP 38,18%, trong khi ngành này ở Nhật Bản đóng góp tới 70,8% tương đương 2/3 GDP. Điều đáng quan tâm là ngành tài chính tín dụng của Việt Nam chỉ đóng góp vào GDP với con số 1,8%, trong khi ở Nhật Bản ngành này đóng góp 30,9% tương đương 1/3 GDP.

So sánh trên cho thấy GDP của Việt Nam phần lớn vẫn do sự đóng góp của những ngành sản xuất giản đơn, những ngành sản xuất hàm lượng tri thức cao còn chiếm tỷ trọng thấp. Trong khi đó ở Nhật Bản, phần lớn GDP có được lại do công nghiệp tri thức. Đây thực sự là một thách thức lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua.

Thứ ba, cần coi trọng phát triển khoa học - công nghệ trên cơ sở dẫn dắt và hỗ trợ của doanh nghiệp, được khuyến khích bởi động lực cạnh tranh thị trường bình đẳng và lành mạnh. Chú trọng phát triển thị trường công nghệ coi đây là môi trường kích thích quan trọng của nền khoa học công nghệ quốc gia. Điều quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hoá và KTTT là phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, cùng với việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới hệ thống hành chính. Cạnh tranh trong nền KTTT thực sự là cuộc cạnh tranh gay gắt về giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Vì thế, Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý để các pháp nhân hoạt động trên thị trường khoa học - công nghệ được cạnh tranh bình đẳng.

Nhà nước còn cần phải có chính sách thông thoáng để thu hút các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia, siêu quốc gia có tiềm lực khoa học - công nghệ mạnh đầu tư vào Việt Nam xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển… nhằm tạo môi trường lan toả tri thức, công nghệ cao ra toàn bộ nền kinh tế.

Thứ tư, cần đầu tư cao vào những ngành mũi nhọn của quốc gia như: công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm; công nghệ số hoá, công nghệ năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học... Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mạnh một số khu công nghệ cao đã và đang hình thành ở nước ta, coi đây là những hình mẫu, đầu tàu của khoa học - công nghệ - công nghiệp quốc gia...

Phát triển các các khu công nghiệp - công nghệ cao, các vườn ươm, các công viên phần mềm, công viên công nghệ hoặc doanh nghiệp cấp vùng thay thế mô hình khu công nghiệp thuần tuý làm hàng xuất khẩu như hiện nay./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên