NSND Trịnh Thịnh và “nghề không được giả dối”

VOV.VN - NSND Trịnh Thịnh: Nghề diễn không phải là nghề bắt chước, nên không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng

Thời bé, cũng là thời “bao cấp” đầy khó khăn thiếu thốn thì việc được xem một bộ phim trên vô tuyến truyền hình với lũ trẻ chúng tôi không dễ dàng, vì không phải nhà nào cũng có tivi và không phải tối nào cũng có điện. Thế nhưng, chủ đề nóng bỏng của lũ trẻ bọn tôi hồi đó luôn là việc làm thế nào để xem được bộ phim của tối hôm đó và những tối sau đó, vì phải đến sớm xếp chỗ xem nhờ nhà hàng xóm.

Phim “đen-trắng”, chất lượng hình ảnh không cao, nhưng sự chăm chú theo dõi nhiều khi lên cao độ, có thể nghe thấy tiếng muỗi vo ve bay quanh một đám vài chục người mồi hôi mồ kê nhễ nhại ngồi chen lấn trong gian nhà cấp 4 vừa chật, vừa tối. Bọn trẻ chúng tôi tuy không thường nhớ về tên và nội dung của một bộ phim Việt Nam nào đó, nhưng “cái ông diễn viên mũi to” thì đứa nào cũng biết, cũng nhớ và đôi khi học theo cách nói, cách diễn của ông trên phim. “Ông mũi to” mà chúng tôi rất thích đó chính là diễn viên-Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh.

NSND Trịnh Thịnh trong vai quan huyện - phim "Chị Dậu" (ảnh: internet)

Với tôi, diễn viên để lại ấn tượng sâu đậm nhất của truyền hình Việt Nam thời trước là hai ông họ Trịnh: Trịnh Thịnh và Trịnh Mai. Khi xem phim có các ông diễn thì chỉ thấy mặt là đã phì cười, mặc dù nhiều khi khuôn mặt của các ông đang rất nghiêm túc hay khó đăm đăm. Đó là cái duyên hài thiên bẩm, không lẫn với bất cứ người khác, diễn hài mà mặt cứ tỉnh queo. Đó là vai hài, còn với những vai phản diện thì chỉ cần ánh mắt của ông Trịnh Thịnh, ông Trịnh Mai long lên sòng sọc là làm người xem rét run, rồi sau đó căm tức mà thốt lên: “Sao lại có người ác đến thế!”. Nhắc lại để thấy là dù diễn hài hay phản diện thì hai ông diễn viên họ Trịnh hồi đó để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem như thế nào và tài năng thiên bẩm của các ông với nghề diễn cho dù cả 2 ông đều không qua đào tạo bài bản.

Với Trịnh Thịnh, người xem trước đây khi nhắc đến ông thường gọi là “ông Củng” – vai diễn nổi tiếng của ông trong phim “Vợ chồng anh Lực”. Ông cũng rất thành công với vai diễn trong nhiều bộ phim như: Chung một dòng sông, Thằng Bờm, Lá ngọc cành vàng, Lời nguyền một dòng sông, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ, Xích lô... và bộ phim cuối cùng mà ông tham gia là “Tết này ai đến xông nhà” năm 2002. Tham gia từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông” vào năm 1959, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh là một trong những người đặt nền móng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam và luôn đồng hành cùng dòng chảy đó đến khi tuổi cao, sức yếu. Trịnh Thịnh cũng được người xem yêu mến ở những vai diễn là các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam.

Còn trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây, hai ông Trịnh Thịnh, Trịnh Mai còn tham gia vào nhiều tiểu phẩm hài trong chuyên mục văn nghệ chiều thứ Bẩy hàng tuần. Trong đó có tiểu phẩm hài mà tôi nhớ mãi là “Ốc vít, ốc vịt”, kể về thói quan liêu, tham nhũng, mà những tình huống hiểu nhầm hài hước vui nhộn được khắc họa sinh động qua chất giọng đặc trưng của hai ông diễn viên họ Trịnh. Diễn hài trên phim, trên sân khấu đã khó nhưng còn có hình ảnh, hành động tạo hiệu ứng hài, nhưng diễn hài trên sóng phát thanh thì chỉ có “tiếng”, mà làm sao để lôi cuốn, chọc cười người nghe thì chắc chắn khó hơn nhiều. Điều đó cho thấy ngoài tài năng và cái duyên hài bẩm sinh, thì sự khổ luyện, nghiêm túc với nghề diễn của hai ông rất đáng trân trọng.

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh từng tâm sự: “Nghề diễn không phải là nghề bắt chước, không phải nghề diễn cho đúng với nhân vật, mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn, tình cảm chân thực nhất của mình. Không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng…”. Chính vì tâm niệm đó, theo các đồng nghiệp kể về ông, khi tham gia vai diễn nào, Trịnh Thịnh không bao giờ cho phép mình dễ dãi với công việc, luôn dụng công đầu tư nghiêm túc cho vai diễn đó. Xem những vai diễn của NSND Trịnh Thịnh, có nụ cười thấy là gian, có nụ cười hài hước, châm biếm và có cả những nụ cười chân thật, đôn hậu, đáng thương. Ông diễn vai gì ra vai đó, yêu-ghét rõ ràng. Tiếng cười, ánh mắt linh hoạt, giọng nói đặc trưng là những “vũ khí” đặc thù tạo nên một tên tuổi diễn viên đã đằm sâu trong lòng người hâm mộ như Trịnh Thịnh.

Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai đã tạ thế vào năm 2009 do tuổi cao, bệnh hiểm nghèo và giờ đây, người “đồng đội” của ông là Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh cũng vừa ra đi ở tuổi 88 trong sự tiếc thương, day dứt của đồng nghiệp cùng người hâm mộ. Nhưng những vai diễn để đời như “chắt lọc, chuyên trở hiện thực cuộc sống lên màn ảnh” của các ông vẫn còn đọng mãi với thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đồng nghiệp đau buồn chia sẻ hồi ức về nghệ sĩ Trịnh Thịnh
Đồng nghiệp đau buồn chia sẻ hồi ức về nghệ sĩ Trịnh Thịnh

Nghệ sĩ Phạm Bằng trân trọng Trịnh Thịnh bởi tài năng, nhân cách và tình yêu đối với gia đình.

Đồng nghiệp đau buồn chia sẻ hồi ức về nghệ sĩ Trịnh Thịnh

Đồng nghiệp đau buồn chia sẻ hồi ức về nghệ sĩ Trịnh Thịnh

Nghệ sĩ Phạm Bằng trân trọng Trịnh Thịnh bởi tài năng, nhân cách và tình yêu đối với gia đình.

Tiếc thương Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thịnh
Tiếc thương Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thịnh

VOV.VN -9h30 sáng 12/4, NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thọ 88 tuổi.

Tiếc thương Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thịnh

Tiếc thương Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thịnh

VOV.VN -9h30 sáng 12/4, NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thọ 88 tuổi.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh và những vai diễn để đời
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh và những vai diễn để đời

VOV.VN -NSND Trịnh Thịnh có hàng trăm vai diễn đáng nhớ, có thể kể tên: Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Vợ chồng A Phủ, Thị trấn yên tĩnh...

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh và những vai diễn để đời

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh và những vai diễn để đời

VOV.VN -NSND Trịnh Thịnh có hàng trăm vai diễn đáng nhớ, có thể kể tên: Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Vợ chồng A Phủ, Thị trấn yên tĩnh...

Trịnh Thịnh - một tiếng cười trí tuệ
Trịnh Thịnh - một tiếng cười trí tuệ

Từ vai ông Củng trong “Vợ chồng anh Lực” tới ông vạn chài trong “Lời nguyền của dòng sông” thuyết phục khán giả rằng ông là một nghệ sĩ lớn.

Trịnh Thịnh - một tiếng cười trí tuệ

Trịnh Thịnh - một tiếng cười trí tuệ

Từ vai ông Củng trong “Vợ chồng anh Lực” tới ông vạn chài trong “Lời nguyền của dòng sông” thuyết phục khán giả rằng ông là một nghệ sĩ lớn.