Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập

Nhân kỷ niệm lần thứ 65 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, NXB Quân đội nhân dân xuất bản cuốn “Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập” của Đại tá Trần Trọng Trung

Ông nguyên là cán bộ Bộ Tổng tham mưu thời kỳ chống Pháp, về sau làm việc tại Viện Khoa học quân sự, tác giả của nhiều cuốn sách viết về hai cuộc kháng chiến của dân tộc như “Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu” nói về việc Mỹ xâm lược nước ta, cuốn “Võ Nguyên Giáp - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” (tái bản lần thứ 2, NXB Chính trị Quốc gia 2010)… Bài báo đầu tiên ông viết về Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc (tháng 8/1945) nhan đề “Ông già làm ruộng ở Tân Trào”.

Cuốn “Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập” dày 642 trang. Ngoài phần mở đầu “Cùng bạn đọc”, và “Lời cuối sách”, được chia thành 36 chương, không đánh theo số thứ tự, mà chia theo nội dung từng vụ việc, gắn với từng sự kiện lịch sử, từng con người cụ thể.

Trong “Cùng bạn đọc”, Trần Trọng Trung nêu vấn đề: Sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đã kết thúc cách đây hơn một phần ba thế kỷ. Những mốc son chói lọi Điện Biên Phủ và Xuân 1975 đã tô đậm thêm những trang sử huy hoàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Vậy mà đến nay, ở nơi này nơi kia vẫn tồn tại những câu hỏi đại loại như: Vì sao nhân dân Việt Nam phải hứng chịu hai cuộc chiến tranh khốc liệt suốt 30 năm? Vì sao một nước nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu như Việt Nam lại có thể liên tiếp đánh thắng “hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ? Đâu là những bài học đối với các cường quốc đã dính líu đến Việt Nam để rồi phải chấp nhận thất bại và cuốn cờ, lui quân…?

Với hai tuyến sự kiện và nhân vật ở hai phía đối lập, tác giả đã đi sâu phân tích, khái quát con đường đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do của Dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước gần một thế kỷ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; cũng như vạch trần mọi âm mưu thâm độc, thủ đoạn tàn bạo của các thế lực đế quốc thực dân hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng Việt Nam, duy trì ách nô dịch đối với người Việt Nam, đối với đất nước Việt Nam.

Bắt đầu từ thời điểm đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước (tháng 2/1941) trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, tác giả đã lần lượt giới thiệu sự chuyển hướng chiến lược của Đảng ta, lấy “giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu”. Từ đó, bám sát thực tiễn của cuộc đấu tranh, theo dõi rất sát tình hình trong nước và thế giới, với những khẩu hiệu đấu tranh thích hợp Đảng ta đã lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân phát triển mạnh mẽ từ Bắc chí Nam, để đến lúc thời cơ chín muồi, trong vòng nửa tháng (tháng 8/1945) nổi dậy giành chính quyền trong cả nước, thành lập nhà nước công - nông đầu tiên trong lịch sử Đông Nam Á. Rồi tiếp tục hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5/1954) và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

Trong lịch sử 65 năm qua, thời gian Đảng ta, dân tộc ta phải dùng “bạo lực cách mạng” để giành và giữ chính quyền, giải phóng đất nước khỏi quân xâm lược chiếm một giai đoạn khá dài. Vì vậy, trong cuốn “Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập”, Trần Trọng Trung đã giành khá nhiều tâm sức để viết về cuộc chiến đấu này.

Tác giả nhấn mạnh: Tư tưởng quân sự của Nguyễn ái Quốc là “người trước súng sau”. Quán triệt tư tưởng ấy, Đảng ta đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, mà nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam, lập nên những chiến công vang dội, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Tổ quốc và nhân dân giao cho.

Những chương tác giả viết về hoạt động của Bộ chỉ huy tối cao - của Tổng hành dinh QĐNDVN trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quá trình xây dựng quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam sau khi hiệp định Paris được ký kết (tháng 1/1973) là những chương viết hấp dẫn, có nhiều phân tích quý giá và bổ ích.

Cuối cùng, Đại tá Trần Trọng Trung nhấn mạnh: Một trong những sai lầm lớn nhất của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là đem quân xâm lược một nước mà không hiểu biết gì về lịch sử và văn hóa của dân tộc nước đó. Năm 1946, giữa thủ đô Paris (Pháp), trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Pavid Schoenbrun, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Việt Nam có một thứ vũ khí cũng mạnh như loại pháo hiện đại nhất: đó là tinh thần dân tộc”. Với vũ khí vô địch là lòng yêu nước, dù chiến đấu trong điều kiện không cân sức nhưng với tinh thần dân tộc, với truyền thống và kinh nghiệm chống ngoại xâm, nhân dân Việt Nam không chỉ quyết chiến và quyết thắng, mà còn biết đánh và biết thắng địch từng bước cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên