“Sài Gòn quật khởi” và con số kỷ lục

Chỉ trong vòng 2 tháng, bài hát Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc đã có tới 205 lượt lên sóng Đài TNVN

Mở lại những cuốn sổ ghi chương trình ca nhạc được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) trong tháng 3 và tháng 4/1975, tôi thấy mật độ dày đặc các bài hát động viên cổ vũ quân và dân ta lúc đó. Từ “Giải phóng miền Nam” (tác giả Huỳnh Minh Siêng), “Tiến về Sài Gòn” (tác giả Lưu Hữu Phước), “Giờ hành động” (tác giả Lưu Nguyễn, Long Hưng)… đến “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” (tác giả Hoàng Vân), “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (tác giả Lư Nhất Vũ), “Lên đàng” (tác giả Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng)…

Nghe bài hát Sài Gòn quật khởi
Tốp nữ Đoàn Ca múa nhân dân TW trình bày
Bài hát “Sài Gòn quật khởi” của nhạc sĩ Hồ Bắc cũng là một trong những ca khúc chiếm tần suất lên sóng nhiều nhất, không chỉ được phát trong các chương trình ca nhạc mà các buổi phát thanh chuyên đề cũng sử dụng bài hát này. Phòng Kỹ thuật Bá âm đã phải in ra hơn 20 băng để các biên tập viên tiện dùng không phải chờ đợi. Nhờ vậy mà bài hát này đã có tới 205 lượt sử dụng trong 2 tháng. Một con số kỷ lục.

“Rầm rập bước chân ta đi

Rung chuyển đường phố Sài Gòn

Khi con chim én báo mùa xuân về

Tin vui chiến thắng bay từ quê nhà          

Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng…”

Nhạc sĩ Hồ Bắc

Tinh thần của các ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, Nam Bộ kháng chiến… rồi Tết Mậu Thân 1968 như tụ lại, như hiện lên, như dồn về trong “trận cuối cùng” này. Lời bài hát và giai điệu hành khúc hào hùng đã nói lên điều đó. Càng về cuối tháng Tư, bài hát như hòa nhịp thêm cùng những bước chân rầm rập của nhiều cánh quân tiến về Sài Gòn góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tôi nhớ, sau Tết Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Hồ Bắc cho con trai (Hồ Nam) đem lá thư và bài hát “Sài Gòn quật khởi” đến Đài nhờ tôi đưa cho ông Phạm Tuân là Trưởng ban Văn nghệ. Ông Tuân xem và bảo tôi đưa lại cho ông Phạm Tuyên để dàn dựng thu thanh ngay cho kịp thời.

Giữa năm sau (1969), trong buổi nói chuyện với anh chị em văn nghệ của Đài, nhà thơ Cù Huy Cận (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa) sau khi đưa Đoàn Văn công của ta đi biểu diễn ở một số nước về, cho biết, bạn bè quốc tế rất thích thú phần trình bày của tốp nữ với bài hát “Sài Gòn quật khởi”, rồi ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Tốp nữ hát Sài Gòn quật khởi”, trong đó có đoạn:

”Đi khắp đông tây cô hát vang

Bài ca quật khởi của Sài Gòn

Miền Nam nổi dậy ngày liên tục

Thế giới mời cô điệp giọng vàng…”

Sinh năm 1930, tuổi Canh Ngọ, cậu học sinh của trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) nổi tiếng hát hay đàn ngọt. Lớn lên ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, Tiên Sơn, Bắc Ninh (nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), Hồ Bắc đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông hoạt động ở tỉnh bộ Việt Minh Bắc Giang rồi Vĩnh Yên, sau đó công tác ở Phòng Chính trị Quân khu Việt Bắc.

Kể từ khi về Đoàn văn công 316, ông trở thành một nghệ sĩ - chiến sĩ thực thụ gắn liền với những sáng tác rất nổi tiếng như: Gặt nhanh tay, Bên kia sông Đuống (thơ Hoàng Cầm), Làng tôi… với những giai điệu tha thiết dịu dàng.

“Làng tôi sau lũy tre mờ xa

Tình quê yêu thương những nếp nhà

Làng tôi yên ấm bao ngày qua

Những chiều đàn em vui hòa ca…”

Nghe một số bài hát của Nhạc sĩ Hồ Bắc
Bến cảng quê hương tôi (Nghệ sĩ Thuý Hà trình bày)

Làng tôi (Nghệ sĩ Thu Phương-Thanh Hoà)

Hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc (Nghệ sĩ Hữu Nội
và Hợp xướng Đài TNVN
Nhạc sĩ Hồ Bắc điềm đạm ít nói, làm việc rất cần cù. Chỉ tính riêng chương trình “Giới thiệu tiết mục mới thu thanh” trên Đài TNVN do ông phụ trách, có nhiều sáng tạo thể hiện ở sự khéo léo kết hợp nghiệp vụ phát thanh bằng những phỏng vấn các tác giả rất sinh động. Nhiều chương trình viết về các nhạc sĩ như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du, Nguyễn Đình Tấn… đều được “làm mẫu” cho các lớp học nghiệp vụ của Đài.

Thời gian này tôi làm Phó phòng Chương trình, phụ trách phần Ca nhạc mới và Dân ca, được đọc kịch bản chương trình của ông, tôi cũng học được nhiều điều bổ ích từ một người anh có tầm cao về kiến thức.

Thính giả nghe Đài đã quen thuộc với những ca khúc của nhạc sĩ Hồ Bắc như: Bến cảng quê hương tôi, Giữ biển trời Xô Viết Nghệ An, Anh chiến sĩ thông tin trên đảo, Trên đường Hà Nội, Hát dưới cây đào Tô Hiệu...

Đặc biệt là hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” luôn có mặt trong các chương trình biểu diễn từ trước đến nay, ông viết đã lâu nhưng vẫn còn “trẻ mãi” với những người yêu âm nhạc. Hồ Bắc là một trong những  nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên.

Dù thời gian đã lùi xa mấy chục năm, nhưng cứ đến những ngày tháng tư, bên tai tôi như vẫn văng vẳng hành khúc “Sài Gòn quật khởi”, vẫn nguyên vẹn một không khí hào hùng hướng tới ngày toàn thắng của dân tộc mà ký ức còn lưu dấu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên