“Phan Quang - bạn và nghề”

Cuốn sách cùng tên là kết quả từ sự tận tâm của nhà báo Trần Thanh Phương và bạn bè. Cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Phan Quang.

Tôi gặp nhà báo Phan Quang lần đầu vào khoảng tháng 2/1976 khi đang cùng một đồng nghiệp Đài Phát thanh Giải phóng đi công tác ở đảo Phú Quốc. Sau này mới biết ông hơn tôi đến hai con giáp. Còn lúc đó, thấy ông trẻ khỏe lắm nên gọi là “Anh” và cứ gọi như thế cho đến bây giờ. Gặp ông, tôi và Lê Thành (hiện là Phó Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương) xin phép ông cho đi cùng đoàn, sau đó “quá giang” ca nô của ông về Hà Tiên (lượt ra, chúng tôi đi tàu đò từ Rạch Giá). Ông vui vẻ đồng ý.

Ba mươi sáu năm sau ông vẫn thế, chân tình, lịch lãm với đồng nghiệp. Cầm trên tay cuốn sách bìa cứng, dày hơn 500 trang, thấy nhẹ bỗng. Thì ra sách in bằng giấy xốp, rất nhẹ. Nhưng sức nặng của những năm tháng cuộc đời nhà báo Phan Quang thì thật đáng nể. Đây là cuốn sách tập hợp những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp viết về ông, về những tác phẩm báo chí, những sáng tác văn học và dịch thuật của ông. Riêng tôi, khi đọc, có thể rút ra nhiều bài học bổ ích cho nghề làm báo của mình.

Nhà báo Phan Quang (Ảnh: Internet)

Vào năm 1997, khi giới thiệu tập “Người và đất” của Phan Quang, nhà thơ Chế Lan Viên (mà sau này giáo sư Hà Minh Đức có trích lại) kể về lần đầu tiên gặp chàng thanh niên Phan Quang Diêu (tên khai sinh của nhà báo Phan Quang) vào một buổi chiều năm 1948 ở tòa báo Cứu quốc liên khu IV (tại Thanh Hóa). Chế Lan Viên kể: là một trong mấy chục thanh niên mà anh Nguyễn Chí Thanh bứt từ cơ sở ra để đào tạo lâu dài, Diêu đến để xin học việc và luôn giữ tư thế một người học việc. Học gì? Ngay đêm đầu tiên anh đã viết bài. Và viết luôn cho đến tận hôm nay - bốn chục năm trời… báo cần gì anh viết nấy, cần đi đâu anh có mặt, lúc bấy giờ nơi cần là ở các chiến trường.

Bài học đầu tiên của nghề làm báo là phải lăn vào công việc. Nhà thơ nhận xét: “Thái độ nào đẻ ra cách làm việc ấy. Thái độ khiêm tốn đẻ ra cách làm việc thận trọng. Suốt bốn chục năm làm báo, anh Phan Quang chịu khó bỏ sức, bỏ công đến các hiện trường, chiến trường. Và anh chịu đọc”.

Tròn 80 tuổi, tức là hơn 10 năm sau lời khen của Chế Lan Viên, Phan Quang đưa in tuyển tập 10 năm (1998 - 2008), phần ba của cuốn sách ông lấy tiêu đề “Trên đường tìm học và suy ngẫm” vẫn bền bỉ với việc học của mình.

Thật khó có thể kể hết tác giả và nhan đề của hơn 100 bài báo về Phan Quang trong tập sách này. Có thể thấy ông rất trân trọng những tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình. Chỉ đọc qua mục lục thôi, cũng có thể thấy một phương cách làm báo thật đáng nể: “Viết giữa dòng đời” (trang 16), “Phan Quang với thể loại ký kinh tế” (tr 34), “Một nhà báo và một nhà văn” (tr 75), “Sáng tạo thì không thể trùng lặp” (tr 147), “Đầy ắp thông tin” (tr 259), “Đi đâu viết đó, viết đâu ra đó” (tr 280), “Nhiều tưởng niệm, nhiều thương nhớ” (tr 319), “Tiếp xúc nhiều, quan sát kỹ, nhận xét sắc” (tr 331), “Trong sách chi chi cũng có” (tr 420) “Sự tích hợp của báo chí và văn học” (tr 448).

Tôi muốn dừng lại hơi lâu với bài “Phan Quang với thể loại ký kinh tế” của Huy Khanh. Tác giả viết bài này sau khi Phan Quang in một loạt tác phẩm “Đất nước một dải” (1975), “Lâm Đồng - Đà Lạt” (1980), “Hạt lúa bông hoa” (1980)… Huy Khanh nhận xét: Trong khoảng mấy năm gần đây đã xuất hiện một loại ký khá đặc biệt, viết nghiêng về các chủ đề kinh tế. Người viết: Phan Quang. Ký kinh tế của Phan Quang nói chung vẫn giữ cái cốt lõi của một thiên phóng sự điều tra. Nghĩa là cố gắng đảm bảo tính logic trong cách phối hợp tư liệu và các nguồn tin, cũng như ở chính phong cách lập luận, đồng thời chú trọng bám sát thời sự để chọn đề tài, nêu vấn đề. Tác giả nhấn mạnh thêm: Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ không có gì đặc biệt lắm. Phan Quang đã đưa thể loại phóng sự điều tra kinh tế xa hơn, vượt ranh giới của một thể văn báo chí thông thường, bắt đầu từ cách vận dụng rộng rãi hai yếu tố căn bản của thể văn này là điều tra và tư liệu.

(Ảnh: Internet)

Phan Quang thường nhấn mạnh kinh nghiệm đi và sống của người viết báo yêu cầu phải đến tận nơi, thấy tận mắt khung cảnh, nhân sự bao quanh vấn đề. Từ đó sử dụng kinh nghiệm một cách linh động như một nhà văn. Tác giả không ngại thuật lại những câu chuyện gặp gỡ, tiếp xúc, những văn cảnh, nhân vật liên hệ coi như là nguồn tư liệu sống. Ngoài phần chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, các mặt tư liệu về lịch sử và địa dư đặc biệt được chú trọng khai thác. Cách nhìn vấn đề như vậy là biện chứng, vấn đề được đặt ra trong toàn bộ quá trình sinh thành và phát triển của nó. Cũng theo Huy Khanh, cái làm cho ký của Phan Quang mang nhiều tính chất văn học là khi viết, ông không ngại dùng chữ “tôi” trong bài với mục đích tạo cho bài viết một bản sắc riêng. Cái “tôi” đó không tùy tiện. Tính văn học trong ký của ông còn hiện rõ qua một phong cách suy nghĩ có gạn lọc, phạm vi suy nghĩ luôn rộng mở, nhìn ngắm và mô tả bằng con mắt của một nhà văn.

Bài viết của Huy Khanh trên báo Tuổi trẻ (ngày 6/11/1980) nhấn mạnh: Phan Quang gọi các bài ký của mình là thuộc thể loại trung gian giữa báo chí và văn học. Ông tin hiệu quả phục vụ của bài viết sẽ lớn hơn.

Nghề làm báo thật lắm công phu. Có lẽ trong cuộc đời, bên cạnh những lời động viên, nhà báo Phan Quang càng thấy vui khi bạn bè, đồng nghiệp góp ý cho tác phẩm của mình. Nhà văn Tô Hoài, khi nhận xét về tập ký “Thơ thẩn Paris” của ông, sau khi dẫn ra nhiều bài đáng yêu, đọc mãi được, đã chê một loạt bài, về một số nhân vật Pháp nổi tiếng không hợp màu sắc, hơi thở tập ký vì khi viết một nhà báo, nhà chính trị, vắng một nhà văn, không còn duyên Phan Quang nữa.

Tô Hoài còn viết thêm: “Trại hoa tử đinh hương” (tên một bài viết trong tập sách) sao không viết là “Trại hoa li la”? Bởi hai cái tên đều là chữ mượn, ít ai hiểu. Thế thì bạn đọc ta đọc hoa li la dễ hình dung hơn và thấy thơ hơn, tôi nghĩ thế, có nên không? (Tô Hoài, báo Văn nghệ 29/6/2002).

Để kết thúc bài này, xin trích giới thiệu lời của nhà báo Trần Thanh Phương ở đầu cuốn sách: "Xin bạn đọc hãy lắng nghe các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà khoa học, trực tiếp nói về Phan Quang và các tác phẩm của ông. Tôi nghĩ rằng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp bạn đọc nhớ lại nhiều câu chuyện thú vị về nhà báo, nhà văn Phan Quang thân mến của chúng ta"./.

Trong lời “Cảm tạ” ở cuối sách (tr 507), nhà báo Phan Quang bộc bạch: "Tôi thâm tạ các bạn bè, đồng nghiệp quen và chưa quen đã có sự đồng cảm và đôi lời ghi nhận về tôi và về những gì tôi viết ra. Tôi tự dặn phải cố gắng, cố gắng nhiều nữa, may ra mới không phụ những tấm lòng tri ngộ. Tiếc thay quỹ thời gian của tôi không còn. Lực bất tòng tâm, quy luật tự nhiên càng không cho phép. Chỉ còn cách cúi đầu tri ân".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên