Nỗi lo bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia

(VOV) - Cùng với niềm vui được công nhận bảo vật quốc gia là nỗi lo về việc bảo tồn, phát huy giá trị của các bảo vật ấy.

Trong số 30 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia có tới 5 hiện vật đại diện của văn hóa Đông Sơn cách nay 2.000-2.500 năm như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh... Văn hóa Champa cũng có 5 hiện vật trở thành bảo vật: tượng Phật Đồng Dương, tượng nữ thần Devi, tượng bồ tát Tara, đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu.

Các hiện vật như ấn đồng, bình gốm, tượng Phật, cửu đỉnh… thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam Lý – Trần – Lê rồi đến nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia. Đáng chú ý là 3 bảo vật thuộc nền văn hóa Óc Eo là: tượng thần Vishnu, tượng Phật Lợi Mỹ, tượng thần Surya.

Du khách tham quan đài thờ Trà Kiệu tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, Đà Nẵng (ảnh: báo Đà Nẵng)


Khi các hiện vật, nhóm hiện vật trở thành bảo vật quốc gia thì có những vấn đề gì mới trong việc bảo vệ và phát huy giá trị? Đó là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Nhưng hầu hết các bảo tàng hoặc các địa phương chưa đáp ứng ngay được yêu cầu cao của việc bảo tồn và gìn giữ các bảo vật quốc gia. Ngay cả với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện có 12 trong số 30 bảo vật cũng đang lúng túng trong việc gìn giữ các cổ vật. Theo T.S Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cần có một quy chế đặc biệt trong việc gìn giữ các bảo vật.

“Hầu hết các bảo vật quốc gia chúng tôi cho trưng bày ở hệ thống chính của bảo tàng. Việc phát huy gắn với giữ gìn, bảo quản sẽ có nhiều hình thức nhưng bây giờ do vấn đề còn mới nên chúng tôi phải có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất và trên cơ sở được phép thì mới triển khai. Theo quan điểm cá nhân tôi, việc phát huy là làm sao để bảo vật nổi trội hơn, gây chú ý nhiều hơn bằng các hình thức trưng bày, hình thức giới thiệu, kèm theo là các ấn phẩm, bài giới thiệu rộng và sâu hơn”, T.S Nguyễn Đình Chiến cho biết.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hai bảo vật thời Nguyễn là Bộ Cửu vị thần công và Bộ Cửu đỉnh đều lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Theo KTS Phùng Phu (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), các bảo vật đều là vật liệu bằng đồng, nhưng việc bảo quản này chưa tính hết tác động ở môi trường. KTS Phùng Phu cũng kiến nghị ngoài danh mục, bằng công nhận bảo vật quốc gia nên có những tấm biển gắn ở những không gian thích hợp để người dân có ý thức bảo vệ bảo vật tốt hơn.

Bộ cửu đỉnh trong Đại Nội Huế (ảnh Ngô Minh Thuyên)


30 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt đầu tiên đều thuộc các bảo tàng. Không một hiện vật của bảo tàng tư nhân, bộ sưu tập tư nhân nào có mặt trong danh sách này. Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khảo cổ, đây là điều đáng tiếc bởi vì sẽ bỏ sót nhiều hiện vật quý có thể đang được lưu giữ ở các nhà sưu tập cá nhân hoặc hệ thống bảo tàng ở các tỉnh. Vì vậy, theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, các đợt xét chọn bảo vật lần sau, cần có chính sách khuyến khích để nhà sưu tầm cá nhân đề cử các hiện vật quý.

Hiện nay, có một số người đang giữ những bộ sưu tập rất giá trị. Các bảo tàng địa phương có thể liên kết với các nhà sưu tập để đưa vào trưng bày. Ở tp. Hồ Chí Minh các bảo tàng cũng liên kết với các nhà sưu tập để trưng bày các chuyên đề. Nếu có những cổ vật có giá trị, được xác định rõ ràng thì việc đưa ra trưng bày không phải là khó và việc các nhà sưu tầm mang những cổ vật có giá trị vào các bảo tàng tôi nghĩ là không khó thuyết phục lắm!”, PGS.TS Bùi Chí Hoàng đưa ra đề xuất.

Giá trị lịch sử của các bảo vật là vô giá, việc bảo quản, lưu giữ các bảo vật này là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Xây dựng ý thức bảo vệ hiện vật đối với người dân cũng là một cách thức bảo quản tốt. Họa sỹ Vũ Đăng Đĩnh cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới bảo vật quốc gia. Bảo vật quốc gia cần đưa ra để cho nhân dân biết được đâu là tài sản quốc gia cần được gìn giữ, đồng thời, cảm thấy tự hào vì có những di sản như thế”.

Thiết nghĩ, cần có chính sách, chế độ bảo vệ đặc biệt cho các bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng việc quảng bá giá trị của bảo vật tới đông đảo công chúng trong và ngòai nước, đồng thời, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân có ý thức cao trong việc bảo vệ, gìn giữ các bảo vật quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên