Hồ Gươm chờ một quyết định tâm huyết!

VOV.VN -Mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ, gắn liền với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sát Hồ Gươm mau chóng trở thành đề tài “nóng” trên nhiều tờ báo.

Thời gian qua, việc xây dựng công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm trên mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ, gắn liền với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sát Hồ Gươm mau chóng trở thành đề tài “nóng” trên nhiều tờ báo. Cử tri, đại biểu Quốc hội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam...  và độc giả, khán thính giả của Đài TNVN lên tiếng về việc xây dựng công trình này.

Trở lại loại bài “Trách nhiệm với Hồ Gươm”

Năm 2010, Báo Tiếng nói Việt Nam có loạt bài “Trách nhiệm với Hồ Gươm” nêu những bất cập, sự không đồng tình của dư luận xã hội về công trình xây trụ sở Ban Quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm trên mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ.

 

 
Mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ ngay sát Hồ Gươm
Ngay sau loạt bài, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã quyết định dừng dự án xây trụ sở tại số 2 Lê Thái Tổ. Khi trả lời phỏng vấn Báo Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Chắc chắn sẽ làm một góc cây xanh cho đẹp, để tôn tạo thêm, tăng thêm cây xanh cho Hồ Gươm...”.

Thế nhưng, sau gần 4 năm người dân Thủ đô chờ đợi vườn hoa, công trình kiến trúc lịch sử thì đột nhiên gần đây UBND quận Hoàn Kiếm lại rục rịch xây dựng tòa nhà có tên Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, ngay trên mảnh đất từng gây sóng gió dư luận.

Khoan nói về tính pháp lý của công trình 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tum có tên là Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm với chức năng: Thông tin văn hóa về Hồ Gươm; trụ sở làm việc của Ban quản lý; phòng đa năng, tổ chức sự kiện; trên mái có thể khai thác làm quán giải khát, ngắm cảnh Hồ Gươm, chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả, cơ quan có trách nhiệm thông tin toàn cảnh, khách quan và nhiều chiều về sự kiện đang đặc biệt thu hút dư luận này. Để rồi từ đó mong các cấp có trách nhiệm xem xét, cân nhắc khi quyết định số phận mảnh đất ở di sản linh thiêng Hồ Gươm, phù hợp với tâm huyết, nguyện vọng và niềm tin của nhân dân./.

Quận Hoàn Kiếm khẳng định làm đúng luật

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng: Trước dư luận phản đối việc xây dựng công trình sát Hồ Gươm, ngày 19/11/2014, trả lời phóng viên Báo TNVN, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (chủ đầu tư) khẳng định, công trình được làm đúng luật.

Phó Chủ tịch Lâm Quốc Hùng cho biết, sắp tới sẽ đối thoại với dân, nếu dân không đồng ý thì theo quy định của pháp luật, công trình này vẫn được triển khai xây dựng. Khi được hỏi quận Hoàn Kiếm có xây công trình khi nhận được nhiều ý kiến không đồng tình, ông Hùng nói: “Đất của nhà mình thì mình xây theo phương thẳng đứng”. Hiện công trình vẫn chưa được khởi công, nhưng cần cẩu và công nhân đã xuất hiện để khoan và thăm dò đất.

Trở lại với công trình số 2 Lê Thái Tổ, trước đó UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Hội Kiến trúc sư Hà Nội nghiên cứu hai phương án rồi đề xuất phương án xây dựng công trình. Cho dù công trình được xây dựng sát Hồ Gươm nhưng theo ông Hùng, hiện nay không có quy định nào của pháp luật quy định xây dựng công trình phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, vì nó không nằm trong phạm vi của di tích.

Theo tài liệu quận Hoàn Kiếm cung cấp, mật độ xây dựng của công trình khoảng 64,8%. Về công năng sử dụng công trình, tầng 1 là để trống, mật độ xây dựng vào khoảng 32,9%, còn cơ bản là để trống làm vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, thông thoáng. Tầng 2 làm nơi trưng bày tranh ảnh có liên quan tới di tích, văn hóa, hoàn toàn không có dịch vụ, kinh doanh buôn bán. Một phần tầng 2 là nơi làm việc của Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Tầng 3 là nơi làm việc của Bộ phận quản lý Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm. Tầng thượng để sân trống. Tuy nhiên, theo tài liệu mà Báo TNVN có được, tầng 2 bố trí phòng làm việc của Ban quản lý. Tầng 3 làm phòng đa năng, tổ chức sự kiện. Trên mái có thể khai thác làm không gian giải khát, ngắm cảnh Hồ Gươm.

Khi được hỏi về nhân sự của Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm, ông Hùng cho biết hiện có khoảng gần 100 người. Riêng đội quản lý trật tự có khoảng 58-59 người. Hiện nay, họ không có trụ sở, phải ngồi nhờ UBND phường Tràng Tiền, vì vậy hơn 50 con người rất là vất vả.

“Không hề biết về công trình này”

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính: Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam không có thông tin, không hề biết về việc sẽ xây dựng công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm ở số 2 Lê Thái Tổ. Theo tôi, chủ đầu tư quận Hoàn Kiếm nên thận trọng xem xét việc đó. Cần phải tham khảo ý kiến của dân, phải có ý kiến của các chuyên gia, các hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước về việc này, thậm chí là triển lãm để người dân xem và cho ý kiến.

Người dân và các kiến trúc sư sẽ có nhiều ý tưởng táo bạo để hiến kế. Tại sao không tổ chức cuộc thi quốc gia, thậm chí quốc tế thiết kế kiến trúc về miếng đất này gắn với Hồ Gươm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục(?) 

“Không hiểu lý do gì mà Hà Nội vẫn quyết tâm xây”

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn: Hội Kiến trúc sư Việt Nam không đồng ý cho xây nhà ở khu vực này. Tôi làm việc với Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, ông cũng đồng ý là không xây công trình ở đây. Với quang cảnh của Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng như xung quanh Bờ Hồ không nên xây thêm gì mà nên mở rộng không gian. Ông Nguyễn Thế Thảo đồng ý rồi, trả lời rồi.

Tôi không hiểu lý do gì mà họ vẫn quyết tâm xây. Thiếu gì chỗ đặt trụ sở Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm. Tôi cảm giác là có chuyện gì phía sau, chứ không phải vì mấy mét vuông đất.!?

“Chúng ta đã sai lầm nhiều rồi”
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam:
Trước đây chúng ta đã sai lầm quá nhiều. Khi xây dựng những công trình lớn ngay sát Hồ Gươm, điển hình như “Hàm Cá Mập” trở thành nơi ăn uống, nhà hàng, thêm nữa còn định xây “khách sạn Hà Nội Vàng” nay là Ngân hàng Bảo Việt… đã làm cho kiến trúc Hồ Gươm không còn sự giản dị, dung dị của kiến trúc chuyển đổi giữa nông thôn và đô thị cách đây 100 năm. Vì thế, cảnh quan nơi đây mất đi giá trị của văn hóa, sự mềm mại chuyển tiếp trong khu vực xung quanh Hồ Gươm. Không nên xây dựng tòa nhà ở vị trí số 2 Lê Thái Tổ, vì nó nằm ở chỗ lẽ ra phải là không gian công cộng. Nó là nơi mà một số tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai… đổ ra Hồ Gươm. Nhìn thiết kế công trình có cảm giác giống một nhà hàng.

  

Tôn trọng di sản và lắng nghe dân

Số phận mảnh đất số 2 Lê Thái Tổ khiến cử tri lo lắng, băn khoăn, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng và đánh giá đây là vấn đề hệ trọng.

Cử tri Phạm Văn Đức (Tổ trưởng tổ 1, phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm):

“Xây dựng công trình trung tâm văn hóa tại số 2 Lê Thái Tổ là không nên, vì vừa làm mất cảnh quan vừa ảnh hưởng đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi kiến nghị không xây dựng, trả lại không gian thông thoáng cho khu vực này”.

 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: “Hà Nội muốn xây gì ở khu vực Hồ Gươm cũng phải công khai quy hoạch, lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên gia, người dân, nhà văn hóa... Phải tuân thủ đúng Luật Di sản, không được phá vỡ cảnh quan khu vực.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo:  “Hà Nội phải căn cứ vào quy hoạch và phải được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà chuyên môn. Phải được sự đồng ý của dư luận mới được xây dựng, nếu không, phải dừng lại”.

Đại biểu Bùi Thị An: “Hồ Gươm là di sản quý, không chỉ của riêng Thủ đô mà của cả nước. Tôi được biết Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đang chỉ đạo xử lý vấn đề này. Tôi đặt niềm tin, Hà Nội sẽ có sự điều chỉnh, chỉ đạo xử lý hợp lý”.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Công trình xây dựng này đã bị dừng một lần rồi chính là do dư luận xã hội không đồng tình, vậy khi triển khai tiếp thì phải trả lời câu hỏi dư luận xã hội đã đặt ra trước đây nhiều năm. Không có gì tốt bằng công khai chuyện xây ở đó cái gì? Kiến trúc như thế nào? Tác động cảnh quan đến đâu?... Trả lời được tất cả những câu hỏi đó thì mới đạt được sự đồng thuận cao.

“Điểm hẹn 17 giờ” - VOV1 phát sóng ngày 11/11/2014

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng các Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Đây là công trình văn hóa thì đội ngũ thiết kế thực hiện cũng phải thể hiện một trình độ khoa học, văn hóa tương xứng. Việc chủ đầu tư thể hiện cách ứng xử bất chấp dư luận thì đó là cách ứng xử hết sức không khoa học và thiếu văn hóa. Nó vi phạm nguyên tắc thiết kế công trình công cộng, bởi phải có bước tham khảo ý kiến của công luận. Nhất là công trình tại địa điểm trung tâm Thủ đô lại mang tên Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm. Quan điểm và cách nhìn nhận đánh giá lịch sử là rất cần thiết. Cho nên chúng ta phải xem lại một cách nghiêm túc chủ đầu tư công trình này”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho hay, ngày 25/11, Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức họp báo về công trình Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm hiện đang vấp phải ý kiến không đồng tình từ dư luận.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất biến Hồ Gươm thành khu vực đi bộ
Đề xuất biến Hồ Gươm thành khu vực đi bộ

Để bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử của khu vực Hồ Gươm, cần chỉnh trang lại các công trình công cộng, cơ quan công quyền...

Đề xuất biến Hồ Gươm thành khu vực đi bộ

Đề xuất biến Hồ Gươm thành khu vực đi bộ

Để bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử của khu vực Hồ Gươm, cần chỉnh trang lại các công trình công cộng, cơ quan công quyền...

Giới trẻ Hà Thành "phiêu" Salsa bên Hồ Gươm
Giới trẻ Hà Thành "phiêu" Salsa bên Hồ Gươm

VOV.VN - Vào lúc 20h30 tối thứ Bảy giữa tháng, tại chân tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm, rất đông các bạn trẻ đến để cùng nhảy Salsa.

Giới trẻ Hà Thành "phiêu" Salsa bên Hồ Gươm

Giới trẻ Hà Thành "phiêu" Salsa bên Hồ Gươm

VOV.VN - Vào lúc 20h30 tối thứ Bảy giữa tháng, tại chân tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm, rất đông các bạn trẻ đến để cùng nhảy Salsa.

Nỗi buồn hồ Gươm
Nỗi buồn hồ Gươm

VOV.VN - Thói quen xả rác của nhiều người đã khiến hồ Gươm càng trở nên ô nhiễm hơn

Nỗi buồn hồ Gươm

Nỗi buồn hồ Gươm

VOV.VN - Thói quen xả rác của nhiều người đã khiến hồ Gươm càng trở nên ô nhiễm hơn

Muốn "làm bạn" cụ Rùa Hồ Gươm, ba ba 50 tuổi cần thủ tục gì?
Muốn "làm bạn" cụ Rùa Hồ Gươm, ba ba 50 tuổi cần thủ tục gì?

VOV.VN - Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, khi đưa ba ba vào thì sẽ được coi như một hiện vật vào di tích nên phải làm thủ tục cẩn thận.

Muốn "làm bạn" cụ Rùa Hồ Gươm, ba ba 50 tuổi cần thủ tục gì?

Muốn "làm bạn" cụ Rùa Hồ Gươm, ba ba 50 tuổi cần thủ tục gì?

VOV.VN - Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, khi đưa ba ba vào thì sẽ được coi như một hiện vật vào di tích nên phải làm thủ tục cẩn thận.