Hát sắc bùa - phong tục chúc Tết đặc sắc ở xã Đức Ninh

VOV.VN - Sắc bùa là nét văn hóa cổ truyền được bao thế hệ con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy ở Đức Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Sắc đào tươi thắm báo hiệu một mùa xuân mới đã về. Những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi, mọi người dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Với người dân Đức Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hát sắc bùa từ lâu đã trở thành một phong tục chúc tết độc đáo của địa phương. Đây là nét văn hóa cổ truyền được bao thế hệ con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Hàng năm, cứ vào thời khắc giao thừa, tiếng trống sắc bùa lại vang lên, rộn ràng trong các thôn, xóm ở làng Đức Ninh.

Những câu hát Sắc Bùa chúc Tết luôn cầu mong mang lại nhiều điều tốt đẹp cho gia chủ.
(Ảnh: Dân Trí)

Vào những ngày giáp Tết, các thành viên của đoàn hát sắc bùa lại tranh thủ thời gian tụ họp, vừa để ôn luyện những bài chúc tết truyền thống, vừa sáng tác những giai điệu mới phù hợp với thời gian và hoàn cảnh.

Cụ Trần Minh Xiêm, năm nay đã gần 90 tuổi, vốn là người hát sắc bùa có thâm niên và nổi tiếng nhất, nhì làng Đức Ninh. Cụ hát cho chúng tôi nghe một đoạn và cho biết đây chính là bài chúc Tết ngoài cổng. Gia chủ nghe khúc hát, sẽ ra mở cửa đón đoàn vào nhà.

Ở mỗi gia đình, đoàn sắc bùa sẽ hát từ 3 đến 4 bài, gồm bài ngoài cổng, bài trong sân, bài trong nhà, bài tẩy xui hay còn gọi là bài bán kiến.

Khi đoàn hát vào nhà, gia chủ rót rượu hoặc nước mời trưởng đoàn, trưởng đoàn đáp từ và bắt đầu lĩnh xướng cùng các thành viên hòa vào khúc nhạc chúc tụng phúc lộc, phát tài, an khang và mạnh khỏe. Gia chủ đáp lại lời chúc tụng và tiễn đoàn ra tận cổng.

Cụ Trần Minh Xiêm, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đoàn thạch bùa đi phục vụ từ 12h đêm ngày 30 đến sáng ngày mai, đầu ngày mùng 1 Tết, đến xông đất, mừng tuổi cho các gia đình. Đầu năm, đoàn thạch bùa vào xông đát rồi là đến sáng mai, tự do bà con lui tới không kiêng cữ”.

Ngày xông đất cho gia chủ đầu năm, đoàn hát sắc bùa thường không có phụ nữ tham gia. Một đoàn hát sắc bùa gồm 5 hoặc 6 người,trong đó, trưởng đoàn phải là người đứng tuổi, hát tốt, gia đình sung túc, nhanh nhẹn, có đạo đức và cuộc sống tốt đẹp đại diện đoàn hát xông đất cho gia chủ.

Nhạc cụ hát sắc bùa gồm trống, mõ, chiêng, sinh tiền. Những bài hát sắc bùa có kết cấu theo kiểu vần vè như thơ 4 và 5 chữ, ngôn ngữ dân dã, bình dị, giai điệu như lời tâm tình thủ thỉ.

Anh Trần Văn Mai, thành viên trẻ nhất của đoàn hát sắc bùa thôn Đức Điền chia sẻ: “Tôi tham gia đội thạch bùa này đã lâu rồi, từ năm 90 đến bây giờ. Được sự nhất trí của các cấp, chính quyền cho phép, chúng tôi thành lập ra đội thạch bùa. Lớp trẻ như chúng tôi phải cố gắng mà làm để truyền lại cho con cháu sau này gìn giữ bản sắc, vẻ đẹp văn hóa của địa phương”.

Đức Ninh là một trong những xã được tỉnh Quảng Bình chọn làm xã điểm về nông thôn mới.Vì thế, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong toàn xã đặc biệt quan tâm.

Ông Đặng Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Ninh,thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã quan tâm, chỉ đạo các thôn, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, tổ chức các đoàn hát sắc bùa để vừa chúc Tết, vừa xây dựng phong trào văn hóa xã nhà. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết tâm để chỉ đạo 11/11 thôn đều có đội hát sắc bùa nhân dịp lễ tết Nguyên đán, khơi dậy phong trào để đào tạo thế hệ trẻ, kế nối phong trào thế hệ cha anh đi trước, giữ gìn nét đẹp văn  hóa của địa  phương”.

Hát sắc bùa là cách chúc tết độc đáo của người dân Đức Ninh thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay, người dân Đức Ninh lại ước mong một năm bình an, ấm no, hạnh phúc cùng chung sức chung lòng xây dựng và phát triển quê hương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên