Bạn đọc viết:

Cầu Long Biên chưa xứng đáng là di sản?

VOV.VN -Là nơi những lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội năm 1954, chỉ riêng điều này, cầu Long Biên đã xứng đáng là di sản.

Tại sao cầu Long Biên chưa được công nhận di sản?

Trong câu chuyện về số phận cầu Long Biên đang được quan tâm những ngày này, có một câu hỏi được những nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử, những kiến trúc sư... và dư luận đưa ra, là: Tại sao cầu Long Biên chưa được công nhận di sản?

Di sản, di tích lịch sử xếp hạng ở nước ta được công nhận dựa trên các tiêu chí: giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, giá trị văn hoá... Vậy, cầu Long Biên có đủ các yếu tố đó không?


Cầu Long Biên hội tụ đủ các yếu tố về giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa... (Ảnh: Hà Thành)

Chắc không cần nói lại nhiều về giá trị của cầu Long Biên, nhưng cũng nên nhắc lại một vài điểm cơ bản trong lịch sử cây cầu này. Cầu Long Biên là biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc và khoa học kỹ thuật đầu thế kỷ XX; cầu Long Biên ảnh hưởng tới quá trình kiến tạo và phát triển của đô thị Hà Nội; cầu Long Biên gắn bó với những thăng trầm, đổi thay trong lịch sử hình thành và phát triển Hà Nội với hình thái một đô thị hiện đại phương Tây; cầu Long Biên là chứng tích chiến tranh, là lịch sử hào hùng chống xâm lược... Và hơn hết, cầu Long Biên là một hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người dân Hà Nội. Cầu Long Biên là hình ảnh tiêu biểu của Hà Nội có tính biểu tượng.

Vậy thì cớ gì mà cầu Long Biên vẫn chưa được xếp hạng?

Trả lời báo chí, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: “Hà Nội hiện có hơn 6.000 di tích các loại, nhiều di tích liên quan đến thủ đô ngàn năm văn hiến, di tích cách mạng. Việc chưa lập hồ sơ di tích cho cầu Long Biên bởi còn nhiều di tích khác cần được xếp hạng...” Còn một vị lãnh đạo khác của Sở lại cho rằng cầu Long Biên chưa xứng đáng được công nhận di sản “Nếu xứng, cầu đã được xếp hạng rồi. Đây vẫn là hướng mà Sở mong muốn.”

Câu trả lời của lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội hẳn làm rất nhiều người băn khoăn. Như vậy là cầu Long Biên phải xếp hàng, và xếp hàng đến bao giờ? Hay phải có giá trị thế nào nữa thì cầu Long Biên mới được xếp hạng di sản???

Trên thực tế, cầu Long Biên đã là di sản trong lòng người Hà Nội trong cả thế kỷ qua. Việc công nhận một danh hiệu di sản mang tính hành chính có thể không cần thiết nếu không có câu chuyện tuyến giao thông đường sắt đô thị Hà Nội chạy qua khu vực cầu Long Biên.

Thử so sánh với các di sản khác

Cũng liên quan đến câu chuyện di sản, có hai sự việc rất gần mới diễn ra cách đây chưa lâu. Đó là việc công nhận (đợt 2) cho 37 hiện vật/nhóm hiện vật là Bảo vật quốc gia (Thủ tướng ký quyết định ngày 30/12/2013); và việc Hà Nội đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt của 05 di tích trên địa bàn (ngày 22/2/2014). Rất nhiều chuyên gia bảo tồn cho rằng: Cầu Long Biên xứng đáng là bảo vật quốc gia hay di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, thậm chí đặc biệt. Điều này hẳn có lý, nếu so sánh giá trị nghệ thuật của cầu Long Biên với một ngôi đền được phong tặng danh hiệu, hay so sánh giá trị lịch sử, “tuổi” của cầu Long Biên với một tác phẩm hội hoạ thời hiện đại.

Những lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên năm 1954 (Ảnh tư liệu)

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là tương đối. Và cũng có quan điểm cho rằng: Cầu Long Biên là sản phẩm của người Pháp, là sản phẩm của chế độ thực dân, không có gì đáng tự hào hay giá trị để bảo tồn. Quan điểm này đã lỗi thời và không phù hợp với tinh thần bảo tồn di sản.

Việt Nam đang hội nhập và tham gia các công ước về bảo tồn di sản với UNESCO. Theo đó, không có sự phân biệt về nguồn gốc di sản mà chỉ chiếu theo những tiêu chí di sản và bảo tồn di sản do UNESCO đặt ra. Và cầu Long Biên hoàn toàn có thể là di sản ở tầm thế giới với giá trị lịch sử của nó với tư cách là một công trình bằng kim loại kỳ vỹ, có tính nghệ thuật cao, có thể sánh với tháp Eiffel ở Paris (Pháp).

Di tích Bến Nghiêng (Ảnh: Hà Thành)

Người viết xin kết thúc bài với một so sánh gần hơn. Đó là Bến Nghiêng (Đồ Sơn, Hải Phòng) được công nhận là di tích quốc gia với tư cách là một địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử. Đó là nơi người Pháp rút khỏi Hải Phòng, cũng là rút khỏi Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện ở Đông Dương. Trên bia di tích này ghi: “Nơi đây – Ngày 15/5/1955 - Những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng”. Bến nghiêng đơn giản chỉ là một bến tàu biển, (có độ dốc từ bờ ra phía mặt nước nên gọi là “Bến nghiêng”), hoàn toàn không có giá trị gì về kiến trúc, nghệ thuật hay văn hoá.

Nhìn lại cầu Long Biên, cũng trong một sự kiện tương tự: Cầu Long Biên là nơi những lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội năm 1954, là tiền đề cho sự kiện ở Bến Nghiêng - Hải Phòng sau này. Thiết nghĩ, chỉ riêng điều này thôi, cầu Long Biên đã xứng đáng là Di tích quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên