Bảo vật quốc gia bị xâm hại: Địa phương thừa nhận sai

VOV.VN - Sở VHTT&DL Hà Nam khẳng định không có chủ trương "làm sạch" bia Sùng Thiện Diên Linh và thừa nhận bia bị xâm hại và đây là một việc làm sai.

Như VOV online đã phản ánh, để phục vụ cho lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, người ta đã tiến hành cọ rửa tấm bia bằng những vật nhọn sắc khiến bảo vật bị xâm hại nghiêm trọng với những vết xước chằng chịt trên mặt bia.

Phóng viên VOV online đã liên hệ với ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam và được cho biết đây không phải là chủ trương của Sở. Việc quản lý tấm bia cổ đã được Sở giao cho huyện, xã và Ban quản lý di tích.

Để phục vụ cho lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia, người ta đã thừa nhiệt tình mà thiếu kiến thức "làm sạch" bia đã bằng những vật cứng và sắc gây xước bề mặt.

Mặc dù cũng có mặt trong buổi lễ công nhận sáng 18/4, nhưng ông Hùng cũng không để ý để có thể nhận ra bia cổ - đối tượng chính của buổi lễ ngày hôm đó đã bị xâm hại. Cho đến khi chúng tôi liên hệ, Giám đốc Sở mới kiểm tra lại và thừa nhận việc làm này là sai.

Là một người công tác lâu năm trong lĩnh vực văn hoá di sản, ông Hùng khẳng định “về chủ chương là không ai cho cạo hay làm vệ sinh sạch sẽ như thế cả. Có thể lau bằng khăn ẩm thôi chứ làm sao có chuyện cào mặt bia ra như thế được”.

Ông Hùng đã ngay lập tức triệu tập cuộc họp với phòng nghiệp vụ văn hóa, bảo tàng và thanh tra văn hóa để làm rõ những vi phạm đối với bia Sùng Thiện Diên Linh. Giám đốc Sở cũng khẳng định sẽ có văn bản gửi huyện Duy Tiên yêu cầu làm rõ những vấn đề này.

Chuyên gia “đau hết cả người”

GS.TS Tống Trung Tín, Uỷ viên Hội đồng khoa học đã thông qua việc bia quý Sùng Thiện Diên Linh này trở thành bảo vật quốc gia, đã không giấu nổi sự ngạc nhiên khi hay tin bảo vật có thể bị xâm hại dễ dàng như thế. “Nếu dùng vật cứng tác động vào, bia hỏng hết còn gì. Cần loại bỏ rêu, hoặc tu bổ bia, nhất nhất đều phải có ý kiến, phương án của chuyên gia chứ”, PGS. TS Tống Trung Tín nói.

“Dùng phoi bào sắt và bàn chải để làm sạch bia ư?” - TS Nguyễn Tiến Đông, Viện khảo cổ VN chỉ biết than trời: “Thế thì xót quá! Phải biết trân trọng báu vật chứ!”

Trán bia với lối viết phi bạch do chính Hoàng đế Lý Nhân Tông ngự bút giờ đây nhìn lên, dễ dàng nhận ra những vết trầy xước vì bị xâm hại

“Tôi đã từng chứng kiến những nhà nghiên cứu nước ngoài chỉ dùng chổi lông và nước để làm sạch một tấm bia. Công tác này họ có thể làm cả năm trời chỉ với tấm bia đó, làm đi làm lại hàng ngày, nhưng chỉ làm thủ công hoàn toàn, không dùng hoá chất hay bàn chải gì cả” – TS Nguyễn Tiến Đông cho biết.

KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, thở dài khi biết chuyện: “Vết xước nó ăn vào rồi làm sao mà cứu được. Coi như đã cắt vào thịt rồi làm sao cứu được nữa. Động đến hiện vật như vậy phải cực kỳ nâng niu”.

Là người nhiều năm nghiên cứu tìm ra những loại hoá chất để diệt nấm mốc, chất bẩn trên di tích, ông Vinh cho biết, việc tẩy rêu mốc, làm sạch bia trong trường hợp cần phải dùng đến hoá chất thì cũng phải được làm đúng quy trình. Phải có chuyên gia, nhà nghiên cứu về tận nơi, lấy mẫu xác định chất bẩn và rêu loại gì để dùng hoá chất phù hợp chứ không phải “hồn nhiên” và “nhiệt tình” dùng phoi sắt, bàn chải và xà phòng ra sức kỳ cọ./.

>>Sững sờ bảo vật quốc gia chưa làm lễ công nhận đã hư hại

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên