Bảo tồn văn hóa cồng chiêng ngay từ buôn làng

Để không bị mai một, văn hóa cồng chiêng rất cần đến không gian truyền thống và ý thức gìn giữ của những chủ nhân sản sinh và sở hữu di sản vô giá này.

Sống lại tình yêu cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào gắn liền với đời sống từ bao đời nay của đồng bào Tây Nguyên. Đáng mừng là ý thức gìn giữ, tình yêu với cồng chiêng đang sống lại ở nhiều buôn làng.

Chuyện về thanh niên người Ba Na ở làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đắc Pơ, gây quỹ tìm mua cồng chiêng rồi nhờ các nghệ nhân truyền dạy các bài chiêng để gìn giữ văn hóa của dân tộc mình đã trở thành câu chuyện gây ấn tượng cho nhiều người ở tỉnh Gia Lai, nhất là những người có tình yêu với văn hóa truyền thống.

Ý thức gìn giữ, tình yêu với cồng chiêng đang sống lại ở nhiều buôn làng

Chuyện bắt đầu từ khoảng 4 năm trước, khi thanh niên làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đắc Pơ, tỉnh Gia Lai quyết định tổ chức đi làm thuê gây quỹ để phục hồi hoạt động diễn tấu cồng chiêng của buôn làng mình. Sau hơn 2 năm, từ mồ hôi, công sức của mình, các bạn trẻ làng Jun đã mua được đủ 2 bộ chiêng cổ.

2 bộ chiêng ấy bây giờ vẫn treo trang trọng trong nhà rông làng Jun. Và cứ hằng tuần, hằng tháng, thanh niên lại tập trung về đây, sử dụng 2 bộ chiêng này say sưa luyện tập, với sự hướng dẫn của các nghệ nhân lớn tuổi.

Anh Đinh Nhất, thanh niên làng Jun cho biết: “Đội cồng chiêng của làng mình lần nào đi giao lưu với các đội trong huyện cũng đứng đầu bảng. Cồng chiêng làng mình được thanh niên quý hơn cả tài sản riêng. Trong mỗi lần sinh hoạt Đoàn hay tổ chức đám cưới, lễ hội thanh niên trong làng ai cũng đánh cồng chiêng. Nếu trong lễ hội, ngày vui mà thiếu đi âm thanh cồng chiêng thì nó thiếu vui.”

Từ làng Jun, việc đổi mồ hôi công sức lấy cồng chiêng đã lan rộng sang các làng khác của xã Yang Bắc, huyện Đắc Pơ. Các làng Bung Bang, Krối, Jro Dơng, đều có các quỹ của tuổi trẻ yêu chiêng. Đến nay, mỗi làng đều đã “tậu” cho mình một bộ chiêng trị giá vài chục triệu đồng. Và mừng hơn nữa là cả 15 làng trong xã, làng nào cũng thành lập được đội chiêng thanh niên.

Giữ cồng chiêng để giữ bản sắc

Câu chuyện về bảo tồn văn hóa âm nhạc cồng chiêng của người Ja Rai ở làng Mít Jép, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa cồng chiêng trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Rất nhiều gia đình trong làng vẫn lưu giữ được các bộ cồng chiêng quí. Như gia đình ông Ksor Hơn, trông ngôi nhà của ông không khang trang lắm nhưng dân làng lại ca ngợi “nhà ông Hơn giàu”. Cái sự “giàu” đó là bởi nhà ông đang lưu giữ tới gần 10 bộ cồng chiêng. Bản thân ông Ksor Hơn cũng nghĩ mình giàu thật. Những bộ chiêng cổ kia, không chỉ khiến ông trở thành người giàu, mà cả người Jo-rai làng Mít Nhép nữa. Cái giàu ấy bây giờ, với ông còn quý hơn giàu trâu bò, tiền của. 

“Các bộ cồng chiêng của gia đình do bố mẹ vợ để lại. Gia đình luôn cất giữ nó cẩn thận. Gia đình nào có chiêng là có của, bây giờ nhiều người đổi cồng chiêng bằng trâu, bò, nhưng già đình thì không bán mà giữ lại để khi làng có việc thì đem ra đánh. Như thế mình sẽ giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.”  - Ông Ksor Hơn chia sẻ.

Rời làng Mít Jép, điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là làng Mơ Hra, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ngôi làng của những người Ba Na nằm yên ả, thanh bình dưới chân ngọn núi vang danh Anh hùng Núp cũng tạo cho chúng tôi ấn tượng khó quên về bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đó là một ngày cuối tuần, dân làng tập trung về nhà rông để tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ở giữa nhà rông, chị em nhịp nhàng trong vòng xoang. Xung quanh nhà, tiếng chiêng bập bùng vang vọng. Đó là lúc các nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang ôn lại những bản nhạc cồng chiêng, những bài hát dân ca và truyền dạy cho lớp trẻ.

Nhìn cách mà các nghệ nhân truyền dạy tỉ mỉ cho con cháu mình, và cách mà thế hệ trẻ ý thức tiếp thu các giá trị truyền thông mới thấy và hiểu được đó là tâm huyết, là sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na nơi đây. Có cảm tưởng như dòng chảy văn hóa truyền thống ở đây tiếp nối từ thế hệ trước qua thế hệ sau mà chưa hề chịu tác động nào của cuộc sống hiện đại. 

 “Hằng tuần, bà con lại tập trung về nhà rông để duy trì nét văn hóa truyền thống và truyền dạy cho con cháu. Con cháu rất có ý thức bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi rất mừng, cứ như thế này văn hóa truyền thống Ba Na mình không bị mai một được.” - Nghệ nhân Đinh Trân, đội trưởng đội cồng chiêng làng Mơ HRa chia sẻ.

Theo thống kê của ngành Văn hóa tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh còn hơn 5.556 bộ cồng chiêng nằm rải rác ở các buôn, làng dân tộc thiểu số tại chỗ. Rất nhiều buôn làng đã và đang nỗ lực để gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Ngành chức năng tỉnh Gia Lai cũng đang phấn đấu để đến năm 2015, tất cả các buôn, làng người dân tộc thiểu số tại chỗ đều có cồng chiêng, qua đó khôi phục và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

“Có những làng đang còn giữ được hàng trăm bộ chiêng, đặc biệt như huyện Ia Grai, có gia đình đang giữ thậm chí được 5 đến 10 bộ chiêng. Tất nhiên, có một số làng bị mai một, nhất là giai đoạn kinh tế khó khăn. Nhưng từ sau festival 2009 đến nay, không còn việc bán cồng chiêng. Hiện nay, không gian văn hóa cồng chiêng ở các làng sinh hoạt trở lại rất tốt. Tỉnh cũng đang tạo điều kiện hỗ trợ để các làng mất cồng chiêng được trang bị lại.” - Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai cho biết.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng ngay từ buôn làng, nơi mà không gian văn hóa cồng chiêng sản sinh ra, xuất phát từ nhu cầu, từ tình yêu của những chủ nhân nắm giữ nét văn hóa đặc sắc đã thực sự mang lại hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp tiếng cồng, tiếng chiêng vang mãi nơi Tây Nguyên đại ngàn, huyền thoại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên