Con trâu và đường đua F1

Làm sao mà hạnh phúc khi người ta vẫn còn ước mơ vay được vốn mua con trâu để kéo cày rồi nghển cổ ngước nhìn qua những bức tường sang trọng của một đường đua xe?

Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành quốc gia tiếp theo trong danh sách các đường đua F1 thế giới. Thông tin về dự án đường đua F1 rộng 300 ha sẽ được đầu tư xây dựng ở Khánh Hòa là một trong những tin được đọc nhiều trên các trang điện tử mấy ngày qua.

Đua xe công thức một, mộn thể thao tốc độ, tốn kém và được yêu thích trên toàn thế giới. Dĩ nhiên, viễn cảnh được nhìn thấy các tay đua hàng đầu thế giới, các triệu phú thể thao tranh tài ở Việt Nam khiến rất nhiều người hào hứng.

Nhưng, đó sẽ chỉ là những khoảnh khắc hứng khởi ngắn ngủi mà thôi. Bởi, khi chúng ta bình tâm mà nhìn lại cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình, khi mà tỷ lệ đói nghèo theo chuẩn thấp nhất thế giới của người dân Việt Nam vẫn còn quá cao, thì cái niềm hứng khởi tốc độ kia chỉ là một ước vọng xa vời của đại đa số người dân.

Ở ngay bên rìa cái vùng đất sẽ trở thành đường đua sang trọng ấy, lúc này chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những khuôn mặt khắc khổ của người nông dân nghèo, của những đồng bào Raklay huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đang chật vật mưu sinh bên những vạt rừng đang cạn kiệt, của những ngư dân Ninh Hòa lần hồi kiếm ăn trên những vịnh biển hết cá, tôm. 

Khi nhìn vào sự thật đó, chúng ta sẽ thấy rằng những dự án xa hoa như đường đua sắp tới, hay các thành phố resort ở Phan Thiết, ở Đà Nẵng chỉ thỏa mãn niềm hào nhoáng nhất thời của một nhóm người, mà không đem lại nhiều hạnh phúc cho nhân dân. Làm sao mà hạnh phúc khi người ta vẫn còn ước mơ vay được vốn mua con trâu để kéo cày rồi nghển cổ ngước nhìn qua những bức tường sang trọng của một đường đua xe?

Nói đến hạnh phúc, chợt nhớ những phiên chợ vùng cao nhiều năm trước. Hồi đó, những người đàn ông Mông xuống chợ với cái lồng họa mi trên tay, vừa đi vừa nhún nhảy, đến chợ rồi ai cũng như ai, áo chàm tà pủ, mũ nồi đội nghiêng, cùng nâng bát rượu ngô và mắt ngời hạnh phúc. Cũng những phiên chợ vùng cao ấy vài năm về sau, vẫn những người đàn ông xuống chợ, kẻ dắt xe máy Tàu, người nắm đuôi ngựa thồ, người xách lồng họa mi, người ôm đài bán dẫn… sự chênh lệch nhỏ thôi mà ánh mắt hạnh phúc đã thay bằng những tia khát khao và đố kị.

Cũng lại nói về niềm hạnh phúc, tôi bỗng hình dung đến một con đường đèo chênh vênh trên nóc nhà thế giới. Còn đường đèo chỉ dài hơn 40 cây số, là huyết mạch giao thông của một quốc gia tên gọi Bhutan. Trên con đường đèo đó, người ta thường nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của con người. Những người hạnh phúc ấy không có xe ô tô, đương nhiên là đất nước Bhutan đó cũng chẳng hề giàu có. Song niềm hạnh phúc của họ là có thực. Các cuộc khảo sát, đo đếm uy tín đều công nhận Bhutan là đất nước mà người dân có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Chỉ số hạnh phúc của đất nước Bhutan không đến từ một sự tình cờ mà được xây dựng một cách khoa học thành một khái niệm có tên Tổng giá trị hạnh phúc quốc gia với 72 tiêu chí. Thậm chí, để theo đuổi các tiêu chí này, Hiến pháp Bhutan còn quy định các chương trình của nhà nước phải được đánh giá không chỉ trên lợi nhuận kinh tế, mà phải mang lại niềm hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

Trở lại với câu chuyện dự án đường đua F1, phải thừa nhận đây là một dự án đem lại nhiều cơ hội kinh tế. Với vòng đua Khánh Hòa trong tương lai, thế giới sẽ biết đến vùng đất miền Trung của chúng ta như đã từng biết đến những Barcelona, hay Thượng Hải… lượng khách du lịch sẽ tăng lên, việc làm cho nhiều người dân sẽ xuất hiện… Song, đó không phải cơ hội cho những người nông dân còn đang mơ ước sở hữu một con trâu, mà những người đó vẫn chiếm một tỷ lệ lớn ở đất nước này.  

Đúng là sẽ thật đáng mừng khi chúng ta thu hút được khoản đầu tư hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Song, lúc này, cái mà chúng ta cần là những khoản đầu tư mang lại niềm hạnh phúc cho người dân, mang lại những chỉ số thoát nghèo, hơn là những chỉ số xa hoa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên