Thủ môn Dương Hồng Sơn: “Nghề đá bóng thật bạc bẽo!”

(VOV) - “Đời làm cầu thủ rất ngắn, dù phong độ tốt đến đâu thì 35 tuổi là đã không còn đá được rồi. Thế mới nói, nghề đá bóng thật bạc bẽo!"

PV: Chào anh Dương Hồng Sơn. Năm 2012 đã qua đi, có người cho rằng đây là một năm thất bại và khủng hoảng của bóng đá Việt Nam. Quan điểm của anh về vấn đề này?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Năm vừa rồi đội tuyển Việt Nam không được thành công như người hâm mộ kỳ vọng. Tất cả mọi người hoạt động trong ngành bóng đá đều thấy được sự thất bại đó. Trên thực tế, ngành bóng đá trong năm 2012 gặp phải rất nhiều khó khăn, cả ở cấp câu lạc bộ cho đến các huấn luyện viên, ông bầu…Tôi nghĩ đó là một nhận xét phản ánh sát thực tế.

PV: Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012 là một sự kiện buồn. Cá nhân anh là thủ môn, cũng bị giới chuyên môn đánh giá là sa sút phong độ so với những mùa trước. Theo anh, giới chuyên môn và người hâm mộ có quá khắt khe với anh nói riêng và ĐT Việt Nam nói chung không khi nhìn nhận như vậy?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Phong độ sa sút của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2012 đã làm người hâm mộ không vui. Cá nhân tôi cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Không hẳn là nói sa sút phong độ nhưng tôi cũng chơi chưa tốt, chưa giúp được toàn đội tuyển dẫn đến sự thất bại. Tôi chịu trách nhiệm về vấn đề đó.

Dương Hồng Sơn gửi lời xin lỗi khán giả vì thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012 (ảnh: TTVH)

Tôi gửi lời xin lỗi chân thành tới người hâm mộ và cũng mong khán giả có cái nhìn thoáng hơn. Trong bóng đá thì không nói trước được điều gì nhưng tôi xin hứa với các cổ động viên rằng, những gì chúng tôi chưa làm được, chưa làm tốt trong năm 2012 thì sẽ cố gắng làm hết mức có thể trong những năm tới. Hy vọng người hâm mộ sẽ luôn sát cánh bên cạnh đội tuyển.

PV: Việc đổ lỗi cho cầu thủ như chỉ trích Công Vinh, thay HLV Phan Thanh Hùng… nhiều người cho rằng đấy không phải là cốt lõi của vấn đề mà do đường hướng phát triển của bóng đá Việt Nam và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang có vấn đề. Anh nghĩ sao?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Thất bại thì không thể đổ lỗi cho ai được. Đây là thất bại chung của đội tuyển, cả HLV, cầu thủ, những người làm bóng đá. Vấn đề là qua thất bại phải biết nhận ra mình thiếu cái gì, mình cần gì, mình đã làm được gì. Thất bại là bài học cho tất cả những người làm bóng đá để phát triển tốt hơn. Bóng đá là dành cho người hâm mộ, có người hâm mộ yêu quý bóng đá thì bóng đá mới sống được. Nếu không làm tốt thì đó là việc có lỗi với người hâm mộ.

PV: Câu chuyện thời sự nhất trong làng bóng đá Việt Nam hiện nay là việc nhiều đội bóng bị giải thể, nhiều đồng nghiệp của anh đang lo lắng về số phận tương lai của mình khi đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Anh thấy buồn trước thực tế này chứ?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Tôi cũng chỉ là một vận động viên giống như Thành Lương, Công Vinh, Quang Hải. Bóng đá Việt Nam đang rơi vào tình thế rất khó khăn bởi ảnh hưởng kinh tế. Các cầu thủ như chúng tôi rất may mắn khi có sức khỏe tốt và được hoạt động ổn định.

Theo cá nhân tôi, cầu thủ phải biết tôn trọng nghề nghiệp, đội bóng của mình và phải có gì đó để giúp đội bóng trong thời kỳ khó khăn này như giảm lương, giảm chi phí lót tay… Làm trong nghề với nhau, tôi cảm nhận được các cầu thủ đều rất buồn. Thất nghiệp rồi thì phải đi tìm công việc mới, nơi làm mới, có được sự ổn định thì phong độ mới tốt, mới cống hiến được cho đội tuyển Quốc gia. Tôi mong và cầu chúc đồng nghiệp có thể tìm được việc làm mới.

PV: Từ những chuyện như thế, có bao giờ anh nghĩ nghề cầu thủ, nghề đá bóng thật... bạc bẽo? Bởi trên thực tế, nhiều ngôi sao đã và đang phải làm nghề phụ như mở quán cà phê, quán ăn, mở phòng tập... để mưu sinh?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Cầu thủ cũng là một cái nghề. Chúng tôi có niềm đam mê và khát khao chơi bóng. Chúng tôi luyện tập và tích lũy từ bé, rồi phải đổ mồ hôi, thậm chí là máu, chấn thương để mong được đá ở giải hạng nhất, V-Lleague, rồi vào đội tuyển Quốc gia. Đấy là những người thành đạt, nhưng còn có bao người khác lại dở dang chuyện học hành, sau này không được vào đá thì họ phải xoay sở làm nghề khác. Hay có những cầu thủ đến thời điểm không có câu lạc bộ nào nhận thì buộc phải làm nghề tay trái.

Dương Hồng Sơn góp công không nhỏ vào thành tích của ĐT Việt Nam và của Hà Nội T&T (ảnh: TTVH)

Ai đi sâu vào cuộc sống cầu thủ mới hiểu và thông cảm được. Không phải chúng tôi nhận lương thế này là cao, thực chất, chúng tôi đã phải đổ tất cả mồ hôi và cả máu để có điều đó. Không phải ngày một, ngày hai mà là một quá trình, một đời cầu thủ cống hiến mới có được như thế.

Bóng đá là công việc, làm tốt thì được nhận mà không tốt thì bị loại. Còn không may gặp chấn thương thì có thể giải nghệ ngay cả khi phong độ còn tốt. Nếu chấn thương nghiêm trọng thì theo cầu thủ đến cả đời. Đời cầu thủ rất ngắn, đến 35 tuổi là đã không còn đá được rồi. Thế mới nói, nghề đá bóng thật bạc bẽo!

PV: Anh dự định sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình như thế nào khi mình không còn thi đấu nữa?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Với các cầu thủ không chơi bóng, họ mở hàng, mở quán, mở sân cỏ nhân tạo… để kiếm sống. Tôi cũng vậy thôi. Sau này nghỉ thì tôi cũng làm gì đó phù hợp với khả năng của mình. Ví dụ như học làm Huấn luyện viên để dạy các cháu, các em. Chúng tôi không được học văn hóa chuyên sâu như mọi người, chúng tôi chỉ học về bóng đá nên bước tiếp theo con đường này sẽ thuận lợi hơn.

PV: Anh hiện có một gia đình rất êm ấm, hạnh phúc, đủ đầy. Theo anh, gia đình, vợ con có vị trí, vai trò như thế nào trong sự nghiệp của anh?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Bây giờ, tôi cảm thấy mình đang sống hạnh phúc. Đời bóng đá rất bạc bẽo, lúc vui, lúc buồn, lúc tuyệt vọng thì lại có gia đình động viên. Mình cống hiến tất cả cho bóng đá, dành nhiều thời gian, tâm huyết cho bóng đá nên lúc được nghỉ ngơi, dịp lễ, Tết, phải dành cho gia đình. Là một người con, người chồng, người cha, tôi biết phải chăm sóc cho tổ ấm của mình. Vợ con, gia đình là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi.

PV: Dự định của anh trong năm 2013 là gì?

Thủ môn Dương Hồng Sơn: Cầu thủ thì phải luôn đặt ra cho mình mục tiêu, phương hướng để tiến lên. Tôi luôn lấy mục tiêu cao nhất trong các giải chuyên nghiệp cũng như giải quốc gia. Năm 2013, tôi mong muốn đội bóng của tôi đoạt được chức vô địch V-League 2013.

PV: Xin cảm ơn anh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên