Tương lai quan hệ Mỹ - Ai Cập thời hậu Mubarak

Sau khi chính quyền của Tổng thống Mubarak sụp đổ, chính sách đối ngoại của Ai Cập với Mỹ đã có những điều chỉnh tinh tế.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 14/7 bắt đầu chuyến thăm hai ngày Ai Cập. Sự kiện này được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi nó diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, khi lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này có một vị Tổng thống Hồi giáo, điều có thể làm thay đổi bàn cờ chính trị tại Trung Đông và nhất là quan hệ với Mỹ.

Trong một thông cáo đưa ra trước thềm chuyến công du dài ngày của Ngoại trưởng Clinton, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, mục đích chuyến thăm là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với tiến trình chuyển giao dân chủ và phát triển kinh tế của Ai Cập. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến gặp các quan chức chính phủ, xã hội dân sự và giới doanh nghiệp Ai Cập trước khi tham dự lễ khánh thành tổng lãnh sứ quán Mỹ tại thành phố Alexandria.

Dư luận cho rằng vị Tổng thống Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử Ai Cập có thể làm thay đổi bàn cờ chính trị tại Trung Đông, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ (Ảnh: Reuters)

Trước đó, hồi cuối tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã hoan nghênh chiến thắng của ông Mursi trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, song tỏ ra khá thận trọng khi tuyên bố, đây mới chỉ là bước đầu tiên trên con đường tiến tới dân chủ.

Bởi thực tế, việc ông Mursi, một thành viên lâu năm của Tổ chức Anh em Hồi giáo đắc cử có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và quốc gia Arab quan trọng này sẽ trở nên phức tạp hơn giai đoạn trước khi chính quyền Tổng thống Mubarak bị lật đổ năm 2011.

Dư luận Ai Cập cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chuyến thăm này của Ngoại trưởng Mỹ. Anh Rafat, một nhà báo địa phương nói: “Quả thực, chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng. Mỹ muốn đánh giá lập trường và thái độ của chính phủ mới, nhất là khi Ai Cập là một nước lớn tại Trung Đông và lần đầu tiên trong lịch sử có một vị Tổng thống Hồi giáo”.

Trong khi đó, nhiều người dân Ai Cập cho rằng, quan hệ với Mỹ là mối quan hệ “có đi có lại”. “Người Mỹ không cho không ai cái gì cả. Họ đã không hỗ trợ nền kinh tế của chúng tôi hay làm bất kỳ điều gì cho chúng tôi miễn phí cả. Tôi cho rằng, có những nước có thể cung cấp điều gì đó để đổi lấy những thứ khác”, một người dân Ai Cập nói.

Trên thực tế, hàng năm, Mỹ viện trợ khoảng 1,3 tỷ USD cho Ai Cập, song chủ yếu là dành cho quân sự nhằm đảm bảo Ai Cập sẽ tiếp tục duy trì hoà bình với Israel, một đồng minh của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, việc thế lực Hồi giáo mà tổ chức Anh em Hồi giáo làm đại diện nổi lên và chiếm một chỗ đứng vững chắc trong đời sống chính trị Ai Cập chắc chắn sẽ khiến chính quyền mới của nước này đưa ra những điều chỉnh lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại. Ai Cập dưới thời ông Mubarak là một đồng minh thân cận của Mỹ, hợp tác với Mỹ trên hàng loạt vấn đề từ cuộc chiến chống khủng bố đến hỗ trợ hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông, giúp đảm bảo hành lang vận tải biển an toàn hay hỗ trợ cho các cuộc đàm phán giữa thế giới Arab và Israel.

Vì thế, sự thay đổi mang tính chất kiến tạo đang diễn ra ở Ai Cập và rộng hơn là ở Trung Đông có thể có tác động lớn đối với mức độ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Với Ai Cập trong quá trình thay đổi, Mỹ có thể sẽ phải chứng kiến một số lợi ích của họ bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, sau khi chính quyền của Tổng thống Mubarak sụp đổ, chính sách đối ngoại của Ai Cập đã có những điều chỉnh tinh tế, ngoại giao thân Mỹ trước đây từng bước chuyển sang ngoại giao tăng cường cân bằng quan hệ với các nước xung quanh, trọng điểm là tăng cường sức ảnh hưởng của Ai Cập tại châu Phi. Từ chỗ phục tùng và hùa theo Mỹ trước đây, Ai Cập đã chuyển dần sang theo đuổi quan hệ song phương bình đẳng.

Mặc dù bề ngoài Ai Cập vẫn nhiều lần nhấn mạnh cho dù tình hình biến đổi thế nào vẫn cần sự ủng hộ của Mỹ, nhất là trong bối cảnh kinh tế Ai Cập đang ngập sâu trong khó khăn như hiện nay, song cả hai bên đều nhận thức rõ rằng quan hệ Mỹ - Ai Cập trong tương lai sẽ bước vào thời kỳ đầy nguy cơ cọ xát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên