Trung-Ấn: Giảm thâm hụt thương mại, tăng thâm hụt lòng tin?

VOV.VN - Trung Quốc và Ấn Độ có thể khai thác tiềm năng trong phát triển kinh tế, song hai nước khó lòng gạt bỏ những nghi kị lẫn nhau.

Ngày 17/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ấn Độ bắt đầu chuyến thăm chính thức nước láng giềng Nam Á này với hy vọng mở ra “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế mới nổi hùng mạnh và đông dân nhất thế giới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc đến Ấn Độ kể từ khi ông Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh Reuters)

Lãnh đạo 2 nước dự kiến ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương trong khi tranh chấp biên giới tiếp tục được cho là mối trở ngại lớn trong mối quan hệ chính trị giữa 2 nước.

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 3 ngày lần này không phải là Thủ đô New Delhi hoa lệ mà là Ahmedabad, thủ phủ thương mại của bang Gujarat. Thủ tướng Ấn Độ Modi mong muốn chuyến thăm thị trấn nhỏ ngoài khuôn khổ các trung tâm phát triển như New Delhi sẽ giúp nguyên thủ nước láng giềng có cái nhìn toàn diện hơn về sự đa dạng của Ấn Độ.

Sau đó, 2 nhà lãnh đạo sẽ cùng về New Delhi để hội đàm và ký kết hàng loạt thỏa thuận quan trọng về xây dựng cơ sở hạ tầng và đường sắt, kết nghĩa giữa 2 thành phố Quảng Đông và Ahmedabad, công bố thành lập 2 khu công nghiệp của Trung Quốc ở các bang Gujarat và Maharashtra.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết: “Có đủ lý do thuận lợi cho chúng tôi tin rằng Trung Quốc rất muốn đầu tư vào Ấn Độ, vì thế chúng tôi đã mời họ đầu tư vào đây. Điều này góp phần giảm thâm hụt thương mại và tạo việc làm cho phía Ấn Độ”.

Việc ông Tập Cận Bình thăm bang Gujarat trước khi tới New Delhi được các học giả và giới phân tích Ấn Độ chú ý. Họ cho rằng đây có thể là một nước cờ chiến thuật của Trung Quốc nhằm tranh thủ tình cảm của Thủ tướng Modi, người từng giữ chức Thủ hiến bang Gujarat, đồng thời thể hiện ý định tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư với bang phát triển đầu tàu của Ấn Độ.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao) cũng nói với báo giới tại Bắc Kinh rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ đánh dấu sự bắt đầu “một thời kỳ mới trong quan hệ Ấn-Trung”, được gắn kết bằng “sự cộng hưởng chiến lược” mạnh mẽ.

Song quan hệ kinh tế phát triển mạnh chưa hẳn sẽ chuyển thành những mối quan hệ song phương tốt. Kim ngạch thương mại Trung - Ấn năm ngoái đạt 66,4 tỷ USD song lại nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Thâm hụt thương mại về phía Ấn Độ lên đến khoảng 35 tỷ USD mỗi năm và trong năm ngoái là 31 tỷ USD.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Ấn Độ Roy Choudhury cảnh báo về cái mà bà gọi là “thâm hụt lòng tin” giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ông Roy Choudhury nói: “Chính sách ngoại giao không dựa trên cá nhân mà dựa trên quá khứ của đất nước cũng như bối cảnh hiện tại. Theo đó, tôi nghĩ rằng thâm hụt lòng tin giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thể hiện ngày càng rõ trong các cuộc đàm phán tương lai.”

Bên cạnh đó, chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh không hoàn toàn thuận lợi trước thông tin một số công dân Trung Quốc xâm nhập vùng lãnh thổ của Ấn Độ ở Demchok, thuộc khu vực Ladakh.

Tờ Hindustan Times tuần trước đưa tin hơn 200 lính Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vượt biên sang lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực phía Tây dãy Himalaya để xây dựng đoạn đường bộ dài 2 km tại đây.

Trước tình hình đó, binh sỹ Ấn Độ đã đưa ra lời cảnh báo đối với quân đội Trung Quốc và yêu cầu họ rút khỏi lãnh địa nước này. Đêm 10/9, binh sỹ Ấn Độ  phá bỏ đoạn đường tạm vừa làm xong. Bộ Quốc phòng Ấn Độ hiện vẫn chưa bình luận gì về thông tin này trong khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố họ sẽ bảo vệ vững chắc 3.500 km biên giới với Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho biết, các vấn đề còn tồn đọng sẽ được lãnh đạo 2 nước thảo luận trong các cuộc tiếp xúc của ông Tập Cận Bình tại New Delhi. Còn phía Trung Quốc tất nhiên không mong muốn vấn đề biên giới sẽ phủ bóng đen lên những cuộc hội đàm vốn nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư nói riêng và quan hệ song phương tổng thể nói chung.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Chúng tôi tin rằng trong 1 thời gian dài, Trung Quốc và Ấn Độ  đã duy trì hòa bình và ổn định khu vực biên giới. Vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ Trung - Ấn. Chúng tôi hy vọng rằng 2 nước có thể tiếp tục những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới cũng như tạo bầu không khí, điều kiện tốt cho sự phát triển quan hệ song phương”.

Các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ở khu vực biên giới dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) và yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ tiếp tục là rào cản trong quan hệ song phương.

Dù là người khâm phục những thành công kinh tế của Trung Quốc ngay từ khi còn làm Thủ hiến bang Gujarat, Thủ tướng Modi không thể xem nhẹ chủ quyền quốc gia. Về mặt chiến thuật, Trung Quốc và Ấn Độ có thể khai thác tiềm năng và bổ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế, song hai nước khó lòng gạt bỏ những nghi kị lẫn nhau, cho dù hai bên đã có những nỗ lực lớn để xây dựng lòng tin./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung - Ấn hội đàm cấp cao thúc đẩy quan hệ song phương
Trung - Ấn hội đàm cấp cao thúc đẩy quan hệ song phương

VOV.VN - Giao lưu nhân dân, biên giới lãnh thổ, cơ chế chống khủng bố, hợp tác hạt nhân là những vấn đề sẽ được hai bên bàn thảo.

Trung - Ấn hội đàm cấp cao thúc đẩy quan hệ song phương

Trung - Ấn hội đàm cấp cao thúc đẩy quan hệ song phương

VOV.VN - Giao lưu nhân dân, biên giới lãnh thổ, cơ chế chống khủng bố, hợp tác hạt nhân là những vấn đề sẽ được hai bên bàn thảo.

Trung-Nhật và cuộc đua lấy lòng Tân Thủ tướng Ấn Độ
Trung-Nhật và cuộc đua lấy lòng Tân Thủ tướng Ấn Độ

VOV.VN - Tân Thủ tướng Ấn Độ được nhận xét có nhiều phần giống với Thủ tướng Nhật Bản và điều này làm Trung Quốc lo lắng.

Trung-Nhật và cuộc đua lấy lòng Tân Thủ tướng Ấn Độ

Trung-Nhật và cuộc đua lấy lòng Tân Thủ tướng Ấn Độ

VOV.VN - Tân Thủ tướng Ấn Độ được nhận xét có nhiều phần giống với Thủ tướng Nhật Bản và điều này làm Trung Quốc lo lắng.

Trung - Ấn tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 6
Trung - Ấn tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 6

VOV.VN - Cả 2 bên đều nhất trí tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác dù trong thời gian tới, bộ máy lãnh đạo Ấn Độ sẽ có thay đổi.

Trung - Ấn tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 6

Trung - Ấn tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 6

VOV.VN - Cả 2 bên đều nhất trí tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác dù trong thời gian tới, bộ máy lãnh đạo Ấn Độ sẽ có thay đổi.

Thủ tướng Ấn Độ nhậm chức trong điều kiện an ninh được thắt chặt
Thủ tướng Ấn Độ nhậm chức trong điều kiện an ninh được thắt chặt

VOV.VN -Tham dự buổi lễ nhậm chức và được truyền hình trực tiếp, có khoảng 4.000 khách mời, trong đó có 8 nguyên thủ quốc gia...

Thủ tướng Ấn Độ nhậm chức trong điều kiện an ninh được thắt chặt

Thủ tướng Ấn Độ nhậm chức trong điều kiện an ninh được thắt chặt

VOV.VN -Tham dự buổi lễ nhậm chức và được truyền hình trực tiếp, có khoảng 4.000 khách mời, trong đó có 8 nguyên thủ quốc gia...

Tranh chấp biên giới cản trở quan hệ Trung Quốc- Ấn Độ
Tranh chấp biên giới cản trở quan hệ Trung Quốc- Ấn Độ

VOV.VN - Theo báo cáo của Chính phủ Ấn Độ, chỉ riêng tháng 8/2014, Trung Quốc đã có 334 lần xâm phạm biên giới nước này.

Tranh chấp biên giới cản trở quan hệ Trung Quốc- Ấn Độ

Tranh chấp biên giới cản trở quan hệ Trung Quốc- Ấn Độ

VOV.VN - Theo báo cáo của Chính phủ Ấn Độ, chỉ riêng tháng 8/2014, Trung Quốc đã có 334 lần xâm phạm biên giới nước này.