Tổng thống Mỹ Bush thừa nhận sai lầm

Hôm nay, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ George Bush có bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ.

Tương tự như nội dung cuộc họp báo cuối cùng hôm 12/1, ông Bush cố gắng biện minh cho các chính sách đối nội các đối ngoại của mình trong 8 năm cầm quyền, nhưng cũng buộc phải thừa nhận những “sai lầm và thất vọng” từng xảy ra dưới thời ông cầm quyền. Sự thừa nhận của ông Bush quá muộn màng bởi những chính sách sai lầm của ông không chỉ để lại gánh nặng cho người kế nhiệm, mà mọi người dân Mỹ đều đang phải chịu hậu quả.

Trong thông điệp có thể coi là cuối cùng ở tư cách Tổng thống, mặc dù vẫn cố gắng bênh vực các chính sách của mình song người đứng đầu Nhà Trắng trong 8 năm qua đã buộc phải thừa nhận chính quyền của ông đã gây những thất vọng lớn. Trong đó đáng chú ý nhất là thông tin tình báo sai về vũ khí hạt nhân của Iraq và để xảy ra việc một số binh sỹ tra tấn, hạ nhục tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib, gây tai tiếng cho quân đội Mỹ. Về đối nội, ông Bush thừa nhận có nhiều việc đáng lý phải được làm tốt hơn trong trận bão lịch sử Katria. Biện hộ cho những sai lầm và thất vọng đó, ông Bush nhấn mạnh chính quyền của ông phải đối mặt với những thách thức chưa từng có so với các chính phủ tiền nhiệm, mà điển hình là cuộc chiến tại Iraq. Vì thế, ông cho rằng nên để lịch sử phán xét những gì chính phủ của ông đã làm.

Rõ ràng, dư luận Mỹ không hài lòng với những thừa nhận chưa đầy đủ và không thành tâm của ông Bush. Có nhiều hành động sai trái khác, thậm chí một số có thể bị coi là tội ác mà chính quyền dưới thời lãnh đạo của ông Bush đã tiến hành như tra tấn tù nhân, nghe trộm điện thoại, bênh vực hành động quân sự của Israel gây hại cho dân thường Palestine, từ chối hợp tác để cải thiện môi trường thế giới…

Rõ ràng, chính quyền Bush ra đi đã để lại một di sản nặng nề cho chính quyền sắp tới của Tổng thống mới Barack Obama. Đó không chỉ là việc phải cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái hay tìm cách rút chân an toàn khỏi 2 cuộc chiến tranh mà Mỹ đang sa lầy tại Iraq và Afganistan. Đó không chỉ là việc phải giải quyết những vấn đề quốc tế nóng bỏng- vốn đã trở nên tồi tệ hơn dưới chính quyền Bush như cuộc xung đột Trung Đông, vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên… Đó còn là việc xem xét lại và sửa chữa những hành động sai trái mà chính quyền Bush đã mượn danh bảo vệ an ninh quốc gia để thực hiện. Bản thân ông Bush cũng thừa nhận mọi việc đã khác nếu ông đổ lỗi cho Israel trong các vấn đề ở Trung Đông hay ký Nghị định thư Kyoto hay gia nhập Tòa án quốc tế; nhưng cuối cùng ông đã không làm, bởi mối quan tâm của ông là làm mọi cách để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và tuân thủ hiến pháp nước Mỹ.

Rõ ràng bao trùm các chính sách dưới thời Tổng thống Bush là tư tưởng đặt nước Mỹ cao hơn lợi ích chung của cả thế giới và từ đó, theo đuổi một chính sách đơn phương sao cho có lợi nhất cho nước Mỹ. Thế nhưng, bản thân các chính sách đó đã thất bại khi không thể đem lại lợi ích cho người dân Mỹ mà ngược lại khiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ: bị ám ảnh về an ninh, khủng hoảng kinh tế và bị căm ghét ở nhiều nơi trên thế giới…

Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai là suy nghĩ của hầu hết người Mỹ trong thời điểm chuyển giao quyền lực này, song nó cũng đang gây nhiều tranh cãi. Thậm chí có ý kiến cho rằng phải điều tra những tội ác của chính quyền Bush. Ở vào thời điểm nhạy cảm hiện nay, ông Obama buộc phải thận trọng khi đề cập vấn đề này: “Chắc chắn chúng ta sẽ nhìn lại những hành động trong quá khứ. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần phải hướng tới tương lai hơn là quay lại chỉ trích quá khứ”

Caroline Fredrickson thuộc Liên đoàn các quyền tự do dân sự Mỹ nói: “Ai cũng hiểu rằng nền kinh tế của chúng ta đang gặp khủng hoảng và đó phải là ưu tiên số một của chính quyền mới. Nhưng nhiều vấn đề gây tranh cãi trong quá khứ vẫn cần được làm sáng tỏ và tôi tin rằng Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể đảm đương được nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.”

Xét cho cùng, nhìn lại quá khứ không chỉ giúp chính quyền mới tránh lặp lại sai lầm tương tự, giúp người dân Mỹ cảm thấy họ được chính phủ tôn trọng mà còn có thể gỡ gạc phần nào hình ảnh và uy tín đã suy giảm nghiêm trọng của nước Mỹ trên trường quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên