Tổng thống Mỹ Bush bất ngờ thăm Iraq

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Iraq ký Hiệp định an ninh, cho phép quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Iraq thêm 3 năm nữa

Ngày 14/12, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã bất ngờ đến thăm Iraq. Đây là chuyến thăm thứ tư của ông Bush tới quốc gia Trung Đông này kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến xâm lược lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 2003 và cũng là chuyến thăm tạm biệt trước khi chính thức chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Barack Obama.

Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, dự kiến trong chuyến thăm bất ngờ này, Tổng thống Bush sẽ gặp các quan chức Mỹ đang công tác tại Iraq cũng như gặp gỡ các nhà lãnh đạo Iraq để chúc mừng thoả thuận an ninh mới vừa đạt được giữa hai nước, văn kiện hợp pháp hóa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq sau năm 2008.

Thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Bush đã được giữ bí mật tuyệt đối. Dù tình hình an ninh tại Iraq đã được cải thiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên một chuyến thăm tới khu vực chiến tranh này vẫn được coi là nguy hiểm. Chuyến thăm của Tổng thống Bush đã diễn ra sau lần dừng chân không thông báo trước của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại một căn cứ quân sự ở Iraq ngày 13/12.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, ngày 14/12, ông Bush và Thủ tướng Iraq Maliki đã ký Hiệp định hợp tác an ninh. Hiệp định này, thực chất là cho phép quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Iraq thêm 3 năm nữa kể từ sau ngày 31/12 năm nay, thời điểm kết thúc sự uỷ quyền của LHQ đối với sứ mệnh của quân đội Mỹ tại Iraq. Hiệp định đã được Chính phủ và sau đó là Quốc hội Iraq thông qua hồi tháng trước.

Trước đó, ông Bush đã gặp và thảo luận với Tổng thống Iraq Talabani về một loạt các vấn đề liên quan đến cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, Hiệp định hợp tác an ninh Mỹ - Iraq, các biện pháp khôi phục và phát triển đất nước Iraq sau chiến tranh.

** Mỹ thừa nhận công cuộc tái thiết Iraq đã thất bại

Tờ "Thời báo New York" tối 13/12 dẫn một báo cáo chưa công bố của Chính phủ Mỹ thừa nhận các nỗ lực của Mỹ nhằm tái thiết Iraq đã bị tê liệt bởi tệ quan liêu, bạo lực và sự bàng quan của các thành phần cơ bản của xã hội Iraq.

Hậu quả là công cuộc tái thiết Iraq với kinh phí lên tới hơn 100 tỉ USD mà Mỹ đổ vào công cuộc này đã thất bại.

Báo cáo dự thảo dày tới 513 trang này dẫn những cáo buộc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell chỉ trích Bộ Quốc phòng Mỹ sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003, đã liên tục "sáng tác" về quân số các lực lượng an ninh Iraq, với con số "nhảy" từ 20.000 quân một tuần, từ 80.000, rồi 100.000, rồi tiếp tục lên 120.000 quân.

Theo bản báo cáo, Chính phủ Mỹ đã không đề ra được các chính sách hay cơ cấu tổ chức cần thiết để thực hiện chương trình tái thiết được coi là lớn nhất của Mỹ sau Kế hoạch Marshall (chương trình của Mỹ phục hồi kinh tế châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ 2). Tất cả những thành tựu tái thiết của Mỹ ở Iraq chỉ là khôi phục những gì đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Iraq và nạn cướp bóc tràn lan sau đó.

Theo Báo cáo này, tính đến giữa năm 2008, Mỹ đã đổ 117 tỉ USD vào công cuộc tái thiết Iraq. Kinh phí cho nhiều dự án tái thiết địa phương đã bị "chia 5 sẻ 7" bởi một hệ thống tham nhũng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên