Tổng thống Bush ký văn kiện ủng hộ Albania và Croatia gia nhập NATO

Tuy nhiên, điều khiến người ta chú ý là Mỹ đã tranh thủ dịp này để tiếp tục kêu gọi NATO mở rộng cánh cửa cho Gruzia và Ukraine.

Ngày 24/10, Tổng thống Bush đã ký các văn kiện thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Albania và Croatia gia nhập NATO.

Phát biểu trong lễ ký các thỏa thuận trên tại Nhà Trắng, Tổng thống Bush nói: "Việc Albania và Croatia gia nhập NATO là một bước đi lịch sử đối với 2 quốc gia này. Một khi Albania và Croatia chính thức gia nhập NATO, người dân hai nước này có thể thấy rằng nếu bất kỳ quốc gia nào đe dọa tới an ninh của họ, mọi thành viên trong liên minh này sẽ đứng về phía họ".

Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer nhấn mạnh: “Việc gia nhập của Albania và Croatia sẽ là một bước tiến của NATO, góp phần vào nỗ lực của tổ chức này trong việc gìn giữ, thúc đẩy an ninh và ổn định. Đồng thời đây cũng là một bước tiến cho khu vực Đông Bắc Âu, chứng tỏ khu vực này đã vượt qua được quá khứ đau thương”. Tuyên bố của nhà lãnh đạo NATO rõ ràng là có ý động chạm đến Nga.

Albania và Croatia đã được NATO mời gia nhập tổ chức này tại Hội nghị cấp cao NATO diễn ra ở Romania hồi tháng 4 năm nay. Albania và Croatia sẽ chính thức đủ điều kiện gia nhập NATO khi tất cả 26 thành viên liên minh đều ký thỏa thuận ủng hộ. Trước Mỹ, đã có Slovakia và Hungary ký thỏa thuận này. Các quan chức NATO hi vọng hai quốc gia Balkan sẽ có thể trở thành thành viên chính thức tại hội nghị cấp cao của khối năm sau. Nhắc lại bối cảnh như vậy để thấy rằng việc Tổng thống Mỹ Bush ký thoả thuận ủng hộ Albania và Croatia  lần này dù là một bước tiến lớn song cũng chỉ là một phần trong tiến trình tất yếu sau khi hai nước này đã được NATO chấp nhận.

Điều đáng nói là ở việc người đứng đầu Nhà Trắng tận dụng cơ hội này để gây sức ép yêu cầu NATO mở rộng cánh cửa với hai quốc gia mà Mỹ ủng hộ là Gruzia và Ukraine. Ông Bush còn tuyên bố mong muốn thấy một ngày, NATO bao trùm tất cả các nước ở khu vực Balkan, bao gồm cả Macedonia. Ông nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước có tiềm năng gia nhập NATO như: Ukraine, Gruzia, Montenegro, Bosnia-Hercegovina và thậm chí cả Serbia nữa nếu quốc gia này lực chọn con đường làm đồng minh với NATO. Riêng trường hợp Gruzia và Ukraine, ông Bush vẫn bày tỏ hy vọng NATO sẽ dành cho hai nước này quy chế Kế hoạch hành động thành viên trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, bản thân Đại sứ Mỹ tại NATO ngày 23/10 cũng thừa nhận ít khó khả năng đạt được thoả thuận cho việc kết nạp Gruzia và NATO trong cuộc họp vào tháng 12 tới.

Mặc dù lạc quan về triển vọng các nước châu Âu ủng hộ tiến trình mở rộng NATO, song Đại sứ Mỹ tại NATO cho biết, các thành viên khối quân sự này vẫn đang chia rẽ về việc kết nạp thêm Gruzia và Ukraine. Tuy nhiên, những nỗ lực vận động của Mỹ cho hai nước đồng minh này của Mỹ đã bị nhiều nước châu Âu bác bỏ do lo ngại làm phương hại đến quan hệ với Nga. Từ trước đến nay, Nga luôn thể hiện lập trường phản đối mạnh mẽ kế hoạch của NATO mở rộng sang phía Đông. Ngày 23/10, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Jean-Pierre Jouyet một lần nữa nhắc lại quan điểm của Pháp phản đối việc để Gruzia và Ukraine gia nhập NATO.

Phát biểu bên lề cuộc họp của Nghị viện châu Âu, ông Jouyet nhấn mạnh: “Bây giờ không phải thời điểm để bàn về cơ chế thành viên của Gruzia và Ukraine. Điều đó không có lợi cho châu Âu cũng như quan hệ giữa châu Âu với Nga”. Pháp và Đức là hai nước phản đối mạnh mẽ nhất việc đón nhận hai quốc gia có nhiều rắc rối này vào NATO, đặc biệt là sau cuộc chiến giữa Nga và Gruzia hồi đầu tháng 8 vừa qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên