Tín hiệu lạc quan mới cho khu vực eurozone

Những giải pháp tích cực sau Hội nghị Thượng đỉnh EU được giới phân tích đánh giá sẽ tháo đuợc “nút thắt” giúp các thành viên của eurozone trước gánh nặng nợ công.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong 2 ngày (28 - 29/6) vừa qua tại Bỉ đã kết thúc với những kết quả hơn cả mong đợi.

Đúng là “hơn cả sự mong đợi” khi nhìn vào kết quả của Hội nghị lần này. Diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của liên minh vẫn bất đồng về các biện pháp chống khủng hoảng, đã có không ít ý kiến cho rằng, Hội nghị tại Bỉ với chủ đề “Hội nghị thượng đỉnh EU: Cơ hội để thoát khỏi khủng hoảng” sẽ chỉ dừng lại ở một kết quả hạn chế. Tuy nhiên, duờng như ý thức đuợc tầm quan trọng của những kết quả lần này, các nước thành viên EU đã “xích lại gần nhau hơn” để thu hẹp những bất đồng.

Các nước thành viên EU đã “xích lại gần nhau hơn” để thu hẹp những bất đồng. (ảnh: Euronews)
Chương trình nghị sự lần này gồm ba vấn đề: thông qua “Hiệp ước về tăng trưởng và việc làm”; bàn về khung tài chính dài hạn; thiết lập một liên minh kinh tế và tài chính đã kết thúc với sự đồng thuận cho phép sử dụng Quỹ cứu trợ của EU giải cứu trực tiếp các ngân hàng đang gặp khó khăn mà không tăng thêm nợ cho các chính phủ.

Thỏa thuận mới quy định rõ Quỹ cứu trợ của châu Âu sẽ cung cấp cứu trợ theo quy định hiện tại cho đến khi quỹ mới là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) bắt đầu hoạt động vào tháng tới. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết xây dựng một cơ chế giám sát đối với hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đảm nhiệm. Đây cũng là bước đi đầu tiên hướng đến thiết lập một liên minh ngân hàng châu Âu.

Ngoài ra, Hội nghị đã nhất trí huy động ngay lập tức 120 tỷ euro (khoảng 150 tỷ USD), nhằm hỗ trợ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, giúp những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong khối. Gói biện pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy được tăng trưởng và tạo việc làm thông qua các dự án cơ sở hạ tầng liên quốc gia.

Rõ ràng, đây thực sự là “một bước đột phá” trong các cuộc họp của các nước EU từ trước tới giờ. Kể từ tháng 12/2009 tới nay, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã tiến hành 18 phiên họp, trong đó 10 phiên chính thức và 8 phiên phi chính thức. Tuy nhiên, tại các cuộc họp này, các nhà lãnh đạo EU hầu như đều không tìm ra “phương thuốc hữu hiệu nào.

Chính vì vậy, sau cuộc họp, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đánh giá cao kết quả đạt được tại Hội nghị lần này khi nói rằng: “Đây là thắng lợi đối với đồng euro. Chúng ta đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc và tất cả các nước trong khu vực đồng tiền chung euro đều nhất trí rằng, đồng euro cần tiếp tục tồn tại. Chúng ta cần hội nhập sâu hơn về tài chính, chúng ta cần sự liên kết giữa các ngân hàng và đó là những gì mà chúng ta đã thảo luận”.

Như vậy, dường như các nước thành viên khu vực eurozone mà hai thành viên đầu tàu là Pháp và Đức đã ý thức được vai trò của mình trong bối cảnh các nước tiếp tục chìm sâu trong vòng xoáy nợ công. Hay nói cách khác, các nước đã ý thức được những lời có trong thư mời họp của Chủ tịch EU Van Rompuy rằng: “Thách thức với EU hiện lớn hơn bao giờ hết là phải chứng tỏ một cách rõ ràng và cụ thể rằng liên minh này đang làm bất kỳ việc gì cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng diễn biến trầm trọng”.

Không phải ngẫu nhiên mà vị Chủ tịch này dùng những lời lẽ “thống thiết” đến như vậy. Sức nóng của khu vực đồng eurozone đang ngày một tăng và nguy cơ tan rã của khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ngày một rõ nét. Điều này đuợc minh chứng ngay trước thềm Hội nghị khi Tây Ban Nha và Cyprus bị cuốn vào vòng xoáy nợ công khi phải lên tiếng xin hỗ trợ tài chính cho hệ thống ngân hàng. Mặc dù là nền kinh tế nhỏ thứ 3 trong EU và dự thảo tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song theo đánh giá của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế Fitch, số tiền tái cấp vốn cho các ngân hàng Cyprus có thể lên tới 4 tỷ euro.

Dù so với những khoản cứu trợ mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải chi cho Hy Lạp và mới đây là Tây Ban Nha, gói cứu trợ mà Cyprus đề nghị khá khiêm tốn; song một lần nữa, động thái này cho thấy tính cấp bách cần có một giải pháp hiệu quả và tổng thể cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại châu Âu.

Chính sự cấp bách này, khoảng cách giữa các thành viên chủ chốt của eurozone, đặc biệt là Pháp và Đức, trong lựa chọn giữa thúc đẩy tăng trưởng và “thắt lưng buộc bụng” đã được thu hẹp.

Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh EU đã kết thúc với một niềm lạc quan mới. Những tranh cãi tồn tại trong các cuộc họp diễn ra từ cuối năm 2009 tới nay đã phần nào đuợc giải quyết. Dù chưa dám khẳng định đây sẽ là “chìa khóa” mở “cánh cửa mới” cho khu vực EU nhưng sự tăng giá trở lại của đồng euro cũng như sắc xanh trên các sàn chứng khóan thế giới sẽ là tia hy vọng mới đưa khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên