Thế giới 7 ngày: Mâu thuẫn Nga- Mỹ vì Syria

(VOV) -Bất đồng giữa các cường quốc về giải pháp cho Syria, tranh luận về giảm trừ vũ khí hạt nhân...

Tại Hội nghị nhóm "Những người bạn của Syria" diễn ra tại Qatar ngày 22/6, các quốc gia phương Tây và Arab đã nhất trí cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho phe đối lập Syria, nhằm giúp lực lượng này chống lại các cuộc tấn công của lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Doha, Qatar dự Hội nghị gồm các bộ trưởng ngoại giao 11 quốc gia (Reuters)


Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/6 phủ nhận việc Nga bị cô lập “một mình chống lại số đông” về vấn đề Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) vừa diễn ra tại Bắc Ireland. Tổng thống Putin cho biết, Hội nghị G8 đã tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria, trong đó có một số vấn đề đạt được nhất trí và vẫn còn bất đồng giữa các bên. Nga nói chưa có bằng chứng xác thực về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và điều này cũng được một số nước tán thành.
Tại Hội nghị, Tổng thống Putin đã thúc giục phương Tây thận trọng trong việc vũ trang cho phe đối lập Syria, bởi số vũ khí này cũng có thể xuất hiện tại châu Âu. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin phát biểu trong cuộc họp báo tại Diễn đàn kinh tế quốc tế ở St. Peterburg ngày 21/6. Ông Putin lo ngại rằng một khoảng trống chính trị sẽ xuất hiện ở Syria và lực lượng nổi dậy sẽ nắm quyền kiểm soát nếu Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi quyền lực bây giờ (Reuters)


Ngày 17/6, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) đã khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Lough Erne ở Bắc Ireland (Vương quốc Anh) với một chương trình nghị sự đầy tham vọng tập trung vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Bên cạnh đó, cuộc nội chiến ở Syria cũng là vấn đề chi phối toàn bộ hội nghị.
Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây về chính sách đối với Damascus ngày càng sâu sắc hơn khi Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở quốc gia Trung Đông này. 8 nước nhất trí không nên cụ thể hóa bất cứ kết quả nào của các cuộc đối thoại dự kiến diễn ra tại Geneva,
 không đề cập đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị G8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G8 tiếp theo vào tháng 6/2014 tới tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen của Nga. Trong ảnh: Nguyên thủ 8 nước thành viên họp Hội nghị Thượng đỉnh (Reuters)


Ngày 20/6, Mỹ tuyên bố rằng văn phòng mới của phong trào Hồi giáo Taliban ở Qatar không được cư xử như một đại sứ quán, đồng thời bày tỏ hoan nghênh việc Qatar quyết định thay đổi biển hiệu của văn phòng nêu trên. Phó Đại sứ Mỹ Rosemary Dicarlo phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Afghanistan rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đều kêu gọi Qatar giúp mở văn phòng của Taliban để thúc đẩy các cuộc đàm phán nhưng nhấn mạnh: "Mỹ không công nhận tên gọi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan". Mỹ hoan nghênh việc Qatar xác định tên gọi của văn phòng trên là "Văn phòng Chính trị của Taliban". Trong ảnh: Văn phòng của Taliban tại Doha, Qatar (AP)


Ngày 20/6, kênh truyền hình nhà nước Iran đưa tin: Iran đã quyết định xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới tại khu vực miền Nam nước này. Lò phản ứng hạt nhân mới này nằm gần khu vực Zarghan, cách thủ đô Tehran 670 km về phía Nam. Việc xây dựng lò hạt nhân mới này nhằm phục vụ cho việc sản xuất các chất đồng vị dùng trong lĩnh vực y học và nông nghiệp. Tổng thống mới đắc cử Hassan Rowhani tin rằng, ông sẽ đạt được một thỏa thuận với phương Tây về vấn đề hạt nhân của nước này, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và phương Tây. Ảnh: Tổng thống đắc cử Rowhani)


Ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Barack  Obama tuyên bố bổ nhiệm ông Jim Comey làm Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thay ông Robert Muller. Ông Comey từng là một công tố viên, một chuyên gia an ninh nội địa trong hơn 20 năm, đã chứng tỏ được tính kiên định, liêm khiết và lập trường vững vàng, có thể đảm bảo được cả an ninh và các giá trị của đất nước. Việc bổ nhiệm ông Comey còn cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Jim Comey (trái) hoan nghênh Giám đốc FBI Robert Mueller trong Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington ngày 21/6/2013 (Reuters) 


Trong bài phát biểu ngày 19/6 tại Brandenburg ở thủ đô Berlin của Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Nga và Mỹ tiếp tục cùng cắt giảm 1/3 số đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước, đồng thời hối thúc Nga kiểm soát các vũ khí hạt nhân chiến lược của mình: "Tôi muốn đàm phán về vấn đề này với Nga để đi xa hơn các hiệp ước hạt nhân sau chiến tranh Lạnh”. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Merkel vẫy tay chào công chúng sau khi phát biểu trước cổng Brandenburg, Berlin, Đức (Ảnh AP).
Tuy nhiên, cùng ngày, Nga nói rằng, nước này không hoan nghênh đề xuất của Mỹ về việc cắt giảm khoảng 1 phần 3 kho vũ khí hạt nhân chiến lược của cả Nga và Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Dmitry Rogozin cho biết, điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Obama “không hiểu tính chất của vấn đề, hoặc ông đang nói dối một cách công khai”
.


Ngày hôm nay cựu nhân viên NSA Edwward Snowden đã rời Hong Kong đi Moscow. Theo báo giới, điểm đến cuối cùng của Snowden có thể là Ecuador hoặc Iceland. Theo giới phân tích, việc Hong Kong cho phép Snowden rời khu vực này có thể khiến Mỹ nổi giận, vì trước đó Mỹ đề nghị Hong Kong phát hành lệnh tạm giam đối với nhân vật này để sau đó dẫn độ về Mỹ. Trong ảnh: Những người ủng hộ Snowden biểu tình trước cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong (Reuters)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên