Năm 2015: có một thế hệ miễn nhiễm HIV

Hội nghị Cấp cao Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS sẽ diễn ra trong 3 ngày, với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu

Ngày 8/6, Hội nghị Cấp cao về AIDS khai mạc tại Mỹ, do LHQ tổ chức. Cuộc họp sẽ điểm lại những thành tựu trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS trong suốt 30 năm qua, kể từ khi phát hiện ca nhiễm căn bệnh này đầu tiên tại Châu Phi, đồng thời đặt ra mục tiêu và kế hoạch hành động trong thời gian tới.

Hội nghị Cấp cao LHQ về HIV/AIDS sẽ diễn ra trong 3 ngày, với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các nhà chức trách, và những người nhiễm HIV từ nhiều nước trên thế giới.

Trước thềm Hội nghị, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS, ông Michel Sidibé, ngày 7/6, đã điểm lại những thành tựu nổi bật trong cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu suốt 30 năm qua.

Theo ông Sidibé, ngày 5/6 vừa qua đã đánh dấu kỷ niệm 30 năm kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm HIV, từ đó tới nay, các nhà khoa học đã phải làm việc không mệt mỏi để tìm ra phương thuốc hữu hiệu chống lại căn bệnh thế kỷ này. Mặc dù thuốc chữa bệnh vẫn chưa được tìm thấy, nhưng thế giới cũng đã đạt được những thành công đáng kể trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS.

Ông Sidibé cho biết, số người được điều trị ngày càng tăng, đặc biệt là những người nghèo trong xã hội, tỉ lệ nhiễm bệnh cũng ngày càng giảm tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo ông Sidibé, thế giới cần phải nỗ lực hơn nữa, và đặt ra những mục tiêu mới cho cuộc chiến này.

Ông nói: “Trong 30 năm qua chúng đã có được những kết quả trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Rất nhiều thành tựu bắt nguồn từ việc xóa bỏ mặc cảm và giấu bệnh của những người nhiễm HIV. Số người nhiễm bệnh được điều trị đã tăng đáng kể. 10 năm trước đây, chúng ta không thể khám chữa bệnh cho những người nghèo nhiễm HIV/AIDS, nhưng đến nay, 6,6 triệu người nhiễm bệnh, phần lớn trong đó là người dân các nước nghèo nhất tiếp cận được chương trình điều trị. Thế giới sẽ không còn những trẻ em bị nhiễm HIV. Chúng ta cần phải đặt mục tiêu đến năm 2015, thế giới sẽ có một thế hệ miễn nhiễm HIV. Đó là những gì mà chúng ta cần phải cam kết thực hiện, vì thế hệ tương lai”.

30 năm kể từ lần đầu tiên phát hiện ra căn bệnh thế kỷ, AIDS đã cướp đi sinh mạng của gần 30 triệu người trên toàn thế giới, và đến nay thế giới vẫn tiếp tục những nỗ lực không ngừng nghỉ để chống lại căn bệnh này.

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS, trong 30 năm qua, việc ứng phó toàn cầu với AIDS đã làm giảm gần 25% tỷ lệ người nhiễm mới HIV. Trên thế giới hiện có 34 triệu người đang sống chung với AIDS. Tính đến cuối năm 2010, có khoảng 6,6 triệu người ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, tăng gấp gần 22 lần so với năm 2001, trong đó có 420.000 trẻ em, tăng hơn 50% so với năm 2008.

Kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng chống AIDS ở các nước có thu nhập bình quân thấp và trung bình tăng gần 10 lần trong 10 năm qua, từ 1,6 tỷ lên 15,9 tỷ USD.

Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS đã đề xuất đầu tư 22 tỷ USD cho cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ đến năm 2015. Khoản đầu tư này sẽ giúp ngăn chặn được 12 triệu ca nhiễm mới và cứu 7,4 triệu người khỏi bị tử vong vì AIDS từ nay cho đến năm 2020.

** Hơn 14.000 nhân viên LHQ tự nguyện xét nghiệm và tư vấn HIV

Số lượng nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ tự nguyện tư vấn và xét nghiệm HIV đã tăng từ 2.000 người lên 14.000 người chỉ trong vòng 5 năm qua.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đưa ra con số này tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về ảnh hưởng của HIV/AIDS đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Ông Ban Ki-moon nói rằng, đây là thủ tục tiêu chuẩn giành cho các nhân viên LHQ trước khi họ được triển khai trong các nhiệm vụ tại các nước trên thế giới. Ông nói: “Chúng ta đã đào tạo được hơn 1.500 nhân viên gìn giữ hòa bình như các nhà tư vấn. Số lượng nhân viên trong đội quân Mũ nồi xanh tự nguyện tư vấn và xét nghiệm HIV đã tăng từ chưa đến 2.000 người lên hơn 14.000 người chỉ trong vòng 5 năm qua. Chúng ta không chỉ giúp chính các nhân viên gìn giữ hòa bình của mình mà còn giúp cho người dân từ những nước đang phục hồi sau chiến tranh cũng không phải đối phó với căn bệnh này”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên