Bán nội tạng trả nợ - Hệ lụy từ tín dụng thoát nghèo

VOV.VN - Những khoản vay tín dụng nhỏ giúp dân thoát nghèo ở Bangladesh vô tình đẩy họ vào vòng xoáy nợ nần, phải bán nội tạng trả nợ.

Kalai, nhìn từ bên ngoài cũng giống như nhiều ngôi làng khác ở Bangladesh. Người dân ở đây cũng giống như hàng triệu người Bangladesh sinh trưởng ở nông thôn, lớn lên họ đã phải đối mặt với một cuộc sống vô cùng khó khăn. Người dân trong làng nghèo tới mức nhiều người phải bán các bộ phận nội tạng quan trọng để trả các khoản vay tín dụng nhỏ mà họ từng hy vọng nhờ đó sẽ thoát khỏi đói nghèo.

Mohammad Moqarram Hossen đã bán một quả thận để lấy tiền trả nợ và giờ không thể làm những công việc nặng nhọc 

Cánh đồng lúa xanh bao quanh con đường hẹp, đầy bụi bặm dẫn đến trung tâm của Kalai, ngôi làng nằm ở phía bắc của Dhaka, thuộc huyện Jotpurhat của Bangladesh. Có cùng mong muốn thoát khỏi đói nghèo, người dân trong làng mách nhau cách vay nợ nhưng rồi nghèo đói vẫn đeo đuổi, những món nợ không biết đến bao giờ mới trả nổi.

BBC trích dẫn số liệu từ Chiến dịch Hội nghị Thượng đỉnh Tín dụng vi mô cho thấy, tính đến tháng 12/2011, hơn 34 triệu dân Bangladesh đã tham gia vay tín dụng vi mô kể từ năm 1997, mốc thời gian mà Hội nghị bắt đầu thu thập dữ liệu. Trong số 34 triệu người tham gia vay tín dụng, hơn 26 triệu người sống dưới mức nghèo khổ (trên dưới 1,25 USD/ngày).

Buông lỏng quản lý vay

Với mục đích giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, một số tổ chức phi chính phủ đứng ra cung cấp các khoản vay nhỏ giúp những người không đủ điều kiện vay ngân hàng. Hình thức tín dụng này được đánh giá là vị cứu tinh cho hàng triệu người nghèo Bangladesh có thể tạo ra thu nhập thông qua các khoản vay không cần thế chấp.

Ngoài các tổ chức lớn như Ngân hàng Grameen, BRAC và ASA, có gần 700 tổ chức phi chính phủ nhỏ hơn đang tham gia vào các hoạt động tài chính vi mô trên khắp Bangladesh, phục vụ khoảng hơn 30 triệu dân nông thôn, chủ yếu là phụ nữ. Theo Cơ quan tín dụng vi mô, cơ quan quản lý của Bangladesh, hiện đang có khoảng trên 20 triệu người tham gia vay tín dụng ở Bangladesh, ước tính những khoản vay này chiếm khoảng 3% GDP.

Tuy nhiên, theo BBC, cơ cấu trả nợ cũng như quá trình thẩm tra hồ sơ người vay của các tổ chức tài chính nhỏ không được nghiên cứu kỹ đã tạo ra một vòng luẩn quẩn làm cho người nghèo vẫn hoàn nghèo. Họ vay tiền của tổ chức này để trả cho món nợ ở tổ chức kia, đến khi không trả nổi thì phải bán nội tạng để lấy tiền trả.

Giáo sư Monir Moniruzzaman, Đại học bang Michigan, nghiên cứu về buôn bán nội tạng ở Bangladesh trong 12 năm, cho biết, những người phải bán nội tạng của mình để trả nợ đều nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác. “Rất nhiều khoản nợ của người dân ở các tổ chức tín dụng nằm ngoài vòng kiểm soát. Không thể trả các khoản vay, họ chỉ còn cách bán thận của mình”, ông Monir nói.

Giáo sư Monir đã trò chuyện với 33 người đi bán thận trả nợ, đa phần trong số họ đều cho biết họ phải chịu nhiều áp lực trả nợ nên họ mới buộc phải bán đi các bộ phận trên cơ thể mình. “Các chủ nợ thường xuyên tới ngồi lì cả ngày tại nhà con nợ dùng lời lẽ hăm dọa, thậm chí đe dọa sẽ báo cảnh sát. Có người đã phải trốn khỏi làng trong hơn 1 năm vì không thể đối mặt với các chủ nợ. Không chịu nổi áp lực họ mới phải bán nội tạng của mình để trả nợ”, ông Monir cho biết thêm.

Tuy nhiên, đại diện của các tổ chức tín dụng lớn như Grameen hay BRAC đều phủ nhận đã gây áp lực buộc người vay phải trả nợ. Mohammed Shah Jahan, quyền Giám đốc quản lý của Grameen cho biết, ngân hàng này không áp đặt bất kỳ mức phạt nào khi người vay không trả nợ bởi người vay có thể tự do sắp xếp lại các khoản vay vào bất kỳ thời điểm nào. "Hầu hết trong tài khoản tiết kiệm của người vay phải có ít nhất 75% số tiền họ đã vay. Vì vậy họ không phải chịu bất kỳ áp lực nào khi đến kỳ thanh toán", ông Jahan nói.

Với hy vọng thoát nghèo, hàng triệu người dân nông thôn ở Bangladesh đã tham gia vào các khoản vay tín dụng nhỏ

Mohammad Ariful Hoq, một nhà phân tích tại BRAC, một trong những tổ chức phát triển lớn nhất thế giới, cho biết, việc trả nợ "không phải là một vấn đề lớn" đối với khách hàng của họ. Lãi suất tối đa của Grameen chỉ khoảng 20%, trong khi lãi suất của các tổ chức khác là 27%.

Tuy nhiên, ông Hog thừa nhận một phần ba trong số 4,3 triệu người khách hàng của họ có nhiều khoản vay. Một người cùng lúc có thể có tới 3 khoản vay tại các tổ chức tín dụng khác nhau ở Bangladesh.

Ông Hog nói rằng không có cách nào để kiểm tra xem khách hàng của họ đã vay ở tổ chức tín dụng nào chưa. Phương pháp duy nhất mà BRAC có thể thực hiện đó là tìm hiểu về tình hình kinh tế của khách hàng từ người hàng xóm của họ. Tuy nhiên cách làm này không thể có một đánh giá chính xác về hồ sơ tín dụng của người vay.

Nghiên cứu của một tổ chức tín dụng ở Bangladesh cho thấy chỉ có khoảng 7% những người vay tín dụng nhỏ có thể thoát nghèo. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm nay, trong khoảng thời gian từ 1990-2008, có khoảng 10 triệu người thoát nghèo từ các khoản vay tín dụng nhỏ.

Bán nội tạng - Giải pháp bất đắc dĩ

Ý tưởng bán các bộ phận trên cơ thể không phải là mới bởi người nghèo ở khắp Nam Á đã phải dùng đến cách này trong nhiều năm. Ở Bangladesh, ghép thận bắt đầu được thực hiện từ năm 1982 và hoạt động buôn bán nội tạng được hiểu là bắt đầu ngay sau đó. Trước đây, người ta chỉ mua bán thận, nhưng hiện nay trên thị trường chợ đen, người ta còn mua bán cả gan, giác mạc. Mức giá trung bình cho một quả thận trên thị trường chợ đen vào khoảng 1.500 USD; một phần của gan có giá khoảng 4.000 USD.

Mặc dù luật pháp Bangladesh không cho phép bán các bộ phận trên cơ thể ngoại trừ hiến tặng cho vợ, chồng hoặc người thân trong gia đình. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp duy nhất và nhanh nhất giúp người nghèo có một khoản tiền kha khá để trang trải nợ nần, nên họ vẫn quyết làm bất chấp luật pháp. Các hoạt động này thường diễn ra ở những bệnh viện tư nhân nơi các bác sĩ nhắm mắt làm ngơ. 

Mohammad Akhtar Alam cũng đã bán đi một quả thận để trả nợ, đã từng bị bắt do chưa trả được nợ cũ đã đi vay nợ mới

Mohammad Akhtar Alam, 33 tuổi, mang một vết sẹo dài gần 40cm (15 inch) trên bụng sau lần bán thận. Sau vụ bán chác này, cộng với tình trạng sức khỏe không được chăm sóc cẩn thận sau hậu phẫu, Alam bị liệt một phần cơ thể, chỉ còn một mắt nhìn được và không thể làm những việc nặng. Để kiếm tiền, Alam phải mở một cửa hàng nhỏ trong làng bán gạo, bột mì và bánh ngọt.

Trước khi bán thận, Alam làm nghề lái xe tải nhỏ. Tuy nhiên thu nhập từ công việc này cùng với nhiều công việc khác như bán đồ nội thất, đồ nấu ăn cũng không đủ để anh trang trải tổng số nợ khoảng 100.000 taka (khoảng 1.442 USD) của 8 tổ chức tín dụng phi chính phủ. Alam từng bị bắt do chưa trả được nợ trong lần vay đầu tiên, đã lại đi vay của một tổ chức tín dụng khác.

Alam được một người khách làm nghề môi giới mua bán nội tạng thuyết phục bán một quả thận với giá 400.000 taka (khoảng 6.360 USD). 17 ngày sau đó, Alam trở về từ một bệnh viện tư nhân ở Dhaka với dáng vẻ mệt mỏi cùng với một phần nhỏ số tiền mà anh được hứa trả khi bán thận. Alam chua chát: “Bất đắc dĩ tôi phải bán đi quả thận của mình bởi chẳng còn cách nào khác để trả các khoản nợ. Tôi ân hận vô cùng. Nghèo quá đâm ra bất lực”.

Mohammad Moqarram Hossen, một nạn nhân khác cùng sống ở Kalai. Cũng như Alam, Hossen không có cách nào để trả tiền vay từ tổ chức phi chính phủ nên cũng buộc phải bán một quả thận. Hossen nói, các bác sĩ cam đoan rằng không có bất kỳ nguy cơ nào với sức khỏe của anh. Nhưng sau khi phẫu thuật để lấy đi quả thận, anh không đủ sức để làm những công việc nặng.

Mohammad Mehedi Hasan, sống ở làng Molamgari, gần Kalai, đã không lường trước được những hệ quả của việc bán đi lá gan với giá gần 10.000 USD. Hasan không hề biết rằng những kẻ buôn bán nội tạng người đã lấy đi bao nhiêu phần lá gan trong cơ thể, nhưng ngày nào anh cũng cảm  thấy đau nhói ở ngực, đi tiểu không dưới 50, 60 lần mỗi ngày.

Giáo sư Moniruzzaman, trường Đại học bang Michigan khẳng định, việc buôn bán nội tạng người có ảnh hưởng rất tiêu cực tới sức khỏe, cuộc sống của người bán cho đến hết đời. Và như vậy, chừng nào nhu cầu mua bán nội tạng con người còn phát triển nó sẽ tiếp tục kích thích thị trường bất hợp pháp này phát triển ở Bangladesh, điều đó đồng nghĩa với việc những người nghèo ở nông thôn sẽ tiếp tục bị hấp dẫn bởi những lời hứa về một cuộc sống tốt hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc phá đường dây buôn nội tạng người, bắt gần 150 đối tượng
Trung Quốc phá đường dây buôn nội tạng người, bắt gần 150 đối tượng

Mạng lưới này dụ dỗ người bán nội tạng qua internet. Mua nội tạng với giá bèo nhưng bán lại cho bệnh nhân với giá cắt cổ.

Trung Quốc phá đường dây buôn nội tạng người, bắt gần 150 đối tượng

Trung Quốc phá đường dây buôn nội tạng người, bắt gần 150 đối tượng

Mạng lưới này dụ dỗ người bán nội tạng qua internet. Mua nội tạng với giá bèo nhưng bán lại cho bệnh nhân với giá cắt cổ.

Thế giới chống nạn buôn bán nội tạng người
Thế giới chống nạn buôn bán nội tạng người

Nạn buôn bán nội tạng phục vụ cho các ca cấy ghép đang gia tăng ở nhiều nơi, đặt ra yêu cầu phải có sự hợp tác quốc tế đối phó với vấn đề này.

Thế giới chống nạn buôn bán nội tạng người

Thế giới chống nạn buôn bán nội tạng người

Nạn buôn bán nội tạng phục vụ cho các ca cấy ghép đang gia tăng ở nhiều nơi, đặt ra yêu cầu phải có sự hợp tác quốc tế đối phó với vấn đề này.

Trung Quốc xây dựng hệ thống vận hành quốc gia về cấy ghép nội tạng người
Trung Quốc xây dựng hệ thống vận hành quốc gia về cấy ghép nội tạng người

Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu cho biết, hệ thống này bao gồm 5 hệ thống nhỏ liên quan đến công tác quản lý việc cấy ghép nội tạng, đăng ký người hiến nội tạng, mạng lưới quyên hiến và phân phối nội tạng…

Trung Quốc xây dựng hệ thống vận hành quốc gia về cấy ghép nội tạng người

Trung Quốc xây dựng hệ thống vận hành quốc gia về cấy ghép nội tạng người

Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu cho biết, hệ thống này bao gồm 5 hệ thống nhỏ liên quan đến công tác quản lý việc cấy ghép nội tạng, đăng ký người hiến nội tạng, mạng lưới quyên hiến và phân phối nội tạng…