10 trận đánh đẫm máu nhất Thế chiến thứ 2

VOV.VN - Lò lửa Thế chiến 2 đã tước đoạt mạng sống của hơn 60 triệu người. Có 10 trận đánh đẫm máu với thương vong từ gần 0,2 triệu đến gần 2 triệu người.

Cuộc xung đột lớn nhất trên thế giới từng được biết đến cho đến nay đã diễn ra vô cùng khốc liệt từ năm 1939 đến năm 1945.

Cảnh một trận giao chiến trong Thế chiến 2.
Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bắt đầu ở châu Âu. Sau đó, châu Á, châu Phi, châu Mỹ và vùng Thái Bình Dương đều bị lôi kéo vào lò lửa chiến tranh này. Kết cục, hơn 60 triệu người thiệt mạng, vô số người trở thành phế nhân.

Trước đó chưa bao giờ nhân loại lại chứng kiến nhiều máu đổ đến như vậy. Ngay cả Thế chiến thứ 1 - với con số tử vong 35 triệu người - cũng không chứng kiến mức độ tàn phá kinh khủng đến vậy, trên nhiều phương diện trong suốt đầu thập niên 1940.

Dưới đây là 10 trận đánh đẫm máu nhất trong Thế chiến 2:

10. Trận Monte Cassino (17/1-18/5/1944, thương vong 185.000 người)

Trận chiến Monte Cassino giữa phe Đồng minh và liên quân Đức-Ý vào nửa đầu năm 1944 là một trong các trận gian khổ nhất của Thế chiến 2. Mục tiêu chính của phe Đồng minh là đánh từ nam Italy lên để đột phá phòng tuyến Gustav của quân Đức bao gồm một chuỗi các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Italy và giành quyền kiểm soát Rome.

Trận chiến được đặt tên theo tu viện Monte Cassino 1.400 năm tuổi tọa lạc ở trung tâm phòng tuyến Đức. Cuộc chiến gồm 4 trận đánh nhỏ hơn diễn ra lần lượt vào các tháng 1, 2, 3 và 5. Phe Đồng minh cuối cùng chiếm được thành Rome nhưng phải trả cái giá rất đắt. Các bên tham chiến hứng chịu thương vong tới ít nhất 125.000 người. Một số nguồn ước tính con số cao tới mức là 185.000.

9. Trận Ardennes (16/12/1944-25/1/1945, thương vong 186.369 người)

Trận Ardennes (người Anh gọi trận Chỗ Lồi do vị trí đột kích của quân Đức trên bản đồ trông giống như một khối phình ra) là cuộc tấn công lớn cuối cùng của Đức trên Mặt trận phía Tây của Thế chiến 2. Cái tên Ardennes là đặt theo khu vực rừng rậm của Bỉ, Pháp và Luxembourg.

Mục đích chiến dịch này là xẻ lực lượng Đồng minh làm đôi, chiếm Antwerp, rồi tiêu diệt các lực lượng Đồng minh còn lại.

Tuy nhiên trận chiến đã không diễn biến theo kế hoạch của người Đức. Mặc dù gây bất ngờ lớn cho quân Đồng minh (đang rất tự tin về thế thắng của mình), nhưng cuối cùng người Đức vẫn thất trận thảm hại và thất bại này báo hiệu kết cục của Đế chế 3. Với khoảng 840.000 lính tham chiến, đây là trận đánh lớn nhất mà Lục quân Mỹ tham gia trong Thế chiến 2.

8. Trận Kursk (5/7-23/8/1943, thương vong 388.000 người)

Là một chiến thắng quyết định dành cho Liên Xô trên mặt trận Phía Đông, trận đánh Kursk chứng kiến loạt đấu xe tăng lớn nhất trong toàn cuộc chiến tranh.

Hồng quân Liên Xô đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước về ý đồ của phát xít Đức muốn loại bỏ khúc lồi Kursk được tạo ra sau thất bại thảm hại của chúng tại Stalingrad. Do vậy Hồng quân đã có sự chuẩn bị kỹ càng để nghênh chiến với quân Đức Quốc xã.

Thông qua một mạng lưới bãi mìn và hỏa điểm chống tăng rộng khắp và được thiết kế thông minh, có độ sâu phòng ngự 185km, phía Liên Xô đã làm hao mòn lực lượng tấn công trước khi họ mở các cuộc phản công, “quây” ngược trả lại quân Đức trên một mặt trận rộng lớn.

Theo các con số do Liên Xô đưa ra, phía Đức mất 500.000 lính (bị giết, bị thương hoặc bị bắt). Quân đội Liên Xô tiếp tục tiến lên giải phóng hầu hết lãnh thổ Ukraine trong một trận chiến bước ngoặt khác của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

7. Trận đánh Kharkov lần 2 (12/5-28/5/1942, thương vong 300.000 người)

Kharkov là một thành phố có tầm quan trọng chiến lược ở Ukraine. Nơi đây đã chứng kiến giao tranh dữ dội vào mùa thu năm 1941, khi quân Đức đánh chiếm thành phố này. Năm sau đó, Hồng quân mở một cuộc tấn công lớn để tái chiếm thành phố. Không may cho Hồng quân, lực lượng Đức Quốc xã ở đây vẫn còn rất mạnh và chúng đủ khả năng mở một cuộc phòng ngự-phản công mãnh liệt. Quân Đức bao vây và tiêu diệt 3 tập đoàn quân Xô viết. Phía Đức đã quét sạch 280.000 binh sĩ và 650 xe tăng của Nga. Trận này là một thảm kịch về phía Liên Xô. 

Trận này cho thấy Hồng quân trước mắt phải chiến đấu phòng ngự. Chiến thắng này cũng khiến Đức tự tin thái quá – đây có thể là một trong các nguyên nhân khiến Đức về sau suy yếu dần trên mặt trận phía đông.

6. Trận Luzon (9/1-15/8/1945, thương vong từ 332.330 đến 345.330 người)

Luzon, đảo lớn nhất ở Philippines, được xem có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Mỹ. Bất chấp niềm tin của tướng MacArthur vào giá trị của đảo này, mãi đến năm 1945 quân Mỹ mới được phép mở một cuộc tấn công vào Luzon bị Nhật Bản chiếm vào năm 1942.


Khi người Mỹ trở lại nơi đây, chiến sự diễn ra dữ dội vô cùng, với nhiều thương vong. Phía Nhật điên cuồng sử dụng chiến thuật phi công cảm tử (Thần Phong/Kamikaze) khét tiếng để đối chọi với Mỹ. Vào ngày 11/2, quân Mỹ chiếm được Manila. Tuy nhiên tàn quân Nhật rải rác ở khu vực núi non của đảo này vẫn tiến hành phản kích lẻ tẻ trong một thời gian khá dài sau đó.

5. Trận Pháp (10/5-25/6/1940, thương vong 469.000 người)

Trận chiến Pháp đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh “Giả vờ” – giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới thứ 2 trong đó không bên nào thực sự tung những đòn đánh mạnh. Phương Tây lặng lẽ chứng kiến quân Đức Quốc xã lần lượt xâm lược Pháp rồi các nước ở khu vực duyên hải phía tây châu Âu. Mặc dù số lượng quân hai bên ngang nhau, quân Đức dễ dàng hạ nốc ao quân Pháp dù quân Pháp còn nhận được hỗ trợ từ lực lượng viễn chinh của Anh và các sư đoàn Bỉ, Hà Lan. Sở dĩ có tình trạng này là do quân Đức vượt trội về khả năng liên lạc và huấn luyện và do phe Đồng minh chủ quan dựa vào chiến lũy Maginot.

Quân y sơ cứu cho thương binh.
Phòng tuyến Maginot là một hệ thống phòng thủ kiên cố dọc theo biên giới giữa Pháp và Đức. Phe Đồng minh đã sai lầm khi tin rằng phòng tuyến này sẽ trụ vững và quân Đức sẽ chỉ tập trung sức vào phòng tuyến này. Trên thực tế, quân Đức tấn công Pháp thông qua ngả Bỉ và Hà Lan, khiến cho việc đầu tư vào chiến lũy Maginot trở thành một sai lầm phải trả giá đắt. Sau khi vượt qua được chiến lũy này, quân Đức đã đánh tơi tả các lực lượng Pháp thiếu kinh nghiệm và nhanh chóng chiếm toàn bộ nước Pháp.

4. Trận đánh Narva (2/2 – 10/8/1944, thương vong 550.000 người)

Khu vực Narva Isthmus có tầm quan trọng chiến lược của Estonia chứng kiến giao tranh nảy lửa giữa quân Đức (được lính Estonia hỗ trợ) và Hồng quân của Stalin. Hai bên dốc sức giành giật khu vực quan trọng này.

Các nhà sử học chia trận chiến này thành 2 giai đoạn: Trận đầu cầu Narva, và trận phòng tuyến Tannenberg. Giao tranh ở đây nằm trong số các cuộc giao tranh dữ dội nhất của toàn cuộc chiến tranh. Cuối cùng, sau nhiều tháng kịch chiến, Hitler cho rút toàn bộ quân khỏi Estonia. Hàng chục ngàn người đã tử trận, đặc biệt là bên phía Hồng quân. Phía Liên Xô hứng chịu thương vong lớn khi đối mặt với các cuộc phản kích của quân Đức.

3. Trận Moscow (2/10/1941-7/1/1942, thương vong 1 triệu người)

Việc Liên Xô bảo vệ thành công thủ đô của mình trước các lực lượng Đức là một bước ngoặt trong Thế chiến 2. Khi ấy Hitler đã dồn sức đánh chiếm Moscow trong năm 1941. Hitler tin rằng nếu chiếm được Moscow, nhuệ khí cỗ máy chiến tranh của Hồng quân sẽ bị đè bẹp và phía Liên Xô hoàn toàn rơi vào thế bị động. Thế nhưng cuối cùng quân Đức đã không chiếm nổi Moscow. Nguyên nhân là do phía Liên Xô kháng cự rất quyết liệt, theo một cách thức rất tốt về mặt chiến lược, cộng thêm thời tiết mùa đông khắc nghiệt (lạnh tới -30 độ C).

Trận Moscow khốc liệt.
Tổn thất của hai phía là rất lớn. Phía Liên Xô hứng chịu 650.000 thương vong, trong khi quân đội Đức Quốc xã mất khoảng 150.000 người chỉ trong khoảng 20 ngày giao tranh.

2. Chiến dịch công phá Berlin (16/4-2/5/1945, thương vong 1.298.745 người)

Trận công kích lớn cuối cùng trong Thế chiến 2 ở châu Âu – trận Berlin, chứng kiến sự sụp đổ của quân đội Đức, sự tự sát của Hitler và việc Thế chiến 2 chuẩn bị chấm dứt.

Quân Liên Xô tiến dũng mãnh không gì cản nổi với tốc độ 40km/ngày trước khi tập kết cách thủ đô của Đức 56km.

Sau đó Hồng quân triển khai tấn công Berlin từ phía đông và phía nam, trong khi một cánh thứ 3 cày nát hệ thống phòng ngự của Đức ở phía bắc.

Quân đội Liên Xô tiến lên một cách đầy uy lực, khiến lực lượng phòng ngự suy yếu của Đức phải khiếp sợ. Sau nhiều trận chiến đẫm máu, cuối cùng Hồng quân chiếm được tòa nhà Quốc hội Đức vào ngày 30/4/1945.

1. Trận Stalingrad (23/8/1942-2/2/1943, thương vong 1.798.619 người)

Trong trận này, Hitler có ý đồ giành thế thượng phong ở Mặt trận phía Đông. Hai phe trong trận này hứng chịu mức độ thương vong khủng khiếp. Riêng phía Liên Xô có hơn 1 triệu bị chết hoặc bị thương.

Quân Đức bị bao vây chặt ở Stalingrad, sống vô cùng khổ sở trong thành phố hoang tàn và lạnh.

Thiệt hại lớn và thất bại nặng nề trong trận này khiến quân Đức mất tinh thần. Quân đội Đức sau đó không thể phục hồi trở lại như trước được nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2
Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2

VOV.VN - Trận đánh Stalingrad là một trong các chiến dịch bản lề trong Thế chiến 2. Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử chiến tranh kết thúc vào ngày 3/2/1943.

Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2

Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2

VOV.VN - Trận đánh Stalingrad là một trong các chiến dịch bản lề trong Thế chiến 2. Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử chiến tranh kết thúc vào ngày 3/2/1943.

Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới
Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới

VOV.VN - Trong những trận đánh diễn ra trong 1 ngày này, trận huyết chiến Borodino trên đất Nga được coi là đẫm máu nhất khi có tới 80.000 lính thương vong.

Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới

Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới

VOV.VN - Trong những trận đánh diễn ra trong 1 ngày này, trận huyết chiến Borodino trên đất Nga được coi là đẫm máu nhất khi có tới 80.000 lính thương vong.

Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20
Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20

VOV.VN - Thế kỷ 20 chứng kiến 10 trận đánh hoặc chiến dịch quân sự đẫm máu với tổn thất sinh mạng chưa từng có trong lịch sử loài người.

Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20

Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20

VOV.VN - Thế kỷ 20 chứng kiến 10 trận đánh hoặc chiến dịch quân sự đẫm máu với tổn thất sinh mạng chưa từng có trong lịch sử loài người.

Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước
Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước

(VOV) - Những trận đánh sống còn của 2 bên, bao gồm cả cận chiến và đổ bộ đường biển, đã được thể hiện sinh động qua những bức ảnh mầu.

Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước

Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước

(VOV) - Những trận đánh sống còn của 2 bên, bao gồm cả cận chiến và đổ bộ đường biển, đã được thể hiện sinh động qua những bức ảnh mầu.

Quân Anh kinh hoàng trước các phi công cảm tử Thần Phong của Nhật Bản
Quân Anh kinh hoàng trước các phi công cảm tử Thần Phong của Nhật Bản

VOV.VN - Chiến thuật phi công cảm tử Thần Phong (kamikaze) của người Nhật vào cuối Thế chiến 2 đã khiến quân đội Anh phải căng óc đối phó.

Quân Anh kinh hoàng trước các phi công cảm tử Thần Phong của Nhật Bản

Quân Anh kinh hoàng trước các phi công cảm tử Thần Phong của Nhật Bản

VOV.VN - Chiến thuật phi công cảm tử Thần Phong (kamikaze) của người Nhật vào cuối Thế chiến 2 đã khiến quân đội Anh phải căng óc đối phó.