Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đấu không khoan nhượng

Lần đầu tiên lãnh đạo Liên đoàn lao động Pháp tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên Francois Hollande, trái với truyền thống của liên đoàn.

Trong vài giờ nữa, người dân Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử để lựa chọn người sẽ nắm giữ vị trí Tổng thống Pháp trong 5 năm tới. Nhìn lại tuần qua, một loạt các sự kiện đã diễn ra, cho thấy một cuộc đấu không khoan nhượng giữa Đảng Xã hội của ông Hollande có sự hậu thuẫn của phe cánh tả với Liên minh phong trào vì nhân dân cầm quyền của đương kim Tổng thống Sarkozy.

Pháp có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một tuần căng thẳng đến thế trong bầu cử Tổng thống, mở đầu là ngày Quốc tế lao động được tận dụng triệt để với các cuộc mít tinh của hai phe, trong đó, hai ứng cử viên có các phát biểu về vấn đề việc làm, người lao động.

Cử tri Pháp bỏ phiếu bầu Tổng thống ngày 22/4 (Ảnh: Internet)
Theo thống kê, có 316.000 người tham gia hơn 200 cuộc tuần hành trong ngày 1/5; trong đó, riêng Thủ đô Paris đã có 48.000 người tham gia tuần hành, gấp 4 lần so với năm 2011. Đây là lần thứ hai trong vòng 10 năm qua tại Pháp, số lượng người tham gia các cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế lao động (1/5) lớn như vậy, chỉ sau năm 2002, trước khi tổ chức vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống giữa hai ứng cử viên Jacques Chirac và ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen.

Hiếm có trong lịch sử khi năm nay, lần đầu tiên lãnh đạo Liên đoàn lao động Pháp tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên Francois Hollande, trái với truyền thống của liên đoàn là giữ trung lập trong các cuộc bầu cử Tổng thống.

Ông Philippe Texier, thành viên ban giám đốc Liên đoàn lao động Pháp giải thích: “Kết quả 5 năm cầm quyền của ông Sarkozy mà chúng tôi thực hiện nghiên cứu, cho thấy về trong các vấn đề việc làm, lương bổng, bảo hộ xã hội cho người lao động… đều sụt giảm. Sự giận dữ gia tăng trong xã hội cũng do bất mãn với chính sách về việc làm. Chúng ta thấy rõ rằng phải dừng lại những chính sách đó và tìm kiếm những chính sách mới có lợi cho người lao động. Vì lẽ đó, chúng tôi tuyên bố ủng hộ ông Francois Hollande và phản đối đương kim Tổng thống Sarkozy”.

Tiếp theo ngày 1/5, ngày 2/5 đã diễn ra cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai ứng cử viên trực tiếp trên truyền hình kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, được hàng chục triệu khán giả Pháp theo dõi. Thế “cân sức” của cuộc tranh luận vô hình chung lại tạo chiến thắng cho ông Francois Hollande – người đã giữ được sự điềm tĩnh và lập luận không kém phần sắc bén trước sự tấn công của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Ông Sarkozy cũng không thể biến cuộc tranh luận thành cơ hội cuối cùng để lật ngược tình thế, mà còn làm sụt giảm thêm hình ảnh của một vị Tổng thống đương nhiệm khi có phần đi quá giới hạn, lên tiếng chỉ trích nhiều lãnh đạo tiền nhiệm của đảng Xã hội, hay có những tuyên bố sai lệch và thái quá.

Báo chí Pháp những ngày này đi vào mổ xẻ nhưng tuyên bố của ông Sarkozy, cho rằng đó là “dối trá”, như việc ông tuyên bố đã có mặt tại Fukushima ngay sau thảm họa động đất sóng thần, và thấy sóng cao 50m.

Trước đó, ông Sarkozy – vị Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp có tỉ lệ ủng hộ thấp hơn đối thủ ngay từ vòng 1 lại biến mình là vị Tổng thống đầu tiên tuyên bố có thể liên minh với phe cực hữu và cho rằng, Mặt trận Dân tộc quốc gia có thể “đồng bộ” với nền Cộng hòa Pháp.

Nhớ lại thái độ cương quyết một mực không đối thoại của cựu Tổng thống Jacques Chirac với phe cực hữu trong cuộc bầu cử năm 2002, báo chí Pháp lại được phen chỉ trích ông Nicolas Sarkozy và nhắc nhở ông có các tuyên bố đúng mực hơn – vì dù sao ông vẫn đang là Tổng thống của nước Pháp.

Một nút thắt quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã được định đoạt trong tuần qua là tuyên bố gây nhiều bất ngờ của lãnh đạo phe trung dung Modern- ứng cử viên về thứ 5 Francois Bayrou rằng sẽ bầu cho ông Francois Hollande với tư cách cá nhân. Dù ông Bayrou nói rõ rằng ông không có chỉ dẫn nào về việc bỏ phiếu vòng 2 cho các cử tri đã ủng hộ mình trong vòng 1, nhưng tuyên bố của lãnh đạo cũng là người sáng lập phái trung dung vẫn gây sốc lớn trên chính trường Pháp.

Nhà nghiên cứu Soetermondt phân tích: “Sự ủng hộ của ông Bayrou mang tính biểu tượng lớn, bởi nó đi ngược lại cơ sở căn bản của phái trung dung là đứng ở giữa. Tuyên bố này có lợi cho ông Francois Hollande và dĩ nhiên bất lợi cho Tống thống Nicolas Sarkozy. Chiến dịch tranh cử cũng đến thời điểm kết thúc và cho đến lúc này, không một ứng cử viên nào của vòng 1 tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông Sarkozy trong vòng 2 cả”.

Trước đó, ngày 1/5, ứng cử viên của đảng Mặt trận cực hữu đưa ra quan điểm được chờ đợi về việc sẽ ủng hộ ai trong vòng 2 và đúng như dự đoán, câu trả lời của bà Marine Le Pen là “không ủng hộ ai và kêu gọi cử tri bỏ phiếu trắng”.

Thực chất, phải hiểu rằng cả ông Bayrou và bà Marine Le Pen hiện giờ đều mong muốn ông Francois Hollande thắng hơn là sự tái đắc cử cho đương kim Tổng thống Sarkozy. Bởi khi đó, sẽ có sự đảo lộn trong phe hữu, nếu không nói là khả năng Liên minh vì phong trào nhân dân có thể sụp đổ, và đó là cơ hội vàng để bà Marine Le Pen –có thể lôi kéo những thành viên cực hữu trong cánh hữu và ông Bayrou lôi kéo những thành viên ôn hòa chạy đua tìm vị trí trong một phe hữu mới tại nước Pháp.

Một tuần bất lợi cho đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, cộng thêm một thông tin chống lại ông gây sửng sốt dư luận được đăng tải trong tuần trên trang mạng Mediapart rằng, có thể ông đã nhận 50 triệu euros từ chính phủ của nhà lãnh đạo quá cố Kaddafi cho chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2007.

Dù trang Mediapart đã ngừng đăng tải thông tin, sau khi ông Sarkozy đâm đơn kiện trang mạng này, nhưng rõ ràng câu chuyện sẽ không dừng lại, nhất là trong trường hợp ông Sarkozy mất ghế Tổng thống sau kết quả ngày 5/5./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên