An ninh biển sẽ được bàn trong Đối thoại Mỹ - Trung

Quan hệ tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc sắp tới sẽ đi vào một giai đoạn gập ghềnh hơn bởi một loạt các vấn đề phức tạp

Ngày 3/5, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Mỹ và Trung Quốc tiến hành đối thoại An ninh và Kinh tế lần thứ 4. Cuộc đối thoại này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã có thêm những bước phát triển mới, cũng như tình hình quốc tế có nhiều biến động.

Dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ đến Trung Quốc là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner. Đây được cho là cuộc đối thoại cấp cao cuối cùng với phía Trung Quốc của bà Hilary và ông Geithner trên cương vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ bởi hai nhà lãnh đạo của Mỹ này đều tuyên bố rằng ngay cả khi Tổng thống Obama đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2012, họ cũng không tiếp tục đảm nhận các chức vụ này.

Trong cuộc đối thoại này, Mỹ và Trung Quốc cùng trao đổi nhiều chủ đề khác nhau, trong đó tập trung vào các vấn đề như: thâm hụt thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ, sự khác biệt trong cách giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran, vấn đề An ninh hàng hải tại Biển Đông.

Việc Quốc hội Mỹ thúc giục chính quyền của Tổng thống Obama bán các máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan (Trung Quốc) nhiều khả năng cũng sẽ là một chủ đề được đề cập tới trong cuộc đối thoại ngày 3/5. Bên cạnh đó, Washington và Bắc Kinh đều có mối quan tâm chung là mong muốn chấm dứt tình trạng bạo lực tại Nam Sudan.

Liên quan đến tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc thời gian gần đây đã chỉ trích Mỹ đã chính trị hóa những tranh chấp tại khu vực này và cho rằng Trung Quốc có thể giải quyết song phương vấn đề đó với các nước trong khu vực, tuy nhiên phía Mỹ đã liên tục khẳng định quyền tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, và nêu rõ Mỹ không đứng về bên nào trong việc tranh chấp lãnh thổ mà chỉ muốn các bên không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề này và cần dựa vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế.

Trước khi diễn ra đối thoại, phát biểu tại một câu lạc bộ ở San Francisco, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner nói rằng không có nước nào trên thế giới cùng một lúc có nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau như ở Trung Quốc, và chính quyền Tổng thống Obama thời gian qua đã đạt được những bước tiến quan trọng trong mục tiêu của mình.

Ông Geithner cũng cho biết sẽ tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc có những thay đổi trong  hệ thống tài chính của nước này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Nicholas Lardy thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson cho rằng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner trong cuộc đối thoại hôm nay sẽ không đẩy tỷ giá đồng nhân dân tệ thành vấn đề nóng, nhưng lập trường của Mỹ đối với vấn đề này là kiên định, chỉ có điều ông Geithner phải xử lý vấn đề đó trong một môi trường khó khăn hơn.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ coi vòng đối thoại lần thứ 4 giữa hai nước là một cơ hội vàng để thúc đẩy cải cách trong chính phủ Trung Quốc, đặc biệt họ đang hy vọng về một môi trường chính trị cũng như đầu tư tích cực và được cải thiện tiếp sau chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được dự đoán sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung John Frisbie nói rằng, các công ty của Mỹ  hy vọng Trung Quốc sẽ đồng ý mở các cuộc thảo luận về hiệp định đầu tư song phương, theo đó cho phép các công ty nước ngoài có thể sở hữu các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Nhận định về cuộc đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 3/5, ông Adam Segal, một chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ cho rằng, mặc dù quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phát triển, nhưng quan hệ tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc sắp tới sẽ đi vào một giai đoạn gập ghềnh hơn bởi một loạt các vấn đề phức tạp mà hai nước không thể giải quyết trong một sớm một chiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên