3 vũ khí Mỹ phải dè chừng Trung Quốc trong tác chiến trên biển

VOV.VN- Mìn, tàu điện ngầm chạy diesel và các tàu chiến mặt nước của Trung Quốc là những vũ khí khiến Mỹ phải dè chừng nếu xảy ra đối đầu trên biển.

Việc Mỹ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải trên khu vực Tây Thái Bình Dương tạo ra nguy cơ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo tờ National Interest của Mỹ, mặc dù mới đây tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà không có bất cứ va chạm nào xảy ra, tuy nhiên trong tương lai luôn tồn tại khả năng việc tuần tra tương tự của Mỹ có thể sẽ không kết thúc “một cách hòa bình như vậy”.

Tàu USS Lassen của Mỹ. Ảnh AP

Trong kịch bản đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển, Trung Quốc có thể sẽ khiến Mỹ phải dè chừng với 3 loại vũ khí của mình.

Mìn

Nếu Trung Quốc muốn họ có thể đặt mìn ở các khu vực trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đạo nhân tạo.

Mặc dù mìn thường là giải pháp sau cùng cho nhiều nhà chiến lược hải quân, tuy nhiên những vũ khí như vậy đã gây thiệt hại cho nhiều tàu hải quân của Mỹ trong Chiến tranh thế giới II hơn bất cứ loại vũ khí nào khác.

Trên thực tế, đã có 15 tàu chiến của Mỹ bị hư hỏng hoặc phá hủy bằng mìn biển. Trường hợp điển hình là tuần dương hạm USS Princeton lớp Aegis trị giá nhiều tỷ USD, đã bị thiệt hại nặng nề bởi bom mìn trị giá chỉ vài ngàn USD trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Trung Quốc đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong lịch sử về tác chiến mìn, trong khi đó Hải quân Mỹ mới gần đây tái thúc đẩy các nỗ lực tác chiến mìn của mình.

Trung Quốc có ít nhất 40 tàu tác chiến mìn và đang ngày càng được cải thiện về năng lực tác chiến. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào các loại mìn hiện đại cho tác chiến trên biển, trong khi đó Hải quân Mỹ vẫn do dự về các hệ thống săn mìn từ xa (Remote Minehunting System) của mình.

Tàu ngầm điện-diesel

Nếu xảy ra đối đầu trên biển, các tàu ngầm điện-diesel (SSKs) của Trung Quốc có thể là mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Mặc dù không có được tốc độ, thời gian hoạt động dưới biển lâu hay các năng lực tổng thể khác như tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng SSKs chạy êm “một cách đáng kinh ngạc”.

Ở các vùng biển duyên hải chật hẹp, các loại tàu ngầm thông thường này rất khó bị phát hiện, được ví như “lỗ đen dưới đáy đại dương”. Trong bối cảnh ấy, SSKs “cực kỳ nguy hiểm”.

Một chiếc tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh Reuters

Trung Quốc có một lực lượng SSKs hùng hậu, bao gồm cả các loại tàu lớp Kilo do Liên Xô thiết kế. Trung Quốc cũng sở hữu các SSKs Type 039 lớp Yuan sản xuất trong nước có khả năng tác chiến lợi hại, đặc biệt là khi được tích hợp với các hệ thống động cơ khí đẩy độc lập cho phép hoạt động dưới nước trong thời gian dài.

Được trang bị hàng loạt tên lửa hành trình và ngư lôi, những SSKs của Trung Quốc đặc biệt nguy hiểm, nhất là khi các tàu chiến mặt nước rất dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công từ dưới mặt nước.

Tàu chiến mặt nước của Hải quân Trung Quốc

Khi tàu Lassen của Mỹ tuần tra khu vực gần bãi đá Subi, hai tàu chiến mặt nước Trung Quốc, 2 tàu khu trục Lan Châu Type 052C và Đài Châu đã bám sát tàu Hải quân Mỹ.

Mặc dù không tàu nào của Trung Quốc sánh ngang về mặt công nghệ so với tàu Lassen, tuy nhiên khu trục của Mỹ gần như không có năng lực chống tàu ngoại trừ súng máy và tên lửa đối hạm thông thường. Những hệ thống này không thể gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng tàu chiến mặt nước hùng mạnh của Trung Quốc.

Một tàu quét mìn của Trung Quốc. Ảnh AP

Hải quân Mỹ - sau khi Liên Xô tan rã - đã không chú trọng vào mặt trận biển, mà chỉ quan tâm nhiều cho các sứ mệnh đổ bộ tấn công đất liền. Do đó, muốn cạnh tranh với Hải quân Trung Quốc, Mỹ sẽ phải nhanh chóng đầu tư cho các vũ khí chống tàu mặt nước, tàu ngầm và tác chiến chống mìn trên biển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên