Thèm hương vị phở Lý Quốc Sư, tìm ở đâu?

VOV.VN -“Tôi mê cái hương vị phở số 2 Lý Quốc Sư. Nay, dù thương hiệu đã là phở Thành Long, tôi vẫn thấy cái hương vị cũ của nó, tức là nước phở và bánh phở rất truyền thống”.

Phở Lý Quốc Sư là một trong những thương hiệu phở đầu tiên và nổi tiếng của Hà Nội. Đây cũng là quán phở góp phần làm nên thương hiệu “phở Hà Nội”. Phở ở đây rất ngon và có nhiều hương vị, từ phở tái, bò chín hay tái nạm gầu.... Nước dùng của phở đậm đà và rất thơm do cách chế biến và lựa chọn gia vị của quán.

Song, đã lâu ngày, người dân Hà Nội không còn thấy bóng dáng cụ Ngọ thấp thoáng sau nồi nước phở ngùn ngụt khói và những tảng thịt bò chín đồ sộ ở cửa hàng Phở số 2 Lý Quốc Sư.


Từ 10 năm trước, cụ Ngọ đã truyền lại bí quyết làm ăn cho con cháu trong nhà và phát triển một thương hiệu phở khác – Phở Thành Long nằm trên phố Láng Hạ (Hà Nội).

Mỗi khi thấy đất trời khô ráo và trong người khỏe mạnh, cụ Ngọ dù đã gần 90 tuổi lại nhẩn nha tới thăm quán hàng của con trai, dâu, rể… Cụ hài lòng về cách chọn thịt miếng tái, miếng gầu, cách nấu nước, chan gừng, chan mắm… nhưng lại chưa ưng ý lắm như cách chọn rau lá, gia vị tưởng như rất đơn giản này của các con.

Cụ Ngọ tỉ mẩn chọn từng quả chanh một: “Quả chanh nó rành vỏ thì không có nhiều nước, phải chọn quả nó nhỏ hơn một tí mà nó bóng…”.

Kể ra, ở cái thời buổi công nghiệp bây giờ, tìm được những “phương thức rau hành” cổ truyền ngày xưa, thật không gì khó hơn. Duy chỉ có bí quyết làm ăn cụ Ngọ truyền dậy, thì các con cháu vẫn thuộc nằm lòng. Không thế thì làm sao có thể kiếm cơm trong cái thời buổi “gạo châu, củi quế”, “tấc đất, tấc vàng” này!


Phở Lý Quốc Sư vẫn giữ được khách quen cũng chỉ nhờ vào nếp làm ăn thật thà, chân chỉ do cha mẹ truyền lại từ tấm bé - từ khi các anh các chị còn chạy bàn, rửa bát mướt mồ hôi cho hiệu phở Lý Quốc Sư ngày trước.

Chị Lan, con gái cụ Ngọ cho biết “Bất cứ mặt hàng gì, chúng tôi đều phải chọn hàng ngon: thịt bò tươi và béo, hành rau cũng phải tươi, ngon”.

“Bố mẹ tôi truyền lại cái nghề này chỉ dặn các con là “làm sao mày bán hàng có chữ tâm, đặt vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu”- anh Cường, con trai cụ Ngọ tâm sự.

Thực tế, thương hiệu doanh nghiệp càng vẻ vang thì càng khó cầm giữ, càng khó theo đuổi. Thực khách Hà Nội ngày càng sành ăn hơn trước, các quán phở bây giờ cũng tràn lan ở Hà Nội. Phở Thành Long cũng gặp phải nhiều khó khăn.

Anh Cường chia sẻ: “Có khách khó tính, họ chê chỗ mình và khen chỗ khác ngon hơn. Anh em chúng tôi bảo nhau, không được tự ái mà phải kiên nhẫn và biết tiếp thu lời khách hàng. Sau đó, đến ‘mục sở thị’ phở của người ta có cái gì hơn mình, khác mình. Nếu ngon hơn thì mình học tập, mà nếu không thì phải dùng kinh nghiệm tay nghề để giữ khách. Điều cốt yếu của các hiệu phở suy cho cùng chính là phải tạo ra chút hương vị riêng, đặc sắc, đáng nhớ”.

Cổ truyền nhưng vẫn biết tiếp thu những điều mới khiến cho hương vị của phở số 2 Lý Quốc Sư tại quán phở Thành Long hôm nay luôn thu hút được khách hàng.

“Phở hiệu này có thịt rất ngon, không bị hôi như các hàng khác, vệ sinh thì rất sạch sẽ…”- một thực khách cho biết.

Nhà ở tận khu Kim Giang, cách xa khu phố cổ, cho nên khi nghe tin quán phở Lý Quốc Sư có ở Láng Hạ, ông giáo già thấy tiện quá, lúc nào chợt thèm chỉ đi bất quá 5km là đã có thể thỏa mãn cái thú nghiện phở từ thuở thiếu thời. Người Hà Nội thường rất thủy chung với hiệu phở mà mình đã từng lựa chọn và ưa thích bởi nó đem lại cái hương vị thèm nhớ đặc biệt.

Ông giáo cho biết: “Tôi mê cái hương vị phở số 2 Lý Quốc Sư. Ngày xưa đó là một hiệu phở nổi tiếng,  người ta xếp hàng rồng rắn mới đến lượt, thậm chí còn phải đưa tiền trước. Dù là phở Thành Long, tôi vẫn thấy cái hương vị cũ của nó, tức là nước phở và bánh phở rất truyền thống”.

Trước khi hiệu phở Thành Long ra đời trên phố Láng Hạ thì bà Ngọ cũng đã lên được một hiệu phở trên vỉa hè phố cổ Hàng Buồm, số nhà 31 cho người con trai cả, từ hàng chục năm trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên