Có hay không vụ thảm sát mới tại Syria?

Nếu thông tin về vụ thảm sát mới tại làng Al Qubeir là có thật, nó sẽ buộc các cường quốc có hành động cứng rắn hơn nữa với chính quyền Syria

Người phát ngôn phái đoàn quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria ngày 7/6 cho biết, các quan sát viên không thể tiếp cận ngôi làng Al Qubeir thuộc tỉnh Hama, miền Trung nước này. Đây là khu vực mà phe đối lập cho rằng đã xảy ra một vụ thảm sát làm gần 100 người chết, song Chính phủ Syria đã phủ nhận thông tin này.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Damascus, người phát ngôn phái đoàn quan sát viên Liên Hợp Quốc, bà Sausan Ghosheh cho biết: “Các quan sát viên Liên Hợp Quốc đã không thể vào ngôi làng Al Qubeir. Chúng tôi bị chặn lại tại các điểm kiểm tra an ninh của quân đội Syria, bị người dân địa phương ngăn cản. Đồng thời, chúng tôi nhận được thông tin cho biết chúng tôi sẽ không an toàn nếu vào khu vực đó. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận ngôi làng này”.

2 cậu bé Syria sống sót sau vụ thảm sát ở ngôi làng Al Qubeir (Ảnh: AP)
Cùng ngày, phát biểu trước cuộc họp Đại Hội đồng của Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi vụ thảm sát gần 80 người ở thành phố Hama của Syria là hết sức “kinh hoàng và ghê rợn”. Ông nói rằng nhân viên của Liên Hợp Quốc đang cố gắng tìm mọi cách tiếp cận hiện trường nơi đã diễn ra vụ thảm sát.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Chúng tôi lên án hành động tội ác này và khẳng định quyết tâm sẽ buộc những kẻ tham gia giết người phải đền tội. Hiểm họa về một cuộc nội chiến tại Syria rất rõ ràng và gần như sắp diễn ra”.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria Kofi Annan nói rằng ông cảm thấy tim mình bị đau nhói trước cảnh hàng chục dân thường đã bị giết hại. Chia sẻ quan điểm với Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Đặc phái viên Kofi Annan nói: “Những kẻ tham gia vào cuộc thảm sát này sẽ phải đền tội, chúng ta không thể để cảnh sát hại nhiều dân thường diễn ra hàng ngày ở Syria”.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao quốc tế đang tìm mọi cách để ngăn chặn một cuộc nội chiến ở quốc gia này.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary nói rằng Syria sẽ không có một nền hòa bình, ổn định hoặc dân chủ nếu Tổng thống Assad vẫn còn nắm quyền.

Phát biểu trước các phóng viên trong khi tham dự cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và ủng hộ cho người dân Syria, đồng thời  ủng hộ kế hoạch hòa bình do ông Kofi Annan đề xuất. 

Thủ tướng Qatar Jassim al-Thani, trong cuộc thảo luận với tân Tổng thống Pháp Francois Hollande về tình hình Syria đã buộc tội chính quyền Syria mới là nguyên nhân dẫn đến thất bại lệnh ngừng bắn. Ông Thani nhấn mạnh: “Đặc phái viên Annan trong bài phát biểu ở Doha đã công khai nói rằng, chính quyền Syria chưa đáp ứng kế hoạch 6 điểm. Ông sẽ có báo cáo trước Hội đồng Bảo an và chúng tôi đang chờ báo cáo đó”.

Ngày 6/6, phe đối lập tại Syria cho biết xảy ra một vụ thảm sát làm gần 100 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, tại làng Al Qubeir. Tuy nhiên, Chính phủ Syria ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ mọi dính líu tới vụ việc này và cho rằng vụ thảm sát mà một số phương tiện truyền thông đưa tin là "hoàn toàn không đúng sự thật".

Theo Chính phủ Syria, "một nhóm khủng bố đã tiến hành tội ác dã man tại tỉnh Hama làm 9 người thiệt mạng và các phương tiện thông tin truyền thông đã thêm thắt số người thiệt mạng".

Nếu thông tin này chính xác thì vụ thảm sát mới gần Hama, miền Trung Syria sẽ gia tăng sức ép buộc các cường quốc có hành động. Thông tin về vụ thảm sát được đưa ra vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận tình hình Syria. Đặc phái viên quốc tế Kofi Annan sẽ trình bày đề xuất mới trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn kế hoạch hoà bình cho Syria.

Theo các nhà ngoại giao, điểm mấu chốt trong đề xuất mới của ông Annan là thành lập nhóm Tiếp xúc (quy tụ đại diện các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và một số nước có ảnh hưởng trong khu vực như Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran). Với việc thành lập nhóm Tiếp xúc này, ông Annan hy vọng sẽ khai thông những bất đồng giữa các cường quốc về cách tiếp cận giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Trong khi đó, phe đối lập Syria cùng phương Tây và các nước vùng Vịnh Persian vốn tìm cách lật độ chế độ của Tổng thống al-Assad cho rằng, kế hoạch hoà bình 6 điểm của ông Annan đang “chịu số phận bi đát”.

Đến nay, Nga và Trung Quốc là 2 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn phản đối việc can thiệp bằng quân sự vào Syria./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên