Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng: Ứng dụng công nghệ trong quản lý biên giới

VOV.VN - Đối với nhiệm vụ quản lí, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả Trung tâm Chỉ huy tác chiến nghiệp vụ Biên phòng, kết nối liên thông 48 đầu mối trọng điểm.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, những năm gần đây, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn với cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) và đã đạt được những kết quả quan trọng. 

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP về vấn đề này.

PV: Thưa Thiếu tướng, trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương đang tích cực triển khai ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xin ông cho biết quan điểm của BĐBP về lĩnh vực này như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ quản lí, bảo vệ BGQG?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT như là một giải pháp quan trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động, ảnh hưởng sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG và quản lí cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật, BĐBP đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới trên 3 lĩnh vực cơ bản:

Một là, triển khai các đơn vị tích cực xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả CNTT và các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng.

Hai là, chủ động tiếp nhận và cung cấp thông tin trên môi trường mạng để dễ dàng tiếp cận và khai thác, sử dụng nhanh chóng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lí công việc, tăng cường sử dụng biểu mẫu, chữ ký số, văn bản điện tử. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đồng thời số hóa những nguồn thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, phục vụ quản lí, nghiên cứu và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung.

Ba là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực CNTT, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng ứng dụng CNTT, bảo đảm an toàn môi trường mạng trong xử lí công việc.

PV: Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lí, bảo vệ BGQG, tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, BĐBP đã triển khai ứng dụng CNTT gắn với cải cách thủ tục hành chính như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1072/QĐ-TTg, ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử” trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; đặc biệt gần đây là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ.

Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử trong BĐBP, từng bước triển khai “Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2019 - 2020, định hướng năm 2025”, xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ BGQG; tổ chức thành lập 54 Tiểu ban chỉ đạo Chính phủ điện tử. Các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng đã kế thừa hệ thống hạ tầng, trang bị sẵn có; chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, từng bước cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong các mặt công tác của BĐBP.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai ứng dụng CNTT, cải cách hành chính của BĐBP trong quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Điểm đột phá trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của BĐBP là thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử theo hình thức dịch vụ công mức độ 3 và 4 tại cửa khẩu, cảng biển; triển khai chữ ký số cho 37 cửa khẩu cảng biển, kết nối Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển với Cổng thông tin Một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm quản lí xuất, nhập cảnh tại Bộ Tư lệnh BĐBP, quản lí dữ liệu xuất, nhập toàn bộ hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu cảng biển. Chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an triển khai “Kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng mã vạch” tại 18 cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và 07 cảng biển, rút ngắn thời gian kiểm soát, đăng ký từ 01 phút xuống còn 15 - 20 giây đối với một người là cư dân biên giới, từ 02 - 03 phút xuống còn 30 giây đối với một người tại cảng biển. Sử dụng “Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động” tại 17 đơn vị cửa khẩu trọng điểm, tích hợp những công nghệ hiện đại như: nhận dạng sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh, tự động hóa qui trình thủ tục xuất, nhập cảnh, rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 30 giây xuống còn 07 - 12 giây cho 01 hàng khách.

Đối với nhiệm vụ quản lí, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả Trung tâm Chỉ huy tác chiến nghiệp vụ Biên phòng, kết nối liên thông 48 đầu mối trọng điểm, qua đó nâng cao hiệu quả chỉ huy, chỉ đạo từ Bộ Tư lệnh đến các đơn vị, nhất là khi có tình huống, nhiệm vụ đột xuất. Kết nối mạng truyền số liệu từ các đơn vị về Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh, hệ thống mạng Misten của Quân đội, mạng LAN,… Cập nhật chính xác dữ liệu hệ thống mốc quốc giới với 5.021 cột mốc và cọc dấu; dữ liệu điểm đứng chân, tình hình địa bàn; dữ liệu đo đạc và bản đồ số biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia,… Chủ động, tích cực đầu tư nền tảng công nghệ số vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT để vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến của Bộ Quốc phòng với 49 điểm cầu thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, các cơ quan, đơn vị BĐBP đã chủ động truy cập thông tin qua các cổng thông tin điện tử…, để nắm, thu thập, xác minh về hoạt động của các tổ chức phản động, khủng bố, các ổ nhóm, đường dây; phục vụ công tác đánh giá, dự báo tình hình và phát hiện từ sớm, từ xa âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại như máy kiểm tra phương tiện CT-30, máy soi quét X-Quang tán xạ ngược để phát hiện hành vi cất dấu vũ khí, ma túy hoặc các loại hàng hóa cấm tại những vị trí khó tiếp cận, mà các thiết bị khác không thể phát hiện được.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, BĐBP đang triển khai hơn 1.600 tổ chốt với gần 7.500 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ trên biên giới. Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Tập đoàn Viettel tiến hành khảo sát để lắp đặt hệ thống camera quan sát, giám sát tại các đường mòn, lối mở, bãi bồi ven sông để phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Hệ thống được nâng cấp gồm camera an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo AI View, giúp cán bộ, chiến sĩ Biên phòng dễ dàng quan sát, phát hiện hoạt động của các loại đối tượng, giảm bớt áp lực về quân số và thời gian trong tuần tra, kiểm soát trên biên giới.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT gắn với cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ BGQG hiện nay?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ BGQG của BĐBP còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục và hoàn thiện, đó là: Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quyét…) ở một số đơn vị vẫn còn lạc hậu, không đồng bộ, thiếu kết nối mạng hoặc kết nối không thông suốt dẫn đến hạn chế khả năng triển khai ứng dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu; còn nhiều đồn Biên phòng chưa được phủ sóng 3G, 4G, 5G; đặt biệt, còn một số đồn Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa có điện lưới quốc gia.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống công nghệ thông tin đã được đầu tư; đội ngũ cán bộ thuộc các đồn Biên phòng vùng sâu, vùng xa, hải đảo khai thác, sử dụng công nghệ thông tin (internet, máy tính) còn nhiều hạn chế, nhất là các đồng chí cao tuổi, không qua đào tạo cơ bản về CNTT,… Nguồn tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang bị, thu hút, đãi ngộ nhân tài. Quá trình số hóa thông tin, tài liệu, xây dựng, cập nhật học liệu số còn lạc hậu, không đồng bộ, quá trình hoạt động chưa đi vào nền nếp, khai thác, sử dụng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là một số đơn vị việc triển khai ứng dụng CNTT thiếu gắn kết với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc; chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin trong các cơ quan, đơn vị có liên quan; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lí của văn bản điện tử, thiếu quy định về yêu cầu sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính; các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT chậm được triển khai.

PV: Trong thời gian tới, nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT gắn với cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ BGQG của BĐBP sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Quá trình toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực. Đối với nước ta, hệ thống cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như quy mô, lưu lượng người và phương tiện xuất, nhập cảnh ngày càng lớn, đa dạng về quốc tịch. Các thách thức an ninh phi truyền thống, các loại tội phạm với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận diện.

Để thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT gắn với cải cách thủ tục hành chính trong quản lí, bảo vệ BGQG, BĐBP cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG và Luật Biên phòng Việt Nam. Tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đổi mới toàn diện các mặt công tác cửa khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa công tác kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh trên nền cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

Hai là, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số trong toàn lực lượng. Trong đó chú trọng triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu từ Bộ Tư lệnh đến đơn vị cơ sở và đồng bộ với dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến; thực hiện số hóa, sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy. Thúc đẩy thông minh hóa hoạt động quản lí, bảo vệ biên giới; hướng tới xây dựng “Cửa khẩu thông minh”, “Doanh trại thông minh”; tăng cường hệ thống hóa tác chiến điện tử, sa bàn ảo 3D, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp quản lí biên giới hiện đại.

Ba là, đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị CNTT thiết thực phục vụ các mặt công tác của BĐBP; triển khai kết nối điện lưới quốc gia, phủ sóng 4G, 5G tới tất cả các đồn Biên phòng để làm cơ sở phát triển CNTT theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lí, bảo vệ biên giới. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong áp dụng các mô hình, phương thức quản lí cửa khẩu tự động hóa, số hóa đảm bảo hài hòa, thống nhất, chặt chẽ và hiệu quả.

Bốn là, rà soát, huy động, sắp xếp lại các nguồn nhân lực cả về tài chính và con người, ưu tiên cho mục tiêu hiện đại hóa CNTT, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển học liệu số phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học tại học viện và các nhà trường; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung trong toàn lực lượng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách để tác nghiệp hiệu quả trên môi trường số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6
Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6

VOV.VN - Ngày 24/4, tại TP Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc và huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, Việt Nam đã diễn ra Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6. 

Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6

Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6

VOV.VN - Ngày 24/4, tại TP Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc và huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, Việt Nam đã diễn ra Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6. 

Bộ đội Biên phòng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn
Bộ đội Biên phòng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn

VOV.VN - Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng ôn lại chặng đường 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng đều có sự đóng góp xứng đáng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên BĐBP.

Bộ đội Biên phòng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn

Bộ đội Biên phòng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn

VOV.VN - Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng ôn lại chặng đường 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng đều có sự đóng góp xứng đáng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên BĐBP.

Chiến sĩ "cưỡi sóng", bám tàu trên biển ngăn dịch Covid-19
Chiến sĩ "cưỡi sóng", bám tàu trên biển ngăn dịch Covid-19

VOV.VN - Cán bộ, chiến sĩ ăn, ngủ trên con tàu gỗ, trực ca gác 24/24. Gió mùa, sóng lớn, tàu lắc lư nhưng họ vẫn không rời tàu vì nhiệm vụ trực chốt chống dịch Covid-19.

Chiến sĩ "cưỡi sóng", bám tàu trên biển ngăn dịch Covid-19

Chiến sĩ "cưỡi sóng", bám tàu trên biển ngăn dịch Covid-19

VOV.VN - Cán bộ, chiến sĩ ăn, ngủ trên con tàu gỗ, trực ca gác 24/24. Gió mùa, sóng lớn, tàu lắc lư nhưng họ vẫn không rời tàu vì nhiệm vụ trực chốt chống dịch Covid-19.