Đến lượt Hàn Quốc ước mơ tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử

VOV.VN - Trong kế hoạch đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên và chuẩn bị cho kỷ nguyên chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến sau chiến tranh, vấn đề gây nhiều chú ý và tranh cãi nhất là việc Hàn Quốc sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nỗ lực đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên

“Chương trình Quốc phòng trung hạn 2021-25” của Hàn Quốc chủ trương nâng cấp quân đội bằng công nghệ tiên tiến nhằm đối phó các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên và chuẩn bị cho kỷ nguyên chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến sau chiến tranh (OPCON). Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2017 rằng Hàn Quốc cần tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) “trong thời đại này”. Giả sử Hàn Quốc theo đuổi SSN, nó sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh xung quanh Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tăng thêm một giá trị răn đe nhỏ đối với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Những người tranh luận về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhấn mạnh sự mất cân bằng về số lượng của nó - Hàn Quốc hiện có 18 tàu ngầm đang hoạt động trong khi Triều Tiên có khoảng 70 chiếc. Kêu gọi SSN ở Hàn Quốc được củng cố sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) lần đầu tiên vào năm 2015, và khi phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một tàu ngầm mới đóng lần cuối năm.

Mặc dù báo không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về tàu ngầm, nhưng các nhà quan sát phân tích rằng sự phát triển này nhằm mục đích nâng cao công nghệ phóng SLBM hạt nhân của Triều Tiên. Khả năng hoạt động dưới nước của Triều Tiên đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Cho đến nay, các thử nghiệm SLBM đã được tiến hành nhiều lần. Do đó, đúng là cần có một chiến lược thích hợp để đối phó với các mối đe dọa trên biển đang ngày một lớn của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo bài báo, SSN không thể giải quyết triệt để vấn đề. Thứ nhất, vùng biển phía Tây quá nông để tàu ngầm 4.000 tấn có thể hoạt động an toàn. Trái ngược với vùng biển phía Đông có độ sâu trung bình 1.500 mét, vùng biển phía Tây chỉ sâu 50 mét. Hơn nữa, Hải quân Hàn Quốc đã thừa nhận vào năm 2009 rằng vùng biển phía Tây không thích hợp cho các hoạt động của tàu ngầm, do lượng chất thải dưới nước khổng lồ có thể vướng vào các cánh quạt.

Mục đích chính của việc sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là để truy đuổi tàu ngầm của Triều Tiên trong thời gian dài hơn mà không cần sạc lại pin diesel-điện. Tuy nhiên, môi trường dưới nước bất lợi ngăn cản các tàu ngầm cỡ lớn theo dõi hiệu quả các tàu ngầm hạng trung nặng 130 tấn của Triều Tiên có khả năng sẽ hoạt động ở vùng biển ven bờ. Đây là một phần lý do tại sao các tàu ngầm hiện đại của Triều Tiên được đóng trên bờ biển phía đông của bán đảo, tại Sinpo.

Thứ hai, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có tiếng ồn lớn hơn các tàu ngầm thông thường. Tỷ lệ phát hiện tàu ngầm dưới 25% trong một tập trận mô phỏng chiến tranh do Hải quân Hàn Quốc tiến hành đã chỉ ra, cần giảm thiểu tiếng ồn chủ yếu phát ra từ động cơ đẩy trong khi vận động. Tuy nhiên, các lò phản ứng hạt nhân nhỏ thường ồn hơn tiếng ồn của động cơ diesel-điện, làm tăng khả năng bị phát hiện bởi đối phương.

Cuối cùng, việc truy đuổi tất cả các tàu ngầm của Triều Tiên là gần như không thể mặc dù tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng hoạt động kéo dài hơn. Khi Hàn Quốc bật loa chống Bình Nhưỡng dọc theo khu phi quân sự sau khi Triều Tiên gài mìn và làm hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương vào năm 2015, Triều Tiên đã phản ứng bằng cách cho xuất kích khoảng 50 tàu ngầm cùng lúc. Thông thường, các cơ quan tình báo Hàn Quốc sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi các căn cứ tàu ngầm của Triều Tiên, nâng mức cảnh báo khi tàu ngầm khởi hành từ cảng.

Tuy nhiên, sự biến mất đồng thời của nhiều tàu ngầm đã tạo ra tình trạng hỗn loạn và ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Bên cạnh những hạn chế nói trên liên quan đến điều kiện môi trường hàng hải, việc bổ sung thêm một vài tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đắt tiền vẫn sẽ không đủ để vượt qua khoảng cách. Ngoài những hạn chế về mặt chiến thuật, việc đưa tàu ngầm hạt nhân vào sẽ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trong khu vực và sẽ làm xấu đi môi trường an ninh của Bán đảo Triều Tiên.

Những trở ngại của Hàn Quốc

Hiện tại, chỉ có 6 quốc gia vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là những cường quốc hạt nhân được quốc tế thừa nhận, trong khi Ấn Độ không phải là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Là một thành viên của NPT, để chế tạo tàu ngầm hạt nhân, Hàn Quốc sẽ phải rút khỏi một trong số ít các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài sự phản đối dự kiến ​​từ quốc tế, Hàn Quốc phải vượt qua các hạn chế được quy định bởi Thỏa thuận hợp tác hạt nhân Mỹ - Hàn Quốc.

Thỏa thuận này cấm sử dụng uranium đã được làm giàu cho các mục đích quân sự. Mặc dù thỏa thuận sửa đổi vào năm 2015 đã mở ra con đường cho việc làm giàu uranium của Hàn Quốc ở mức 20%, việc sử dụng uranium đã được làm giàu cho quân đội vẫn bị nghiêm cấm. Việc không phổ biến vũ khí hạt nhân được coi là lợi ích quốc gia quan trọng đối với Mỹ, và do đó, việc phát triển tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc có thể sẽ bị phản đối bởi “người bảo trợ quyền lực” của họ.

Hàn Quốc từng cố gắng đóng một tàu ngầm hạt nhân vào năm 2003. Tuy nhiên, điều đó đã bị cản trở sau khi chương trình được công bố rộng rãi, thu hút sự chú ý của cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc là một tác nhân khác trong khu vực sẽ phản ứng nhạy bén với khả năng tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc. Năm 2017, Trung Quốc đã thực thi các biện pháp kinh tế trả đũa đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc và chặn khách du lịch đến thăm Hàn Quốc. Một động thái như vậy được đưa ra sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye quyết định chấp nhận Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao (THAAD) của Mỹ vào năm 2016.

Do đó, Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện cái gọi là chính sách “3 không”, liên quan đến việc không triển khai THAAD bổ sung; không thành lập liên minh quân sự ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản; và không tham gia vào mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ chủ xướng. Vào thời điểm mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn, việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ làm dấy lên những lo ngại về an ninh và đặt Hàn Quốc vào thế bất lợi hơn.

Trước đó, trên National Interest, khi xem xét hiệu quả chi phí của các tàu SSN của Hàn Quốc, các tác giả Zachary Keck và Henry Sokolski đã nhận định mối quan tâm của Tổng thống Moon Jae-in đối với vũ khí công nghệ cao là một “sai lầm”. Thay vào đó, các tác giả đề xuất đầu tư kinh phí 7 - 9 tỷ USD của một tàu ngầm hạt nhân cho các cũ khí trang bị hiệu quả về chi phí như máy bay giám sát hàng hải P-8A Poseidon và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác.

Theo một nghiên cứu, chi phí của một SSN tương đương với 3 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Jangbogo III tiên tiến mới hoặc 8 chiếc lớp Son Won-il nhỏ hơn. Các chi phí lớn hơn lợi ích của việc phát triển một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vì các lý do chiến thuật và sự phản đối dự kiến ​​từ các nước láng giềng. Do đó, sẽ khôn ngoan hơn nếu Hàn Quốc đầu tư vào các máy bay giám sát có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương tốt hơn, hay các phương tiện không người lái dưới nước.

Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang ngầm chuẩn bị cho thời kỳ chuyển giao OPCON thời hậu chiến bằng cách phát triển vũ khí chiến lược để răn đe Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ hoàn tất việc chuyển giao OPCON thời chiến vào năm 2022, đang thúc đẩy việc đáp ứng các điều kiện chuyển giao ba giai đoạn dựa trên các đánh giá về khả năng hoạt động quân sự tự lập của Hàn Quốc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: “Nếu Triều Tiên không bị bộ máy quân sự khổng lồ của Mỹ - Hàn làm nản lòng, cũng không phải bởi kho vũ khí hạt nhân áp đảo của Mỹ, thì tại sao Triều Tiên lại bị răn đe bởi một SSN của Hàn Quốc?”

Một câu trả lời đơn giản là “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ răn đe Triều Tiên. Mối đe dọa hạt nhân chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách có khả năng tấn công hạt nhân lần thứ hai để tồn tại và trả đũa sau cuộc tấn công đầu tiên của đối phương. Giả sử chính quyền ông Moon Jae-in dự kiến ​​sẽ răn đe Triều Tiên bằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà không có vũ khí hạt nhân còn sống sót để đáp trả, trong trường hợp đó, như Keck và Sokolski đã đề cập, chắc chắn là một “sai lầm” chiến lược./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hàn Quốc khởi động tham gia “câu lạc bộ” tàu sân bay
Hàn Quốc khởi động tham gia “câu lạc bộ” tàu sân bay

VOV.VN - Phục vụ học thuyết quân sự của mình, Hàn Quốc quyết định phát triển tàu sân bay hạng nhẹ nội địa, sẽ đưa vào trang bị vào cuối thập kỷ 2020.

Hàn Quốc khởi động tham gia “câu lạc bộ” tàu sân bay

Hàn Quốc khởi động tham gia “câu lạc bộ” tàu sân bay

VOV.VN - Phục vụ học thuyết quân sự của mình, Hàn Quốc quyết định phát triển tàu sân bay hạng nhẹ nội địa, sẽ đưa vào trang bị vào cuối thập kỷ 2020.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp nhận tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp nhận tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM

VOV.VN - Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch sản xuất hơn 200 tên lửa đất đối đất chiến thuật (KTSSM) trước năm 2025.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp nhận tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp nhận tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM

VOV.VN - Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch sản xuất hơn 200 tên lửa đất đối đất chiến thuật (KTSSM) trước năm 2025.

Tham vọng trở thành gã khổng lồ về tàu ngầm của Hàn Quốc
Tham vọng trở thành gã khổng lồ về tàu ngầm của Hàn Quốc

VOV.VN - Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mở rộng đáng kể sức mạnh của Hải quân Hàn Quốc, nhưng chưa rõ liệu nước này có thực sự quan tâm đến việc theo đuổi một dự án tốn kém cả về kinh phí và nhạy cảm về chính trị như vậy hay không.

Tham vọng trở thành gã khổng lồ về tàu ngầm của Hàn Quốc

Tham vọng trở thành gã khổng lồ về tàu ngầm của Hàn Quốc

VOV.VN - Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mở rộng đáng kể sức mạnh của Hải quân Hàn Quốc, nhưng chưa rõ liệu nước này có thực sự quan tâm đến việc theo đuổi một dự án tốn kém cả về kinh phí và nhạy cảm về chính trị như vậy hay không.