Kéo dài bao vây cấm vận chống Cuba

Một “sản phẩm lỗi thời và tàn nhẫn của nước Mỹ”

Ngày 28/10, Đại Hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba” với sự ủng hộ của đa số tuyệt đối (187/192) các nước thành viên LHQ. Thế nhưng, bất chấp sự ủng hộ to lớn đó, Mỹ và một số nước đồng minh vẫn tỏ thái độ chống đối.

Đây là năm thứ 18 liên tiếp Đại hội đồng LHQ thông qua lá phiếu của đa số đại biểu khẳng định tình đoàn kết, ủng hộ đối với Chính phủ và nhân dân Cuba, lên án và yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay chính sách đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính chống quốc đảo Caribe này. Mà năm nay, số phiếu ủng hộ đã tăng thêm 2 phiếu so với năm ngoái. Trong 3 nước bỏ phiếu chống và 2 nước bỏ phiếu trắng, ngoài Mỹ (như một lẽ đương nhiên) người ta vẫn thấy một “gương mặt” vốn luôn gắn liền với Mỹ và lâu nay vẫn “hành động như Mỹ” đó là Israel. Còn Quốc đảo Palau thì lại vốn là một quốc gia nhỏ bé và vẫn đang chịu sự bảo trợ của Mỹ, mặc dù đã được trao trả độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.

Khi quyết định thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lên án chính sách cấm vận Cuba của Mỹ, đại diện của các nước đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương này và coi đó là “sản phẩm lỗi thời tàn nhẫn và trái với luật pháp quốc tế”. Phát biểu trên truyền hình trung ương sau khi LHQ thông qua Nghị quyết lên án Mỹ và ủng hộ Cuba, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khẳng định đây là chiến thắng tinh thần của cuộc Cách mạng Cuba. Ông Chavez cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama dỡ bỏ cấm vận do Washington đơn phương áp đặt chống Cuba trong suốt 47 năm qua.

Thế nhưng, đi ngược lại nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế, suốt 47 năm qua và thêm một lần nữa, ngay tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ lần này, Mỹ và số ít ỏi đồng minh của Mỹ vẫn khăng khăng cái chính sách thù địch lỗi thời ấy của mình. Lá phiếu “lạc lõng” của Mỹ và Israel phủ quyết nguyện vọng chung của đa số thành viên LHQ càng cho thấy sự ngang ngược đến không thể chấp nhận. Nói về hành động này của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua người phát ngôn của mình là Ian Kelly tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng chưa tới thời điểm để dỡ bỏ cấm vận Cuba".

Mỹ tuyên bố sẽ chỉ cân nhắc vấn đề này khi La Havana có những thay đổi về chính trị, kinh tế và tài chính. Cái lý do mà Mỹ đưa ra ấy khiến ai cũng hiểu, chẳng có gì khác hơn là một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia khác mà Mỹ vẫn quen làm. Độc ác hơn, tuyên bố tiếp tục chính sách cấm vận Cuba, Mỹ còn phủ nhận cả cái hậu quả nhãn tiền mà chính sách bao vây cấm vận đã gây ra đối đất nước Cuba.

Trong phát biểu của mình sau khi bỏ phiếu chống, bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice đã phủ nhận những đánh giá rằng lệnh bao vây, cấm vận Cuba của Mỹ đã gây ra tình trạng đói nghèo tại quốc đảo Caribe này. Thử hỏi, nếu không gây ra hậu quả gì thì sao được gọi là biện pháp “trừng phạt”, một biện pháp mà Mỹ vẫn luôn sẵn sàng sử dụng để gây sức ép với không ít quốc gia trên thế giới!

Với chính sách như vậy, Mỹ đang đi ngược lại chính những nỗ lực của mình khi trong thời gian gần đây, nhiều động thái được cho là thiện chí của Mỹ đối với Cuba đã diễn ra. Đó là, Chính quyền của Tổng thống Obama đã nới lỏng những hạn chế về tài chính và du lịch đối với người Mỹ có quan hệ họ hàng tại Cuba, và đã bắt đầu các cuộc hội đàm nhằm khôi phục liên lạc trực tiếp qua đường bưu điện. Họ đã gửi một nhà ngoại giao cấp cao tới Havana vào tháng 9 năm nay để tham gia cuộc gặp bất ngờ với các quan chức Cuba.

Kiên trì với thiện chí của mình, Cuba vẫn tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Trả lời báo chí sau cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez một lần nữa khẳng định La Havana sẵn sàng đối thoại với Washington ở bất kỳ cấp nào trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và bình đẳng. Ông cũng cho biết Cuba đang chờ ý kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama về đề xuất đàm phán trên nhiều lĩnh vực và đánh giá rằng vào thời điểm hiện tại, luận điệu chống Cuba của Mỹ đã bớt gây hấn. Ngoại trưởng Cuba nhấn mạnh nếu Mỹ có thiện chí cải thiện quan hệ với nước này, hai bên có thể tiến hành bàn thảo về hợp tác song phương.

Dư luận chung một lần nữa kêu gọi Mỹ hãy hành động phù hợp với lương tâm, thời đại và đặc biệt là tuân thủ luật pháp Quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên