Chính phủ Pháp đối mặt khả năng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm

VOV.VN - Nhiều khả năng Chính phủ của Thủ tướng Pháp Manuel Valls phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 12/5.

Tuy nhiên, nguy cơ bị bất tín nhiệm không cao, bởi cần tới 288 nghị sĩ Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm mà con số này gần như không thể đạt được.

Vì sao Luật El-Khomri vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ?

Điều khiến dự thảo Luật lao động mới, gọi là Luật El-Khomri theo tên Bộ trưởng Lao động Pháp, bị phản đối mạnh mẽ trong thời gian qua xuất phát từ việc Luật mới này bị cho là quá ưu ái giới chủ và bỏ qua nhiều quyền lợi của người lao động. Điều này gây sóng gió trên cả chính trường lẫn trong xã hội Pháp.

Trên chính trường, các đảng phái cánh tả, thậm chí là ngay cả nhiều nghị sĩ của đảng Xã hội cầm quyền, chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls khi đưa ra luật này là đã phản bội lại các đường lối và lý tưởng chính trị cánh tả.

Còn trong xã hội, các công đoàn kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối vì nếu Luật El-Khomri được thông qua, quyền lực của giới chủ sẽ được tăng lên trong khi quyền của người lao động bị thu hẹp lại.

Ví dụ: giới chủ được phép rút ngắn thời gian sa thải nhân viên nếu công ty làm ăn thua lỗ, nếu trước kia là 9 tháng đến 1 năm liên tiếp thì nay ở các công ty quy mô nhỏ, thời gian này chỉ cần 1-3 tháng. Giới chủ cũng có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ trong tuần nếu yêu cầu sản xuất đòi hỏi, chứ không bắt buộc phải thực hiện đúng luật chỉ làm 35 tiếng/tuần…

Ngoài ra là hàng loạt các thay đổi khác, như kéo dài thời gian thử việc hay trợ cấp cho lao động trẻ….

Chính vì thế nên một đặc điểm nổi bật của các cuộc biểu tình chống Luật El-Khomri tại Pháp thời gian qua là có rất nhiều thanh thiếu niên, gồm cả sinh viên và học sinh cấp 3, cũng xuống đường biểu tình.

Làn sóng biểu tình căng thẳng, thậm chí có xu hướng gia tăng bạo lực hiện nay đã buộc chính phủ Pháp tiến hành điều chỉnh hàng trăm điều so với dự thảo Luật ban đầu.

Tuy nhiên, những người biểu tình muốn toàn bộ Luật El-Khomri này bị bãi bỏ chứ không chỉ là sửa đổi.

Chính phủ Pháp kỳ vọng Luật Lao động cải thiện tỷ lệ thất nghiệp

Chính quyền của Tổng thống Francois Hollande bảo vệ đến cùng Luật El-Khomri vì nếu thất bại, tức vì sức ép của dân chúng mà rút lại luật hay mang ra bỏ phiếu trước Quốc hội mà không được thông qua, thì đó sẽ là một thảm họa chính trị đối đảng cầm quyền.

Thứ nhất, nó sẽ là biểu hiện cho thấy chính quyền bất lực và thất bại toàn diện trong mọi chính sách muốn tiến hành.

Xin nhắc lại là trước Luật El-Khomri thì từ đầu năm 2016 đến nay, chính quyền của ông Hollande đã thất bại trong 2 dự án chính trị cực kỳ quan trọng khác là việc sửa đổi Hiến pháp và luật về việc tước bỏ quốc tịch của những công dân Pháp song tịch có dính líu đến khủng bố.

Các thất bại này không chỉ chia rẽ nghiêm trọng phe đa số cánh tả trên chính trường Pháp hay nội bộ đảng Xã hội (PS) mà còn khiến uy tín của toàn bộ chính phủ xuống thấp kỷ lục, như Tổng thống Hollande chỉ được 17% tín nhiệm của dân Pháp.

Do đó, chính quyền của ông Hollande bằng mọi giá không thể một lần nữa thất bại trong dự thảo Luật được xem là lớn cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Hollande ở vào thời điểm chỉ 1 năm nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống Pháp 2017.

Vì thế, việc chính quyền ông Hollande quyết theo đuổi Luật El Khomri đến cùng trước hết là vì ưu tiên chính trị. Tất nhiên, về mặt cải cách thì Luật này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm bởi Luật El-Khomri được xem như là cởi trói cho các doanh nghiệp và giới chủ Pháp vốn phải gánh quá nhiều trách nhiệm an sinh xã hội với người lao động trên vai.

Vì thế, tuy các công đoàn lao động phản đối quyết liệt nhưng cũng có các chuyên gia kinh tế cho rằng Luật El-Khomri là một cải cách táo bạo, đau đớn nhưng cần thiết để các doanh nghiệp Pháp lấy lại sức cạnh tranh và tăng trưởng.

Theo Hiến pháp của Nền cộng hòa thứ Năm nước Pháp, khi chính phủ dùng đến điều 49.3 để thông qua một dự thảo Luật mà không cần đến việc bỏ phiếu ở Quốc hội thì các đảng phái trong Quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm. Mỗi đảng có quyền đưa ra một yêu cầu riêng của đảng mình, hoặc nếu không có thể bỏ phiếu trên yêu cầu của đảng khác.

Nếu chính phủ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm  thì sẽ phải giải tán và Tổng thống Pháp sẽ phải chỉ định một Thủ tướng mới để lập ra chính phủ mới.

Hiện nay, các đảng đối lập là đảng Những người cộng hòa (LR) và Liên minh dân chủ độc lập (UDI) đã đệ trình yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của ông Manuel Valls.

Tuy nhiên, nguy cơ chính phủ của Thủ tướng Valls phải giải tán là không lớn bởi cần ít nhất 288 nghị sĩ Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm mà con số này gần như không thể đạt được bởi cánh tả vẫn chiếm đa số và dù có bất đồng với cách điều hành của chính phủ nhưng gần như không có chuyện các nghị sĩ nổi loạn của cánh tả, gọi là các “frondeur” lại nhảy sang hàng ngũ các đảng cánh hữu đối lập để bỏ phiếu giải tán một chính phủ cánh tả.

Chính quyền của ông Hollande và Thủ tướng Valls đã tính kỹ đến điều này nên mới sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp. Cũng xin nhắc lại rằng, việc dùng điều 49.3 là rất thông dụng trong các đời chính phủ Pháp. Từ năm 1958 đến nay đã có trên 80 lần điều khoản này được sử dụng, riêng chính phủ của Thủ tướng Valls cũng đã dùng 4 lần và đều không bị bất tín nhiệm.

Tất nhiên, trong trường hợp bất ngờ quá lớn xảy ra thì chính phủ của Thủ tướng Valls sẽ phải giải tán và Luật El-Khomri cũng coi như bị khai tử.

Cần có thời gian để kiểm nghiệm

Hầu như tất cả các nhà phân tích kinh tế đều có chung nhận định rằng để một chính sách mới phát huy tác dụng thì thường phải mất nhiều tháng, thậm chí một vài năm. Vì thế, chưa thể nói là mọi chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Hollande đều thất bại.

Minh chứng rõ nhất là theo con số thống kê mới nhất của tháng 3/2016 thì tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã giảm ở mức mạnh nhất trong nhiều năm qua. Điều này chứng tỏ một vài chính sách đã phát huy tác dụng.

Trước luật El-Khomri thì chính phủ Pháp cũng đã rất vất vả để bảo vệ và cũng đã phải dùng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật Macron để nới lỏng quy định về các hoạt động thương mại, như được phép bán hàng ngày Chủ nhật, đóng cửa muộn tại các khu du lịch…

Vì thế, bức tranh lao động tại Pháp không phải là hoàn toàn xám xịt. Tỷ lệ thất nghiệp 10% có cao hơn mức trung bình ở châu Âu nhưng chưa phải thảm họa và một khi tăng trưởng đang dần quay trở lại, các hoạt động kinh doanh được nới lỏng và các công ty được gỡ bỏ nhiều trách nhiệm xã hội thì khả năng biểu đồ thất nghiệp tại Pháp sẽ đi xuống. Điều này cần có thời gian để kiểm nghiệm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính phủ Pháp gánh nhiều chỉ trích tại Hội chợ Nông nghiệp 2016
Chính phủ Pháp gánh nhiều chỉ trích tại Hội chợ Nông nghiệp 2016

VOV.VN - Hội chợ năm nay diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi các nhà lãnh đạo chính phủ Pháp tới thăm hội chợ phải gánh chịu nhiều sự chỉ trích.

Chính phủ Pháp gánh nhiều chỉ trích tại Hội chợ Nông nghiệp 2016

Chính phủ Pháp gánh nhiều chỉ trích tại Hội chợ Nông nghiệp 2016

VOV.VN - Hội chợ năm nay diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi các nhà lãnh đạo chính phủ Pháp tới thăm hội chợ phải gánh chịu nhiều sự chỉ trích.

Chính phủ Pháp đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp
Chính phủ Pháp đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp

VOV.VN - Chính phủ Pháp đề xuất giới hạn việc mở rộng tình trạng khẩn cấp được áp dụng tối đa trong 4 tháng, bởi mối đe dọa khủng bố vẫn đang hiện hữu.

Chính phủ Pháp đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Pháp đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp

VOV.VN - Chính phủ Pháp đề xuất giới hạn việc mở rộng tình trạng khẩn cấp được áp dụng tối đa trong 4 tháng, bởi mối đe dọa khủng bố vẫn đang hiện hữu.

Chính phủ Pháp cải tổ nhằm vực dậy uy tín
Chính phủ Pháp cải tổ nhằm vực dậy uy tín

VOV.VN - Chính quyền của Tổng thống Pháp F. Hollande thực hiện một loạt thay đổi quan trọng trong nội các 

Chính phủ Pháp cải tổ nhằm vực dậy uy tín

Chính phủ Pháp cải tổ nhằm vực dậy uy tín

VOV.VN - Chính quyền của Tổng thống Pháp F. Hollande thực hiện một loạt thay đổi quan trọng trong nội các