Vì sao vẫn còn nhiều án dân sự tồn đọng kéo dài?

VOV.VN - Để có bước chuyển biến mạnh mẽ tích cực hơn trong công tác thi hành án dân sự, ngành thi hành án dân sự cần đề ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn. 

Năm 2015, ngành thi hành án dân sự đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương, triển khai đồng bộ các mặt công tác, do đó công tác thi hành án dân sự đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch công tác do Quốc hội, Chính phủ giao. Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

Ông Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết: Năm 2015, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân địa phương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tập trung tổ chức thi hành án ngay từ những tháng đầu năm; tổ chức các đợt cao điểm về thi hành án; tăng cường sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương; tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với những địa bàn có nhiều án hoặc còn nhiều hạn chế, yếu kém. 

Phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan, tập trung giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng…

Ông Nguyễn Thanh Thủy (Ảnh: Bộ Tư pháp)

“Kết quả công tác năm 2015 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội và chính phủ giao về số việc và số tiền. Các chỉ tiêu định tính khác như công tác phân loại án đảm bảo chính xác, ra các quyết định thi hành án đảm bảo chính xác kịp thời. Cơ bản đã khắc phục được tình trạng vi phạm trong thi hành án”, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết.

Bên cạnh xây dựng, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, tăng cường kỷ luật lỷ cương trong công tác thi hành án, ở nhiều địa phương, cơ quan đã chủ động ký kết các quy chế phối hợp với các ngành có liên quan đến hoạt động thi hành án, đồng thời mở rộng thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự với sự tham gia của các ngành nội chính, tài chính, ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội....

Theo ông Lê Xuân Tùng - Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Thi hành án dân sự Hà Tĩnh thì khi có sự tham gia của nhiều ban ngành vào Ban chỉ đạo thi hành án sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác thi hành án dân sự.

Dù đã có nhiều cố gắng, những cách làm mới mang lại hiệu quả tốt hơn trong công tác thi hành án. Tuy vậy, sự chuyển biến đó là chưa đủ và chưa bền vững. Tỷ lệ án phải chuyển sang kỳ sau vẫn cao, án tồn đọng kéo dài vẫn nhiều.

Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Tiến Đức - Phó Vụ Trưởng Vụ theo dõi, chỉ đạo kiểm tra thi hành phần dân sự trong án hình sự - Tổng Cục Thi hành án cho rằng: Án tồn đọng lớn tập trung chủ yếu rơi vào phần dân sự trong bản án hình sự. Nhiều vụ án hình sự bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ dân sự rất lớn nhưng thực tế tài sản của họ không thể đảm bảo thi hành. Một số vụ án khi điều tra xử lý ban đầu các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc kê biên các loại tài sản để đảm bảo thi hành án...

“Lượng án tồn đọng trong toà ngành Thi hành án dân sự hiện nay chủ yếu là Dân sự trong Hình sự...Người ta đang ở trại giam, hoặc ra trại rồi nhưng đi đâu khổng rõ thì không thể thi hành được... Rồi có vụ hình sự mà Toà tuyên số tiền phải thi hành hàng trăm, hàng nghìn tỷ...khó mà có thể thi hành được. Mặt khác rất nhiều tài sản đưa ra bán đấu giá để bảo đảm thi hành án hiện nay rất khó vì các quy định về bán đấu giá còn quá khắt khe, phiền hà”, ông Vũ Tiến Đức nói.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như số lượng án nhiều, chấp hành viên ít, một số đối tượng không có tài sản thi hành án, bản án tuyên chưa rõ, việc xử lý tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn thì phải thẳng thắn nhìn nhận có nhiều nguyên nhân chủ quan từ cán bộ, cơ quan thi hành án. Thực tế cho thấy nhiều nơi cán bộ chấp hành viên trình độ chuyên môn nghiệp vụ kém, dẫn đến vi phạm ở nhiều khâu trong quá trình thi hành án dân sự.

Ông Võ Văn Tuấn, Cục Trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai thẳng thắn chỉ rõ: “Vẫn còn tình trạng không nắm vững các quy dịnh của pháp luật về thi hành án dân sự nên trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết thì có nhiều sai phạm, tập trung ở các nội dung như vi phạm tống đạt giấy tờ thi hành án, vi phạm trong kê biên định giá, vi phạm trong tổ chức bán đấu giá tài sản, không kịp thời giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua, nhiều trường hợp vi phạm về trình tự thủ tục thi hành án”.

Không chỉ do non kém nghiêp vụ mà xuất hiện ngày càng nhiều cán bộ, chấp hành viên vi phạm về đạo đức, vi phạm kỷ luật công tác và pháp luật của nhà nước vì những lý do và mục đích khác nhau, trong đó không loại trừ vì tiêu cực tham nhũng. Điều đó thể hiện rõ số lượng cán bộ, chấp hành viên (trong đó có cả cán bộ quản lý lãnh đạo cơ quan thi hành án) các cấp bị xử lý kỷ luật và xử lý bằng hình sự tăng cao hơn năm trước.

Để có bước chuyển biến mạnh mẽ tích cực hơn trong công tác thi hành án dân sự, ngành thi hành án dân sự cần đề ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động chuyên môn, đồng thời cần đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự, kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân có biểu hiện tiêu cực trong thi hành án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên