Bỏ tử hình tội tham nhũng sẽ làm suy giảm niềm tin vào pháp luật

VOV.VN - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng nếu bỏ án tử hình tội tham nhũng, dư luận nhân dân sẽ không đồng tình và không tin vào pháp luật nữa.

Cho ý kiến về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tập trung góp ý 2 vấn đề chính là nên bỏ hình phạt tử hình đối với những tội danh nào và có hay không quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân? Mặc dù đồng thuận với quan điểm hạn chế khung hình phạt tử hình nhưng đa số ý kiến đề nghị cần phải cân nhắc kỹ lưỡng với các tội danh này.

Nghe nội dung bài viết:

Bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm thể hiện tính nhân văn, bởi mục đích cuối cùng của xử lý hình sự đối với tội phạm này không phải là trừng trị mà là giáo dục cho người phạm tội quay lại con đường lương thiện và phòng ngừa tội phạm.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, bao gồm cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh, đồng thời, dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Ảnh: N.T)

Ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng đề nghị cần cân nhắc kỹ quy định này trong điều kiện tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay: “Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự là chúng ta phải đấu tranh trấn áp tội phạm. Hiện nay, tội phạm hết sức manh động. Một số vụ án vừa qua đều giết 4-5 người cả. Nếu chúng ta bỏ 1 số loại tội trong 7/22 tội là hơi nhiều và cũng cần phải có giới hạn vấn đề này, cần có sự cân nhắc. Nếu chúng ta không trấn áp tội phạm để mà răn đe thì trong tương lai tội phạm sẽ phát triển”.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), dư luận nhân dân sẽ không đồng tình nếu dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi loại bỏ tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy, tham nhũng ra khỏi hình phạt tử hình.

“Có những hành vi tham nhũng làm cho nền kinh tế chúng ta chao đảo, xã hội chúng ta hoang mang ghê gớm. Chúng ta phải tốn bao nhiêu công sức, tiền của mới phá được án đó mà lại bỏ qua thì tôi thấy là người dân sẽ không tin vào pháp luật và tin vào Nhà nước nữa. Do đó, tôi nghĩ là vẫn phải để lại một số loại tội ở mức độ nghiêm trọng”, bà Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh: VTC News)

Trước nhiều ý kiến đề nghị giữ lại hình phạt tử hình với 7 loại phạm tội thì một số ý kiến lại đồng tình với dự thảo vì cho rằng điều này phù hợp với tình hình mới. Bộ luật Hình sự năm 1985 đến Bộ luật Hình sự năm 1999 khi kinh tế chuyển từ bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, tội phạm đã có sự chuyển đổi về khách thể xâm hại. Ví dụ trước đây, nhiều công trình, phương tiện đều thuộc sở hữu Nhà nước thì phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, nhưng hiện nay thuộc nhiều sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhau mà về nguyên tắc phải được bảo vệ như nhau theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Việc bỏ hình phạt tử hình đối với những tội này không làm cho cơ quan pháp luật hạn chế trong việc xử lý đối với người phạm tội. Thực tế đã cho thấy qua tổng kết 10 năm trở lại đây, các tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội thuộc nhóm 7 loại tội phạm này. Do vậy, xét thấy hình phạt tù chung thân đối với loại tội phạm này là đủ nghiêm khắc nên cần bỏ hình phạt tử hình để phù hợp với hình thái kinh tế xã hội nước ta hiện nay và việc xử lý đối với tội phạm này đạt hiệu quả.

Về quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay vi phạm pháp luật của các pháp nhân ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi, nghiêm trọng. Nếu chỉ xử phạt về hành chính sẽ không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và không đủ sức răn đe. Thực tiễn cho thấy, biện pháp xử phạt về hành chính cũng có những hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc phát hiện, điều tra xử lý vi phạm của pháp nhân.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng nêu ý kiến: “Theo tôi, vi phạm trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã được quy định các tội cụ thể ở điều 76. Chỉ có quy định như vậy mới giảm được tác hại xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội. Như tội mua bán người, mua bán trẻ em, tội trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và tội về an toàn vệ sinh lao động. Đó là những tội mới và cần các pháp nhân phải chịu trách nhiệm”.

Mục đích cuối cùng của Bộ luật hình sự sửa đổi là đấu tranh ngăn ngừa tội phạm nên những quy định cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được mong muốn. Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội tiếp tục được ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên