Cuối năm bắt giữ nhiều vụ buôn bán hàng giả

Với những lô hàng bị kiểm tra, đa số chủ các cửa hiệu nói trên đều không xuất trình được hoá đơn, chứng từ lô hàng của mình.

Những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra tại một số cửa hiệu kính mắt trên địa bàn và phát hiện nhiều cơ sở dùng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Với nhiều chiêu thức như treo băng rôn quảng bá mua đồ thật với giá rẻ hay giảm giá từ 50 - 70% cùng nhiều phần quà hấp dẫn để lôi kéo khách hàng, nhưng lại bán toàn đồ giả. Sau khi tổ chức kiểm tra các cửa hiệu mắt kính trên địa bàn thành phố Chi cục quản lý Thị trường TP HCM đã phát hiện, lập biên bản, thu giữ hàng nghìn mắt kính, gọng kính nhái những thương hiệu kính nổi tiếng trên thế giới.

Những cửa hàng mắt kính bán hàng giả bị phát hiện đó là: Cửa hàng mắt kính Á Châu, số 699 Trần Hưng Đạo, quận 5; Việt Pháp, số 785 Trần Hưng Đạo, quận 5; Tân Tiến, số 84 Cách Mạng Tháng 8, quận 3; cửa hàng 305 Điện Biên Phủ, quận 3; cửa hàng mắt kính Điện Biên Phủ, số 182 đường Thạch Lam, quận Tân Phú.

Tại sạp Minh Đẹt, chợ Kim Biên, quận 5, Chi cục quản lý thị trường TP cũng đã thu giữ 412 kính mát gọng kim loại nhãn hiệu Rayban, 247 kính mát gọng nhựa hiệu Rayban, 13 gọng kính kim loai hiệu Charmant và hàng trăm kính mát gọng nhựa, kim loại, trong đó có những thương hiệu mắt kính của Công ty Luxottica, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, do Trung Quốc sản xuất. Với những lô hàng bị kiểm tra, đa số chủ các cửa hiệu nói trên đều không xuất trình được hoá đơn, chứng từ lô hàng của mình.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, toàn bộ số hàng nói trên hầu hết đều là hàng do Trung Quốc sản xuất. Ước tính trị giá lô hàng thu giữ có giá trị hàng trăm triệu đồng. Chủ cửa hàng mắt kính Tân Tiến - đường CMT8, Q.3 thừa nhận: Khi mua hàng này giá thấp hơn các hàng xịn khác nhưng đem bán cho khách đôi khi lên đến vài triệu đồng.

Theo Ông Lê Xuân Đài- Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM thì đây là hành vi lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, tổn hại cho nền kình tế và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Mặt khác các cửa hiệu này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng, vi phạm những cam kết quốc tế trong việc tham gia WTO của Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn về mặt uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực thương trường đối với thế giới. Thời gian tới, Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm tra thị trường hàng hoá này trong địa bàn thành phố. (Ngọc Lan)

* Hà Nội: Một tháng phát hiện 473 vụ kinh doanh sai phạm

Tính đến ngày 16/12, sau hơn một tháng kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết Nguyên đán, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 473 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm… thu nộp ngân sách trên 4 tỷ đồng.

Nội dung kiểm tra chủ yếu nhắm vào những phố chuyên doanh lớn như: Hàng Hành, Nguyễn Siêu, Nguyễn Khuyến, Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, Phùng Khắc Khoan… Các mặt hàng được chú ý kiểm tra là pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân ách trẻ em, thuốc lá điếu, vải sợi, may mặc, rượu ngoại, điện tử điện lạnh, điện thoại di động, máy tính và linh kiện…

Đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác kiểm tra việc thực hiện VSATTP, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung chủ yếu ở các làng nghề sản xuất bánh kẹo tại Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm), La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức), sản xuất may mặc tại Cổ Nhuế (Từ Liêm)…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên