Người Trưởng thôn hoàn lương được dân yêu mến

VOV.VN -Ở Phù Khê Thượng có một con đường gắn biển “Nhân dân thôn Thượng ghi nhận công lao Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng”.

Làng Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vốn giàu truyền thống cách mạng. Từ thời mở cửa kinh tế, làng trở nên nổi tiếng với nghề buôn gỗ. Con người xứ Kinh Bắc vốn nho nhã, lịch thiệp, cùng với đức tính nhanh nhẹn, mến khách nên công việc kinh doanh ở đây rất phát đạt.

Gọi là làng, nhưng Phù Khê Thượng giống như một đô thị nhỏ với những con đường khang trang, sạch đẹp; công viên, hồ nước thoáng đáng; chùa Hồng Ân uy nghiêm giữa khu đô thị mới. Khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí cả từ Trung Quốc đổ về kinh doanh buôn bán. Việc làm ăn của dân làng nhộn nhịp, phát đạt là thế nhưng không xô bồ, nhốn nháo, bởi người dân ở đây vốn dĩ trung thực và đặc biệt nể cái uy của Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng. 

Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng

60 tuổi thành lập công ty riêng, gần 10 năm làm Trưởng thôn; trước đó đã có “thâm niên” 23 năm “ăn cơm tù, mặc áo số” Đó là nét chấm phá về người Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng…

Tuổi xuân dành trọn cho… nhà tù

18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người với bao ấp ủ cho tương lai, chàng thanh niên trường Trung cấp sư phạm Hà Bắc Nguyễn Thành Hưng đã vướng vào vòng lao lý, với bản án 18 tháng tù cho tội trộm cắp. Suốt hơn 20 năm sau đó, “ngựa quen đường cũ” Nguyễn Thành Hưng hai lần nữa phải trở lại bóc lịch phía sau song sắt nhà tù. Hưng “sóc” là biệt danh của ông, bởi ông nhanh nhẹn, hoạt bát, nhưng tiếc rằng nó không đặt đúng chỗ, nên con sóc đó vẫn bị bắt giam trong lồng.

Hoàn lương trở về, tuổi đã ngũ tuần, trên đầu hai thứ tóc với hai bàn tay trắng và bộ hồ sơ nhuốm màu chàm, lúc này, Hưng “sóc” như bừng tỉnh và hạ quyết tâm làm lại cuộc đời.

“Đồng nghiệp” cũ lại tìm đến rủ rê, nhưng Hưng “sóc” nhất quyết từ chối, ông nói với họ rằng: “Ở đời cái quan trọng nhất là danh dự. Dù có tiền, anh cũng không mua được. Mà mất danh dự rồi thì không thể ngẩng đầu lên được”. Lúc đó, ông chỉ ước ao có một mái ấm gia đình với những đứa con, rồi yên ổn làm ăn, không va chạm nhiều nữa, bởi dân làng còn nhiều định kiến, bản thân ông còn mặc cảm nặng nề. 

Trường thôn Nguyễn Thành Hưng thăm hỏi bà con tại chợ gỗ

Năm 1995, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Hà, một “liền chị” quan họ cùng thôn. Thấy ông chịu khó, quyết tâm hoàn lương, một “đàn em” giờ chuyển sang kinh doanh gỗ, đã cho ông ứng số hàng hóa có giá trị 100 triệu đồng để ông kinh doanh, được thì coi như ông có cổ phần, thua thì coi như “biếu” ông. Nguyễn Thành Hưng không ngờ rằng, việc kinh doanh thuận chèo, mát mái từ đó.

Năm 1973, Nguyễn Thành Hưng bị TAND quận Hoàn Kiếm - Hà Nội xử 18 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản. Hai năm sau khi ra tù, Hưng "Sóc" lại sa lưới pháp luật vẫn vì tội trộm cắp tài sản, lần này Hưng bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm tù. Ra tù lần thứ hai, Nguyễn Thành Hưng lại bị bắt và bị kết án 10 năm tù cũng về tội trộm cắp tài sản.

Có lẽ do ông “mát tay” nên anh em họ hàng, người trong thôn đến gửi “ké” ông hàng để quảng bá sản phẩm. Ông nói: “Tôi sẽ giúp các vị, nhưng phải là gỗ thật, không được bán đắt, lấy lãi ít thôi, làm ăn gian dối là mất uy tín lắm”. Khách hàng sau đó rỉ tai nhau tìm đến ông Hưng để lấy hàng. Rồi ông mở xưởng làm gỗ mỹ nghệ. Thợ có tay nghề giỏi trong vùng tìm đến ông bởi họ biết, đến với ông Hưng là làm thật, ăn thật, có kinh tế thật và phần cũng vì cái tài từng trải, lăn lộn của ông.

“Nể dân làng mà làm Trưởng thôn”

Ba khóa làm Trưởng thôn, khóa một là hơn 70% số phiếu, khóa thứ hai là 89% và khóa thứ ba tới 99%. Ông nói rằng, ông muốn tập trung lo cho gia đình, vợ con, nhưng dân làng nhất quyết “bắt” ông ra tranh cử, nể quá ông gật đầu. Ngày bỏ phiếu, có người tới nhà rỉ tai ông “ông không đi vận động à”. Ông cười xòa: “Nếu không được, tôi phải xem lại mình vì sao dân không tin; còn nếu trúng cử, tôi cũng phải xem lại mình để phấn đấu sao cho xứng với niềm tin của dân làng.

Vậy là ông bén duyên với cái nghề “vác tù và hàng tổng” từ năm 2004. Ông bảo “nghề” Trưởng thôn, không giống quản lý vĩ mô “như các bác ở trên”. Là người đứng đầu thôn, mà trong thôn có đủ các thành phần, từ cục trưởng, đại tá công an, bộ đội, giáo sư, tiến sỹ nghỉ hưu; rồi mấy anh hay đánh vợ, những tay đánh bài, mấy chị đi buôn chuyện… “Thượng vàng, hạ cám” đều có cả.

Ông Hưng có cách làm Trưởng thôn chẳng giống ai. Ông không giở sách chỉ cho bà con phải làm theo “điểm a, điểm b” nào đó, mà dựa vào ý nguyện của dân. Mọi thứ ông đều họp dân lại xin ý kiến bà con rất dân chủ, khi nào thống nhất “lòng dân ý Đảng” hợp nhất thì mới bắt tay vào làm; mà đã làm là công khai, minh bạch, làm cho dân chứ chẳng cho riêng ai. 

Hình ảnh bên ngoài chùa Hồng Ân

Việc đầu tiên ông làm trên cương vị Trưởng thôn là tháo bỏ barie đầu làng, bởi nếu cứ “bế quan tỏa cảng” như thế không khác gì tự cô lập mình. Ông vận động bà con hiến đất làm sân bóng cho thanh thiếu niên rèn luyện sức khỏe, tránh xa tệ nạn; xây nhà văn hóa thôn, bê tông hóa toàn bộ đường xá. Thế nên ở Phù Khê Thượng có một con đường gắn biển “Nhân dân thôn Thượng ghi nhận công lao Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng”. Bà con nói vui rằng, khi nào ông Hưng qua đời sẽ lấy tên ông đặt cho con đường để ông sống mãi với dân làng.

Không chỉ có vậy, với suy nghĩ muốn giúp người làng phát triển, nhân dân có đất mở mang kinh doanh, ông quyết định bỏ tiền túi xây chợ. Có lẽ chẳng ai làm được như ông, khi cùng bà con thu hồi, giải phóng mặt bằng gần 10ha đất mà chỉ trong 3 ngày. Khu chợ gỗ sau đó được dựng lên, tạo công ăn việc làm cho cả ngàn lao động trong thôn và khu vực lân cận, thu về cho ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Khảo sát một vòng quanh chợ, cảm nhận được ngay sự mến mộ của bà con dành cho Trưởng thôn. Chị Nguyễn Thị Hoa, một thiểu thương kinh doanh gỗ đã 10 năm nói rằng: “Ông Hưng là chỗ dựa vững chắc cho bà con. Mỗi gian hàng có trị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, nhưng ai cũng yên tâm không lo mất mát, đêm đến không cần cất giữ, trông coi mà cứ để gọn đó. Còn chuyện ông Hưng làm Trưởng thôn, đó là ý nguyện của nhân dân, ông Hưng còn sức khỏe, chúng tôi vẫn nhất quyết bầu ông ý làm”.

Cách “chợ gỗ ông Hưng” không xa là chùa Hồng Ân, được khánh thành năm 2006 với kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng, do Trưởng thôn góp kinh phí và kêu gọi tài trợ. Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng được bà con tín nhiệm cử ông đứng ra giám sát thi công. Khi hoàn thành đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các lãnh đạo cấp cao về thăm, biểu dương thành tích của dân làng Phù Khê Thượng và cá nhân vị Trưởng thôn…

Ông Đỗ Qúy, cán bộ nghỉ hưu ở thôn Phù Khê Thượng, dành cho vị Trưởng thôn của mình những câu thơ: “Bao năm giữ chức Trưởng thôn/Qua nhiều sóng gió chẳng màng khó khăn/Tháng ngày chỉ một băn khoăn/Cố sao phục vụ nhân dân thật nhiều/Ngôi chùa bề thế đáng yêu/Khu nhà văn hóa mỹ miều khang trang/Đường làng sạch đẹp thênh thang/Chợ phiên, chợ gỗ rộn ràng bán mua…”.

Là doanh nhân khi… 60 tuổi

Đầu năm 2013, khi đã lục tuần, ông Hưng mới thành lập Công ty mang tên mình với gần 30 lao động là con em người địa phương. Gần 10 năm làm Trưởng thôn, ông đi “vác tù và” mà quên lo “phát triển sự nghiệp”. Song, thứ lớn nhất ông nhận được đó tình cảm người dân dành cho mình, mà như ông nói, có tiền của như núi cũng không mua được. Mùa Xuân 2013, ông được nhân dân bầu là cá nhân tiêu biểu, được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong buổi gặp gỡ cá nhân tiêu biểu ba miền, ông cũng được tôn vinh là Nhân tố thời đại Hồ Chí Minh…

Khi được hỏi, điều ông chiêm nghiệm được sau quãng đời chìm nổi, cũng như chuỗi thời gian gắn bó với dân làng? Rít điếu thuốc lào rồi nhả khói lên trời, Trưởng thôn – Giám đốc Nguyễn Thành Hưng trầm ngâm: “Phù Khê Thượng có được như ngày hôm nay, trong sâu thẳm, tôi phải cảm ơn dân làng. Làng xóm đổi thay có đóng góp mồ hôi, nước mắt, tiền của của dân. Những điều đó đã mang lại lợi ích cho mỗi người dân nơi đây. Dân làng Phù Khê Thượng giờ như anh em một nhà, ai cũng nhà cao cửa rộng, ra đường vui vẻ; mình đi đâu cũng được dân tin yêu, ủng hộ”.

Ông nói rằng, đã làm “cán bộ” nói chung, Trưởng thôn nói riêng, thì dù làm một ngày cũng phải để dân mến yêu, tôn trọng. Đừng làm khổ dân mà khổ cả mình, gia đình mình. Ai đó cứ lao tâm khổ tứ đi tìm tiền sẽ rất vất vả, nhưng khi biết cách làm ăn, chính đáng, thì tiền ắt sẽ tìm đến với mình!./. 

Ông Ngô Gia Dậu, 69 tuổi, người làng Phù Khê Thượng: Mỗi nhiệm kỳ làm Trưởng thôn, ông Hưng đều để lại những dấu ấn quan trọng với thôn, nhất là những công trình phúc lợi. Đầu tiên phải kể đến hệ thống đường xá liên thôn, chợ, nhà văn hóa… đặc biệt công trình chùa Hồng Ân. Trước đây, Phù Khê Thượng cũng có chùa, nhưng bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh. Năm 2006, ông Hưng cùng bà con quyết tâm xây dựng lại chùa. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn khoảng 7 – 8 tỷ đồng từ trong dân là rất khó khăn, vì thế ngoài dân đóng góp, ông Hưng đã bỏ tiền túi cũng như vay anh em bạn bè để xây chùa. Trong thôn, từ già đến trẻ ai cũng quý ông Hưng vì những đóng góp cho dân làng.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gặp người “phóng viên phường” tuổi thất thập
Gặp người “phóng viên phường” tuổi thất thập

VOV.VN -Hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Hữu vẫn miệt mài gắn bó với công tác truyền thanh phường Tứ Liên (Hà Nội).

Gặp người “phóng viên phường” tuổi thất thập

Gặp người “phóng viên phường” tuổi thất thập

VOV.VN -Hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Hữu vẫn miệt mài gắn bó với công tác truyền thanh phường Tứ Liên (Hà Nội).

Gìn giữ tiếng Việt trên đất nước Chùa Vàng
Gìn giữ tiếng Việt trên đất nước Chùa Vàng

Giảng viên tiếng Việt Lê Quốc Vi đã cởi mở chia sẻ về công tác dạy học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Gìn giữ tiếng Việt trên đất nước Chùa Vàng

Gìn giữ tiếng Việt trên đất nước Chùa Vàng

Giảng viên tiếng Việt Lê Quốc Vi đã cởi mở chia sẻ về công tác dạy học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng
Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng

(VOV) - 24 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên đảo Lý Sơn, thầy Trần Ngọc Bích đã thực sự là người con ưu tú của đảo.

Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng

Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng

(VOV) - 24 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên đảo Lý Sơn, thầy Trần Ngọc Bích đã thực sự là người con ưu tú của đảo.