Doanh nhân kiều bào chung tay xây dựng đất nước

Trao đổi với Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình nhân ngày Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Cách đây 10 năm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/0 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhân dịp này, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình.

PV: Với cương vị lãnh đạo Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông có thể cho biết vài nét về tình hình hoạt động kinh doanh của bà con Việt kiều hiện nay?


Chủ tịch Nguyễn Phú Bình: Trước tiên phải khẳng định và ghi nhận rằng bà con Việt kiều ta ở đâu, lúc nào cũng rất chịu khó làm ăn và luôn hướng về Tổ quốc. Hiện đa số bà con ta ở các nước Nga và Đông Âu như Séc, Đức, Ba-Lan… tuy mới nhưng có nhiều tiềm lực kinh tế mạnh. Ở một số nước phát triển khác, bà con chú trọng đầu tư về nước các dự án công nghệ cao hoặc tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu…

Họ có những thế mạnh gì, thưa ông?

- Kiều bào ta có thế mạnh rất am hiểu thị trường và nhu cầu thị trường, cơ hội kinh doanh và nhất là luật pháp nước sở tại và trong nước. Trên cơ sở đó, họ tham gia rất nhiều vào các hợp đồng song phương và đa phương giữa nước ta với nhiều nước trên thế giới. Đây là những thế mạnh có tính chất tiềm năng trong bối cảnh nước ta đang có những động thái mở rộng quan hệ với các nước cả về chiều rộng và chiều sâu và mang tính chiến lược, nhất là trước thềm triển vọng xây dựng được khối cộng đồng ASEAN và hợp tác toàn diện với Mỹ theo phương thức TPP sắp tới vào năm 2015.

Ông có thể cho biết về sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với nước ta?
- Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, mỗi năm lượng kiều hối chuyển về nước khoảng trên dưới 10 tỷ USD. Cho đến nay, có khoảng 3.600 dự án của bà con ta đầu tư về nước với tổng số vốn khoảng 8,4 tỷ USD. Bà con còn đóng góp nhiều hoạt động khác trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội mà giá trị của nó không có gì có thể cân, đong, đo, đếm được.

Theo ông, hiện Kiều bào ta nói chung, các doanh nhân nói riêng đang mong muốn điều gì nhất?

- Theo tôi được biết, họ đang lo ngại về thời điểm hết hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài, mà Luật Quốc tịch của chúng ta đã ấn định vào ngày 1-7-2014. Mặc dù về lý, khi đã ra nước ngoài sinh sống mà mang quốc tịch nước khác thì kiều bào ta là người nước ngoài, nhưng về tình, họ còn nhiều quan hệ "dây mơ rễ má” với người Việt Nam ở trong nước mà vấn đề quốc tịch không ảnh hưởng gì đến tình cảm của họ. Thực tế không thể phân biệt trong 10 tỷ USD kiều hối mỗi năm của kiều bào ta được chuyển về nước đâu là của ai, người có hay không có quốc tịch Việt Nam. Cho nên, tôi nghĩ chúng ta không nên đặt ra hạn đăng ký nói trên. Ngoài ra, bà con rất băn khoăn về vấn đề mua nhà trong nước. Đảng và Nhà nước đã có chính sách cho phép và tạo điều kiện cho kiều bào ta mua nhà trong nước, nhưng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Số Việt kiều mua được nhà vẫn còn quá ít trong khi vẫn còn không ít những thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà và sách nhiễu. Mong muốn của bà con là có được một môi trường đầu tư trong nước ngày một hoàn thiện, lành mạnh, ổn định và minh bạch hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên