Bị cá mập đớp mất 1 chân, vẫn không rời nghề biển

(VOV) - Giờ đây ông Đinh Văn Đề là một ngư phủ tài tình vào loại bậc nhất trong huyện

Câu chuyện “cổ tích” ngay giữa đời thường về một con người đầy nghị lực vượt qua những thiệt thòi của số phận có được thành công trong cuộc sống. Nhân vật được nhắc đến chính là ngư dân Đinh Văn Đề, xấp xỉ tuổi 60, ở làng chài thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc sống đời thường của một ngư dân

Sinh ra trong gia đình vùng biển nên ông Đề cũng theo nghiệp chài lưới. Cũng như bao người khác cuộc sống gắn liền với sóng gió của biển khơi, ông phụ việc trên các ghe đánh cá lớn. Rồi lấy vợ sinh con gây dựng tổ ấm gia đình.  “Một ngày tôi có thể quên ăn cơm uống nước nhưng tôi lại không thể quên đắm mình vào biển cả”- Lời bộc bạch chân thành của ông Đề: Trên đất liền có hai mùa mưa nắng thì biển khơi cũng có 2 mùa dữ dội và bình yên. Những ngày sóng yên, biển lặng, ông Đề  theo ghe lớn ra khơi đánh bắt, tới mùa biển động ông lại tự mình đánh bắt ven bờ. Năm 43 tuổi, cũng vào mùa biển động, buổi chiều kiếm cá định mệnh kéo theo…

Giông tố cuộc đời ập đến…

Buổi chiều mưa hôm ấy, ông Đề vác mảnh lưới “hai” của mình đi, ông tiến thẳng hướng cửa biển vì theo kinh nghiệm chỗ đó nhiều cá nhất lúc biển động. Vừa thả lưới chưa kịp kéo mẻ lưới nào thì bất ngờ ông bị cá mập tấn công. Vật lộn với thủy quái, cuối cùng ông cũng thoát được, nhưng thân thể không còn nguyên vẹn. Tai nạn đã cướp mất chân phải của ông.

Sau khi bị cá mập tấn công, ông được bà con, người thân đưa đi viện cấp cứu, gia đình sáu miệng ăn bất ngờ mất đi lao động chính nên rơi vào tình cảnh khó khăn. Thêm vào đó, việc chạy chữa cho ông cũng cần một khoản tiền lớn. Từ chỗ là lao động chính trong gia đình nay lại trở thành gánh nặng cho vợ con, ông cảm thấy mặc cảm và tủi thân. “Hồi đó nhà tôi thực sự rơi vào bế tắc, tôi thì suy sụp hoàn toàn, nhìn cảnh vợ con vì mình phải oằn lưng gánh vác mọi việc, cuộc sống gia đình chao đảo. Nhìn vợ ốm yếu, vất vả rất thương nhưng không làm gì được khiến tim tôi đau thắt lại”- ông Đề tâm sự.

Trở về với biển

Sau bao nỗ lực chạy chữa cuối cùng vết thương của ông Đề cũng liền da nhưng di chứng nặng nề vẫn ngày đêm hành hạ ông bằng những trận đau nhức dữ dội. Những buổi chiều nhìn theo ghe thuyền ra biển lòng người đàn ông ấy lại quặn thắt. Một đời yêu biển, gắn liền với sóng gió, thân thuộc với những mẻ cá đầy, chỉ cần ra đến biển là thông thạo hướng gió, dòng chảy của nước, hướng bơi của cá, thế mà giờ đây chỉ còn lại một tấm thân tàn phế ở nhà ăn bám vợ con. Tủi thân, đau đớn cho số phận của mình, ông Đề dường như đã hoàn toàn suy sụp.

Nhưng trong nỗi tuyệt vọng ấy, chính tình yêu biển mãnh liệt đã khiến ông quyết tâm về lại với nơi đã nuôi lớn và bồi đắp cho ông, là biển cả bao la. Nhìn về phía biển, những con sóng bạc đầu đuổi nhau ập vào bờ, ông Đề tự ý thức lại bản thân, nhận thấy mình phải thay đổi, phải làm lại không chỉ vì bản thân mà còn vì cả gia đình nữa.

Chiếc chân phải được thế chỗ bằng một cây nạng. Ông bắt đầu tìm ra biển tập đi nạng trên nền cát lún, cứ ngã lên ngã xuống nhưng nghị lực đã vực ông đứng dậy. Có ý chí ắt sẽ thành công, cuối cùng ông cũng đi lại được trên bờ, tiếp tục ông lại ra bờ biển tập lội dưới nước, tập bơi bằng một chân. “Đó là những tháng ngày khó khăn nhất, nhưng tôi thấy vui vì đã tìm lại được chính mình”- ông Đề tự hào.

Sau khi đi và bơi thuần thục bằng một chân, ông quyết định xin lên ghe để ra khơi đánh cá. Thoạt đầu nhiều chủ ghe ái ngại cho khiếm khuyết cơ thể của ông nên hầu hết đều từ chối.  Họ cho rằng người lành lặn đi biển đã khó huống hồ một người tàn phế như ông. Ông vẫn không nhụt chí và rất may có người đã cảm thông cho số phận của ông và chấp nhận để ông ra khơi.

Bằng những kinh nghiệm của hơn 30 năm đi biển ông đã giúp cho ghe của mình đầy ắp cá tôm sau mỗi chuyến ra khơi trở về. Tình yêu biển mãnh liệt đã giúp ông tìm lại chính mình và vươn lên trước giông bão cuộc đời.

Tàn nhưng không phế

Giờ đây ông đã trở thành một ngư phủ tài tình vào loại bậc nhất trong huyện. Nhiều ghe lớn đều muốn có được ông ngư Đề đi cùng. Sau bao nỗ lực vất vả, cuối cùng công sức của cũng được đền đáp, những khoản nợ nần chồng chất dần vơi bớt. Cậu con trai năm cha bị nạn mới học lớp 7 phải bỏ học giúp mẹ lo toan gánh vác việc gia đình, nay cũng đã hơn 20 tuổi, trở thành một ngư dân thực thụ. Hai cha con ông đã có những thành công nhất định, nhờ sự lao động cần mẫn, miệt mài, vượt lên gian khổ cuộc đời. Từ chỗ đi làm thuê, làm mướn cho người ta, giờ đây cha con ông ngư Đề đã sắm được cho mình một chiếc ghe riêng, có thu nhập ổn định, không những vậy còn tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 10 thanh niên khác trong xã. Hàng ngày ông truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong việc đi biển cho mọi người, khuyến cáo phương pháp đánh bắt sao cho hợp lý vừa có thu nhập, vừa tái tạo nguồn lợi và đảm bảo cân bằng sinh thái.

Chiều chiều lại bắt gặp hình ảnh người ngư già bị mất một chân, tay thoăn thoắt ngồi đan lưới trước hiên nhà và dạy cho lũ trẻ trong xóm tìm hiểu về biển, về hướng gió, luồng cá. Ông ngư Đề luôn thầm hứa với lòng mình: phải yêu biển mãnh liệt như yêu chính mạng sống của mình bởi một phần cơ thể của ông đã hòa vào biển khơi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghị lực của lão ngư khiếm thị
Nghị lực của lão ngư khiếm thị

Người lành lặn đi biển cũng đã bao khó khăn, vất vả, thế mà có chuyện người mù đi biển… Gần 70 tuổi, ngư dân Lê Hận có tới hơn 35 năm tung hoành trên một vùng ngư trường rộng lớn

Nghị lực của lão ngư khiếm thị

Nghị lực của lão ngư khiếm thị

Người lành lặn đi biển cũng đã bao khó khăn, vất vả, thế mà có chuyện người mù đi biển… Gần 70 tuổi, ngư dân Lê Hận có tới hơn 35 năm tung hoành trên một vùng ngư trường rộng lớn

Cuộc thi viết về ngư dân
Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương cá nhân nhân tố điển hình tiên tiến trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển

Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương cá nhân nhân tố điển hình tiên tiến trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển

Dị nhân vớt xác giữa trùng khơi
Dị nhân vớt xác giữa trùng khơi

Biển nhân từ cho ngư dân tôm cá nhưng cũng có lúc dậy sóng dữ dằn cuốn vùi bao số phận. Có một ngư dân nghĩa hiệp ngày đêm bám biển, “nhặt nhạnh” những linh hồn, mang họ từ trùng khơi lạnh giá về với đất liền

Dị nhân vớt xác giữa trùng khơi

Dị nhân vớt xác giữa trùng khơi

Biển nhân từ cho ngư dân tôm cá nhưng cũng có lúc dậy sóng dữ dằn cuốn vùi bao số phận. Có một ngư dân nghĩa hiệp ngày đêm bám biển, “nhặt nhạnh” những linh hồn, mang họ từ trùng khơi lạnh giá về với đất liền