Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - SEAFDEC

Tại Hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi cá tra phát triển bền vững, mang lại ngoại tệ cao.

Ngày 17/6 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và Trung tâm phát triển nghề cá (ASEAN - SEAFDEC). Đoàn Việt Nam do tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản Việt Nam dẫn đầu tham dự hội nghị.

Hội nghị lần này với chủ đề: Phát triển nghề cá bền vững vì an ninh thực phẩm trong thập niên tới; Cá cho mọi người - thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Hội nghị, đại biểu của từng nước lần lượt có bài phát biểu về các vấn đề của nước mình liên quan đến môi trường và phát triển nghề cá bền vững. Tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh, đại diện cho đoàn Việt Nam có bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó nhấn mạnh: "Trong thập kỷ vừa qua, ngành thủy sản  Việt Nam phát triển vượt bậc, đặc biệt là xuất khẩu cá tra. Toàn ngành thủy sản xuất khẩu trên 5 tỷ USD, đóng góp rất nhiều cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của nông dân, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực để phát triển nghề cá mạnh mẽ hơn nữa trong vùng biển Đông của Việt Nam để nghề cá phát triển bền vững, gìn giữ nguồn lợi cho con cháu mai sau".

Kết thúc, Hội nghị ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng các nước ASEAN và Trung tâm nghề cá ASEAN gồm 23 điểm, trong đó có các điểm chính như: Sản xuất thủy sản và sản phẩm thủy sản vì an ninh thực phẩm và giảm nghèo;  Nâng cao quản lý nghề cá một cách hiệu quả; Củng cố cộng đồng nghề cá năng động có khả năng thích ứng với sự biến đổi môi trường; điều chỉnh tiêu chuẩn hàng hóa thủy sản có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới; khuyến khích sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và sử dụng năng lượng thay thế…

Năm 2010, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 3 tỷ USD. Ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu cả năm đạt kim ngạch xuất khẩu 5,5 - 6 tỷ USD. Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam tiếp đến là Nga, Ukraine. Việt Nam đang hướng tới thị trường Trung Phi.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản; phát triển nghề nuôi biển trong vùng biển rộng lớn của Việt Nam; ứng dụng công nghệ mới trong nuôi cá tra sạch, không dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tìm kiếm đối tượng thủy sản mới để nuôi trồng như nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Việt Nam hợp tác với nhiều nước trong khối ASEAN về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trong đó đã ký với Indonesia thỏa thuận cùng khai thác thủy sản; tương tự như vậy với Philippines và đang xúc tiến ký kết với Myanmar và Malaysia. Đối với Thái Lan, Việt Nam hợp tác trong nuôi trồng và thương mại thủy sản, trao đổi thông tin nuôi trồng thủy sản.

Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN và Trung tâm phát triển nghề cá ASEAN được tổ chức 10 năm một lần. Cách đây 10 năm, một Hội nghị thiên niên kỷ về nghề cá đã được tổ chức với chủ đề: Cá cho mọi người. Tham dự Hội nghị lần này có 100 đại biểu từ 9 nước thành viên ASEAN, Campuchia không tham dự.

Trước đó, trong các ngày từ 13 - 16/6 đã diễn ra các cuộc họp đại biểu quan chức phụ trách nghề cá các nước thành viên SAEFDEC, các công ty, Hiệp hội, nhà nghiên cứu và chuyên gia nghề cá nhằm thảo luận 8 chủ đề chính là nâng cao quản lý nghề cá; phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; Quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái; bảo quản sau thu hoạch và an toàn sản phẩm thủy sản; Quy định thương mại sản phẩm thủy sản; Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Sinh kế trong cộng đồng nghề cá và triển vọng tạo thêm việc làm; Cung cấp thực phẩm bền vững từ nghề cá nước ngọt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên