Từ quả vải, nghĩ về chuyện tiêu thụ nông sản

Để không còn tái diễn điệp khúc “được mùa mất giá”, về lâu dài, cơ quan quản lý điều hành vĩ mô cần có dự báo chiến lược sản xuất từng sản phẩm

Mùa vải vào chính vụ, giá từng ngày giảm xuống thê thảm khiến được mùa mà nông dân không hề vui. Họ đắng lòng bởi sau bao tháng ngày chăm bón mà số tiền thu về mỗi tạ vải chỉ bằng giá một cân thịt bò. Không chỉ có vải, mà dưa hấu, thanh long hay rất nhiều trái cây vào mùa cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Về vựa vải Lục Ngạn, Bắc Giang những ngày này, đi đâu cũng thấy màu đỏ chín mọng của vải. Vụ vải được mùa nhưng nét mặt của người trồng lại đầy lo âu, tiếc nuối. Có nơi giá vải chỉ được trên dưới 2.000đ/kg, tính ra cả yến vải chưa được một bát phở của người thành phố.

Nhớ lại những năm trước, có những gia đình ở các xã miền núi, giao thông cách trở, khi giá vải xuống còn 1.000đ/kg, nếu thuê người hái cũng mất 100.000đ/người/ngày nên đành để mặc cho vải rụng đỏ gốc hoặc năm sau đổi sang trồng cây khác. Cũng có người tiếc của đã đầu tư thêm mấy cái lò sấy vải dù chưa biết vải khô có bị ép giá hay không.

Thu hoạch đã vất vả. Đi bán vải càng thêm nỗi nhọc nhằn. Để được giá cao hơn, nhiều người tự chở vải ra Hà Nội bán. Đường xa 100km, cả mấy tạ vải sau lưng trên chiếc xe máy cũ dưới cái nắng chói chang tháng 7, không biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ để thu về được số tiền ít ỏi lo cho cuộc sống, cho con cái học hành. Có nhà, bán cả vụ vải chỉ đủ tiền cho con dự thi đại học.

Nhiều năm nay, không chỉ có vải mà không ít nông sản rơi vào điệp khúc "được mùa mất giá", và thiệt thòi lớn nhất là những nông dân chân lấm tay bùn. Dưa hấu, thanh long, thậm chí cả thóc, gạo, nông dân phải bán đổ bán tháo! Câu chuyện tưởng như đã cũ mà vẫn cho thấy nhiều bài toán về sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn chưa có lời giải.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, trong chuỗi sản xuất nông sản, người nông dân bao giờ cũng hưởng phần thấp hơn so với bộ phận doanh nghiệp tiêu thụ. GS. Võ Tòng Xuân - người rất tâm huyết với nông nghiệp, nông dân nêu rõ: Hiện nay, mặc dù nước ta có 70% dân số sống ở nông thôn, 50% lao động làm nghề nông nhưng chúng ta chưa có thị trường tiêu thụ nông sản. Nông dân ta có thể trồng hầu hết mọi nông sản nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì không có thị trường.

Đề cập tình trạng vải rớt giá thê thảm hiện nay, ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang lại cho biết một điểm sáng ở vùng vải đối với những hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt). Với những diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn này thì giá xuất bán vẫn đạt 15.000 – 17.000 đồng/kg, có đóng gói, nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc. Tuy nhiên, những diện tích vải này chiếm phần nhỏ ở Bắc Giang.

Để không còn tái diễn điệp khúc “được mùa mất giá”, về lâu dài, cơ quan quản lý điều hành vĩ mô cần có dự báo chiến lược sản xuất từng sản phẩm để có biện pháp đồng bộ từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường. Không nên để mặc cho dân tự phát sản xuất, dẫn đến sự ứ đọng hàng hóa.

Và cũng đã đến lúc nhà nông ta phải chuyển sang sản xuất tập trung, thành vùng ổn định, không thể tiếp tục canh tác cá thể lạc hậu như ông bà để lại. Có như vậy, công lao bỏ ra trên ruộng vườn mới được đền đáp xứng đáng. Nhà nông mới có thể nở nụ cười thực sự khi được mùa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên