Triệu phú 32 tuổi nhận Giải thưởng Lương Định Của

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, với cương vị là một Bí thư Chi đoàn, anh còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động tại cơ sở.

Sinh ra và lớn lên tại xóm 11A, xã Hưng Long (Hưng Nguyên, Nghệ An), giữa bộn bề vất vả của miền quê nghèo, lớn lên đúng thời cái chết trắng đang rộ về Hưng Long, chàng trai Nguyễn Ngọc Anh sớm nhận thức được sự nguy hiểm của nó nên đã rời xa một số bạn bè cùng trang lứa để tham quan, học tập các mô hình làm giàu, thoát nghèo. Và năm 32 tuổi, anh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Nối nghiệp cha làm giàu chính đáng

Về xã Hưng Long, ai cũng biết đến ông Nguyễn Ngọc Minh với những công trình nhà sàn nổi tiếng. Tham gia kháng chiến chống Mỹ, trở về quê hương là thương binh 2/4, nhưng vết tích chiến tranh cũng không làm mất đi chất lính trong ông. Sau những trăn trở làm sao để lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, ông quyết định gắn bó với nghề làm gỗ. Khi mới bắt đầu vào nghề với muôn vàn khó khăn chồng chất về nguyên liệu, thị trường… nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà từng bước khẳng định được “chữ tín” với khách hàng tại quê hương mình. Nhìn lại chặng đường đầy gian khó ấy, điều mà ông tự hào nhất chính là đứa con trai đầu lòng Nguyễn Ngọc Anh - hiện là chủ xưởng gỗ quy mô và có tên tuổi ở huyện Hưng Nguyên. 

Những năm cuối thế kỷ 20, ở Hưng Nguyên nhiều trai làng “dính” vào ma tuý, nhiều gia đình đã sạt nghiệp vì “cái chết trắng”. Nhiều đoàn thể, tổ chức đã về đây để hướng nghiệp cho thanh niên nhằm tránh xa tệ nạn này. “Hồi đó, nhóm bạn giúp bạn tại xã Hưng Long làm việc rất hiệu quả, đây là một tổ chức thanh niên trong xã nhằm giúp bạn vượt qua ma tuý. Thời điểm đó, có rất nhiều người đã vào tù, nhiều gia đình mất con, nhiều người vợ mất chồng…” - chị Nguyễn Thị Nam, Phó bí thư Đoàn xã Hưng Long chia sẻ.

Nhận thức được sự nguy hiểm của ma tuý và may mắn thừa hưởng nghề truyền thống từ người cha để lại, ngay từ nhỏ Nguyễn Ngọc Anh đã ấp ủ ước vọng sẽ trở thành chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Sau những biến động của thị trường cùng khó khăn về nguồn vốn, nghề mộc của gia đình anh cũng theo đó mà mai một dần. Trăn trở bao đêm, anh quyết định xin cha và gia đình khôi phục lại nghề truyền thống. Nhận thức yếu tố quan trọng là phải có một tay nghề vững chắc, tháng 4/1999, anh tham quan học hỏi một số mô hình sản xuất đồ mộc tại thành phố Vinh, sau đó ra các nơi có ngành nghề truyền thống như: Hải Phòng, Hà Nội... vừa làm thuê vừa học thêm công nghệ tiên tiến để nâng cao tay nghề.

 Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Sau một thời gian chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, Nguyễn Ngọc Anh đã trang bị cho mình một tay nghề vững chắc. Tháng 9/1999, anh trở về địa phương và được sự đồng thuận của gia đình, sự quan tâm của tổ chức Đoàn thanh niên xã tín chấp cho anh vay Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện 5.000.000 đồng. Số tiền ấy anh mua phương tiện máy móc hiện đại, đề ra sáng kiến cải tiến vào sản xuất để giảm thời gian và chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Học hỏi những tiến bộ trong nghề gỗ, anh đã theo phương châm “bình cũ rượu mới” cải tiến cách sản xuất truyền thống dựa trên những nền tảng có sẵn. Từ chỗ chỉ làm gỗ ép với quy mô nhỏ lẻ, anh đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất gỗ tự nhiên với kỹ nghệ đa dạng và tinh xảo hơn. Đặc biệt, anh biết thu hút và đào tạo tay nghề cho nhân công, vì thế mà sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đến nay, cơ sở của anh đã sản xuất được nhiều chủng loại, mẫu mã hàng như: tủ tường, tủ thờ, tủ rượu, các loại giường… với nhiều chất liệu gỗ tự nhiên, gỗ rừng trồng… theo nhu cầu của khách hàng.

Năm 2010, thu nhập của gia đình anh trừ mọi chi phí vẫn còn trên 500 triệu đồng. Đến 2011, mặc dù thị trường gỗ gặp khó khăn nhưng người thanh niên trẻ vẫn không nản bước. Kiên trì và mạnh dạn, anh quyết định mở rộng cơ sở sản xuất của mình lên 250m2, sản xuất ra 11 mặt hàng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức thu nhập bình quân 3.000.000 đồng/người/tháng. Anh còn đầu tư lắp đặt thêm 1 máy sản xuất đá lạnh cung cấp cho nhân dân trong xã và các vùng lân cận trong mùa nắng nóng và tăng thêm thu nhập cho gia đình…

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, với cương vị là một Bí thư Chi đoàn, anh còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động tại cơ sở. Anh đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Giấy khen của Ban chấp hành Đoàn TNCS tỉnh Nghệ An về “Danh hiệu Thanh niên tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Nghệ An năm 2008”; Giấy khen của Ban chấp hành Tỉnh đoàn “Đoạt giải Khuyến khích - Cuộc thi bình chọn sản phẩm Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp” năm 2008; Giấy khen của UBND huyện Hưng Nguyên về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Thanh niên giai đoạn 2004 - 2009; Giấy khen của UBND xã Hưng Long vì “Đã hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua yêu nước” năm 2010. Đặc biệt, tháng 8/2011, anh vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Chuỗi dài những thành tích ấy ở tuổi đời 32 của anh là một tấm gương tiêu biểu, là hạt nhân động viên, cổ vũ thanh niên trong địa phương phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới./. 

Giải thưởng Lương Định Của là giải thưởng của Ban bí thư T.Ư Đoàn trao tặng những thanh niên nông thôn tuổi từ 18-35 làm việc trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp); đồng thời có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và xây dựng nông thôn mới, có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội... được tổ chức Đoàn hoặc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giới thiệu. Hằng năm, giải thưởng sẽ được bình chọn và trao cho 75 ứng viên xuất sắc nhất.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên