Thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn: Không dễ!

Định giá tài sản, thương thuyết với chủ nợ về phần vốn vay sẽ được dịch chuyển… là những vướng mắc lớn nhất khi thoái vốn.

Theo tinh thần Nghị quyết TƯ 3, Khóa XI, trước năm 2015, sẽ chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Tuy vậy, khi bắt tay vào thực hiện, mới thấy nhiều khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khiến nhiều người nản trí và không tin tưởng vào sự thành công của quá trình này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào tổng số nợ phải trả của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đến hết năm 2009 là 813.435 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu và bằng 58% tổng tài sản. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, đang cần một quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện thành công quá trình này.

EVN Telecom là một điển hình về đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, trong các lĩnh vực kinh tế-văn hoá – xã hội vv… chúng ta đều có chủ trương, chính sách rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không đến nơi, đến chốn.

“Như Bác Hồ nói chủ trương 1 thì biện pháp phải 10. Của mình nhiều khi chủ trương 10 nhưng biện pháp chỉ 1. Mình đã làm ngược, bây giờ phải làm lại theo cái Bác Hồ dạy, chính sách 1, biện pháp 10 và làm cái gì cho nó dứt hẳn cái đó, chứ bày ra lắm rồi lại không làm. Đổi mới DNNN đã giao Bộ Tài chính thì giao toàn quyền cho bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng tài chính phải chịu trách nhiệm. Đề án đã xong rồi, Bộ Tài chính phải theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm chứ không thể nói nói chúng ta chung chung” – ông Vũ Khoan nói.

Ông Vũ Khoan cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề then chốt của mọi vấn đề vẫn là con người. Con người nghĩ ra đường lối, chủ trương, biện pháp và thực hiện. Nếu con người thực hiện không nghiêm chỉnh thì chẳng có gì chuyển biến được.

Và thứ nữa, trong tái cấu trúc tập đoàn kinh tế, DNNN nói chung và thoái vốn nói riêng việc thống nhất được mục tiêu không phải là chuyện đơn giản. Ai cũng biết rằng, thoái vốn thì sẽ có chỗ mất đi quyền lợi nhưng chúng ta phải đặt ra nguyên tắc là vì lợi ích chung của quốc gia, nền kinh tế.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Tất nhiên là thoái vốn thì có người, có chỗ sẽ mất đi quyền, quyền lợi, nhưng nguyên tắc đặt ra là vì lợi ích chung của quốc gia và nền kinh tế. Vì mình làm ở đây không phải vì ai mà vì lợi ích chung của nền kinh tế và quốc gia. Có sự chỉ đạo tập trung, cương quyết của Trung ương về việc này thì những cản trở đều có thể gạt phăng ra hết. Tất nhiên là cũng có sự chống đối, nhưng chống đối ở vị trí yếu thế”.

Còn theo TS Trần Du Lịch – Đại biểu Quốc hội khóa XIII-đoàn thành phố Hồ Chí Minh,  cần giải quyết mối quan hệ giữa chủ sở hữu là toàn dân, đại diện Nhà nước, với hội đồng quản trị, hội đồng thành viên như thế nào, trách nhiệm ra sao, rồi có cơ chế mạnh dạn thuê Giám đốc không, mà trước đây có nghị quyết của Đảng làm thí điểm, chúng ta chưa làm; chuyên nghiệp hóa của bộ máy điều hành thế nào, trách nhiệm ra sao, quyền và nghĩa vụ phải rõ ràng.

Nhiều người lo ngại, trong lúc thị trường chứng khoán đang đi xuống, nếu DNNN thoái vốn thì phải bán rẻ cổ phần của mình hoặc không ai mua, hoặc mất tiền, vốn của Nhà nước… Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, trông rộng hơn một chút, Nhà nước có thể mất nhưng toàn dân thì không mất gì cả. Chính phủ phục vụ quyền lợi đất nước chứ không phải chỉ phục vụ quyền lợi của chính phủ hay của tập đoàn kinh doanh. Nếu ta phục vụ quyền lợi của toàn dân thì nếu Chính phủ có mất mát vốn trong doanh nghiệp mà nhân dân làm ăn tốt lên thì cả đất nước sẽ phát triển.  

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng: “Anh giữ những lĩnh vực kinh doanh mà anh không làm được thì phải để cho người khác làm tốt hơn chứ đừng nghĩ rằng cứ ôm đấy để cho nó chết… là không phải là vấn đề, nhiệm vụ của anh. Nhiệm vụ của anh là giữ cho đất nước phát triển chứ không phải cố thủ những việc anh đang bị thua lỗ”.

Cùng chung quan điểm phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn, ông Trần Xuân Giá khẳng định, hoàn cảnh khó khăn như hiện nay lại chính là cơ hội để chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mệnh lệnh thoái vốn.

"Không phải vì vào những lúc khó khăn mà khó cổ phần hóa. Vào lúc khó khăn lại là vào lúc cổ phần hóa. Bởi vì rất nhiều người đầu tư. Bây giờ đây người ta  đầu tư là đầu tư cho tương lai. Cho nên, vào lúc bây giờ mua doanh nghiệp hoặc là mua dự án, công trình là ngon nhất. Trung Quốc tới đây họ sẽ lên vì cái đau khổ của châu Âu, vì nợ công, là dịp làm giàu của Trung Quốc“.

Tái cấu trúc tập đoàn kinh tế, DNNN hay cổ phần hóa và cụ thể hơn là thoái vốn, cần phải làm rõ là không đặt ra mục tiêu tìm kiếm giá trị bằng tiền ngắn hạn (bán để lấy giá cao) mà bán để chuyển sang một cách thức quản lý, sử dụng nguồn lực này hiệu quả hơn và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho xã hội. Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư cần nhìn toàn cục giá trị chiến lược và giá trị xã hội mang tính chiến lược.

Cũng cần nhìn nhận lại, sở dĩ nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư quá nhiều ngoài ngành, dẫn đến chúng ta phải tìm biện pháp khắc phục cũng có nguyên nhân từ chính sách. 

Do vậy, để thực hiện có kết quả lộ trình này thì chính sách phải đi trước một bước. Nếu chính sách chưa có để giải quyết được các khúc mắc, khó khăn như đã đề cập  thì rất dễ đẩy tiến trình này  vào quanh co, bế tắc. Mặt khác, cả chính sách và việc thực thi các biện pháp thoái vốn cũng phải nhằm mục tiêu hoặc có những biện pháp phòng ngừa nguy cơ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm cản trở, trì níu tiến trình sắp xếp lại các DNNN.

Thực tế kiểm điểm hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thời gian qua càng cho thấy phải quyết tâm cơ cấu lại khu vực kinh tế này. Chỉ có như vậy, vai trò chủ đạo, chức năng là công cụ định hướng, dẫn dắt nền kinh tế của DNNN mới phát huy tác dụng./. 

Ông Trần Xuân Giá: Tập đoàn nhà nước sẽ hiện diện ở đâu?

Để thoái vốn đầu từ ngoài ngành của các tập đoàn, và xa hơn nữa là tái cấu trúc thành công khu vực DNNN, trước hết cần xác định phạm vi hiện diện của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Từ đó, mới xác định mảng kinh doanh nào mà các tập đoàn được tiếp tục mở rộng, ngành, lĩnh vực nào họ phải rút vốn ngay.

Tôi cho rằng, DNNN chỉ cần và phải có mặt ở những nơi liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội; những nơi rất cần cho sự phát triển đất nước mà tư nhân không muốn hoặc không thể làm… Còn lại, Nhà nước chỉ lo quản lý và thu thuế.

Theo tinh thần đó, nên giới hạn hoạt động của  DNNN trong các lĩnh vực: Các ngành liên quan đến quốc phòng và an ninh; các ngành cung cấp những hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu cho nền kinh tế (giao thông, thủy lợi, năng lượng – những lĩnh vực tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm); những ngành công nghiệp trụ cột, công nghệ cao; các ngành công nghiệp độc quyền tư nhiên.  “Nếu áp dụng nguyên tắc này thì ngay cả những tập đoàn Nhà nước trong các lĩnh vực như dệt may, cao su, bất động sản… cũng không nên được duy trì”- ông Giá nói.

Với tư cách là nhà đầu tư, Nhà nước sẽ không đầu tư thành lập doanh nghiệp để tìm lợi tức tài chính; không đầu tư góp vốn, thành lập doanh nghiệp để tìm kiếm địa tô; không đầu tư góp vốn, thành lập doanh nghiệp cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong các ngành, nghề, lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân có khả năng làm được.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên