Thiếu thận trọng dẫn đến sai sót trong công khai nợ thuế

VOV.VN - Thiếu thận trọng, thiếu chuyên nghiệp một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót trong việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế.

>> Khi nào được “bêu” tên doanh nghiệp nợ thuế?

>> Nợ đọng thuế cao - vì đâu nên nỗi? 

Sau phản hồi của doanh nghiệp cũng như các phương tiện thông tin đại chúng về những sai sót trong danh sách công khai 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/06/2015, ngày 30/7, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đã chính thức thừa nhận có chênh lệch nợ thuế của một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai Cục Thuế này đã thực hiện xác nhận số liệu chính xác với các doanh nghiệp và tiến hành điều chỉnh danh sách doanh nghiệp nợ thuế đã công bố.

Sau khi Bộ Tài chính công bố công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/06/2015, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã phản ứng vì bỗng dưng bị liệt vào danh sách “đen” về nợ thuế, số tiền nợ lên tới hàng chục tỷ đồng, trong khi đã nộp thuế đầy đủ, có xác nhận của cơ quan thuế địa phương. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1, Công ty cổ phần chứng khoán MB, Công ty Thế giới di động…

Bức xúc vì bị công bố sai, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, đặc biệt là uy tín đối với đối tác và khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã phản hồi với các cơ quan thuế để làm rõ thông tin. Sau 1 tuần chỉ đạo rà soát, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chính thức thừa nhận có chênh lệch nợ thuế của một số doanh nghiệp và đã điều chỉnh danh sách doanh nghiệp nợ thuế.

Cụ thể, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh có 26 trường hợp loại khỏi danh sách doanh nghiệp nợ thuế, 2 trường hợp điều chỉnh lại số nợ thuế; Cục Thuế thành phố Hà Nội loại khỏi danh sách 8 trường hợp và 27 trường hợp điều chỉnh lại số nợ thuế.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế thành phố Hà Nội) cho biết, nguyên nhân dẫn đến sai sót là do đơn vị này thực hiện chuyển đổi ứng dụng phần mềm quản lý mới từ quản lý phân tán sang quản lý tập trung, dẫn đến có những sai sót về mặt kỹ thuật. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do nhầm lẫn giữa các tiểu mục, khoản mục khi doanh nghiệp nộp thuế.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế Hà Nội trả lời phỏng vấn của VOV.

Ngoài ra, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã có kết luận số thuế phải nộp nhưng doanh nghiệp chưa thống nhất, nên số liệu do doanh nghiệp tính toán lại chênh lệch so với số liệu của cơ quan quản lý… Ngay sau khi rà soát, phát hiện sai sót, Cục thuế thành phố Hà Nội đã có văn bản đính chính và xin lỗi đến các doanh nghiệp, đồng thời rút kinh nghiệm, thận trọng hơn trong việc quản lý và công bố nợ thuế.

Bà Yến cho biết: “Cục thuế Hà Nội đã nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và đã nhận lỗi với các doanh nghiệp về việc đưa các thông tin chưa chính xác, dẫn đến những phiền hà trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tổng hợp những vướng mắc trong các quá trình thực hiện các bước của quy trình quản lý nợ để có điều chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót trong từng khâu, từng bộ phận, không để xảy ra nhầm lẫn gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp như vừa qua.”

Đại diện 1 trong 8 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vừa được loại khỏi danh sách nợ thuế cho biết, sai sót của cơ quan thuế không chỉ gây phiền hà mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng, ngay sau khi công bố 600 doanh nghiệp nợ thuế ngày 22/7, đại diện doanh nghiệp này đã đến tận nơi trao đổi với Cục thuế thành phố Hà Nội và được giải quyết kịp thời, nhưng phải mất 1 tuần sau mới chính thức được gỡ tên ra khỏi danh sách công khai trên trang web của Tổng cục Thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, sau sự việc lần này, cần có biện pháp để không còn xảy ra những sai sót tương tự. Trong đó, việc quan trọng và không khó thực hiện là trước khi công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế cần tiến hành đối chiếu thông tin đến từng doanh nghiệp.

“Danh sách nợ thuế cần phải đưa đến các doanh nghiệp có tên. Sau khi việc nợ thuế đã được thừa nhận thì mới được công bố. Nói cách khác là những doanh nghiệp mà họ kêu không nợ nhưng lại bị đưa vào danh sách nợ chẳng hạn, thì họ sẽ kêu trước khi danh sách đó được công khai, nên đến khi công bố danh sách thì không còn sai sót đó nữa,” ông Ánh nói.

Trong số 400 doanh nghiệp nợ thuế tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì có tới 63 doanh nghiệp có sai sót, nhầm lẫn. Đây là con số không nhỏ. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, công khai doanh nghiệp nợ thuế là đúng, nhưng công khai không đúng thì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của doanh nghiệp mà còn cho thấy cách làm thiếu chuyên nghiệp, cẩn trọng của ngành thuế. Rõ ràng, ngành Thuế cần nghiêm túc chấn chỉnh để rút kinh nghiệm, chứ không chỉ cứ sai rồi xin lỗi là xong./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Bêu” oan doanh nghiệp nợ thuế: Phải xin lỗi!
“Bêu” oan doanh nghiệp nợ thuế: Phải xin lỗi!

VOV.VN - Trong số 600 doanh nghiệp nợ thuế bị “bêu” tên công khai đã có hàng chục doanh nghiệp bị oan do thông tin sai lệch từ phía cơ quan thuế.

“Bêu” oan doanh nghiệp nợ thuế: Phải xin lỗi!

“Bêu” oan doanh nghiệp nợ thuế: Phải xin lỗi!

VOV.VN - Trong số 600 doanh nghiệp nợ thuế bị “bêu” tên công khai đã có hàng chục doanh nghiệp bị oan do thông tin sai lệch từ phía cơ quan thuế.