TP.HCM không thiếu hàng tiêu dùng, siêu thị tăng thời gian bán hàng

VOV.VN - TP.HCM không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị sẽ tăng thời gian hoạt động để phục vụ người tiêu dùng.

Đây là khẳng định của lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM tại cuộc họp báo chiều 7/7. Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh TP.HCM tạm dừng hoạt động 3 chợ đầu mối để phòng chống dịch và người dân bắt đầu đổ xô đi mua thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tích trữ dẫn tới hiện tượng thiếu hụt cục bộ ở một số nơi.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, thành phố luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu cho người dân và không để tình trạng khan hàng, sốt giá. Sở Công Thương đã làm việc với các chuỗi cung ứng hiện đại, các chuỗi cửa hàng bình ổn giá để đưa hàng đến người dân.

Thành phố hiện có 112 cửa hàng chuyên kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; gần 2.700 cửa hàng mini, cửa hàng tiện ích… Những đơn vị này đều đã tăng nguồn cung hàng hoá. Riêng hệ thống cửa hàng tiện lợi mỗi ngày đảm bảo cung ứng khoảng 2.000 tấn rau củ quả. Sáng 7/7, tại một số nơi thiếu hàng cục bộ là do một số người dân đổ xô đi mua hàng để tích trữ.

Ỗng Vũ cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bán lẻ sẽ kéo dài thời gian hoạt động thêm 1-2 tiếng trong một ngày. 17 hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại thực hiện bán hàng online với nhiều hình thức khác nhau.

“Chúng tôi khẳng định nguồn hàng từ các tỉnh về TP.HCM rất dồi dào. Nguồn hàng dự trữ của các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng rất phong phú, kênh phân phối trãi rộng khắp và có thể đảm bảo phục vụ người dân trong bất cứ tình huống nào”, ông Vũ nhấn mạnh.

Theo ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA), mỗi đêm 3 chợ đầu mối tiếp nhận từ 8.000 đến 8.500 tấn hàng hoá. Trong thời gian giãn cách tại một số điểm, con số này giảm xuống còn 4.000 đến 4.500 tấn hàng hoá.

Hiện lượng cung ứng cho hệ thống các siêu thị mỗi ngày khoảng 1.600 tấn. Do hệ thống phân phối truyền thống đã tạm dừng hoạt động, một số chợ đang tạm ngưng để phòng chống dịch nên người dân tập trung vào hệ thống phân phối hiện đại và đa số là mua sắm online. Chỉ tính riêng trong ngày 6/7 lượng người mua ở hệ thống cửa hàng của SATRA đã tăng gấp 5 lần. SATRA đã tăng cường nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hoá đến các chuỗi siêu thị, cửa hàng.

“Chúng tôi vừa chỉ thị 3 siêu thị và 188 cửa hàng tiện lợi, tăng thời gian mở cửa và đóng cửa. Trước là 8h mở cửa, nay là 7h mở cửa và đóng cửa vào lúc 11h đêm. Chúng tôi sẽ tăng thêm dự trữ nguồn hàng gấp đôi trong vòng 1 tuần nếu tình hình dịch phức tạp hơn”, ông Thanh khẳng định.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) cũng cho biết, TP.HCM có 12 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu thực hiện bình ổn giá. Các mặt hàng này có sự hỗ trợ của nhà cung cấp nên giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường. Tổng dự trữ hàng hoá của Sài Gòn Co.op đủ cung ứng cho thị trường từ 1-3 tháng. Nhóm hàng hoá thiết yếu tại đây có hơn 40.000 tấn. Riêng vận chuyển rau củ quả hiện đang gặp khó khăn bởi điều kiện logistic nên thiếu cục bộ một số loại rau củ.

Còn ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing của Công ty MM Mega Market Việt Nam cho hay, hàng hoá của đơn vị rất dồi dào và có thể hỗ trợ cho các chợ truyền thống về nguồn cung. Ngoài tăng thời gian hoạt động của hệ thống các siêu thị, đơn vị này còn nâng lượng dự trữ lên 2-3 lần với lượng hàng dự trữ lên đến 60 ngày đối với các sản phẩm thiết yếu; một số mặt hàng lên 90 ngày. Riêng mặt hàng thuỷ hải sản, rau củ quả từ Đà Lạt sẽ được đáp ứng thường xuyên. Trong trường hợp, Sở Công thương yêu cầu, hệ thống siêu thị của Công ty MM Mega Market Việt Nam sẽ hoạt động 24/24h.

“Chúng tôi có thể cam kết với Sở Công thương yêu cầu các siêu thị của đơn vị này hoạt động 24/24h với điều kiện Sở Công thương phối hợp với UBND TP.Thủ Đức hỗ trợ nguồn nhân lực để chúng tôi phục vụ tốt”, ông Khôi nêu rõ.

Một khó khăn là việc vận chuyển hàng hóa, cụ thể là từ Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai về thành phố đều qua các chốt ở cửa ngõ. Vì các tỉnh xem TP.HCM là vùng dịch nên đi ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tích với dịch bệnh Covid-19.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, tới đây sẽ thực hiện chuyên chở hàng hoá đến một số vùng đệm giáp ranh giữa các tỉnh; ngành giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành công thương và quận huyện vùng đệm đó để bảo đảm an toàn giao thông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM phát hiện 4 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2
TP.HCM phát hiện 4 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2

VOV.VN - Trong ngày 7/7, tại các điểm thi của TP.HCM đã phát hiện ra 4 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2.

TP.HCM phát hiện 4 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2

TP.HCM phát hiện 4 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2

VOV.VN - Trong ngày 7/7, tại các điểm thi của TP.HCM đã phát hiện ra 4 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2.

TP.HCM sẽ giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7
TP.HCM sẽ giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

VOV.VN - Đây là thông tin được lãnh đạo TP.HCM đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

TP.HCM sẽ giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

TP.HCM sẽ giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

VOV.VN - Đây là thông tin được lãnh đạo TP.HCM đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Tăng 500% lượng hàng dự trữ tại hệ thống siêu thị TP.HCM
Tăng 500% lượng hàng dự trữ tại hệ thống siêu thị TP.HCM

VOV.VN - Tại các chuỗi siêu thị lớn, nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch tăng từ 150 - 500% so với thông thường.

Tăng 500% lượng hàng dự trữ tại hệ thống siêu thị TP.HCM

Tăng 500% lượng hàng dự trữ tại hệ thống siêu thị TP.HCM

VOV.VN - Tại các chuỗi siêu thị lớn, nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch tăng từ 150 - 500% so với thông thường.