Quy hoạch điện VII: Nhiều khó khăn được tháo gỡ

Vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng và nguồn tài nguyên năng lượng là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án phát triển nguồn điện.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 21/7/2011. Thời điểm triển khai Quy hoạch điện VII cũng là lúc cả nước thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ mới (2011-2016) với những bước đột phá quan trọng, trong đó có việc phát triển nhanh hệ thống nguồn và truyền tải điện, cũng như việc sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo đảm đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển của đất nước và đời sống nhân dân.

Đảm bảo cung cấp đủ điện

Quy hoạch điện VII đã chỉ rõ, phát triển ngành điện phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cung cấp đủ điện nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong Quy hoạch điện VII (đơn vị tính: kWh)

Theo đó, ngành điện phải đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 194 - 210 tỷ kWh vào năm 2015, khoảng 330 - 362 tỷ kWh trong năm 2020 và tới năm 2030 sẽ đạt khoảng 695 - 834 tỷ kWh; Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6,0% vào năm 2030.

Trong giai đoạn này, ngành điện cũng triệt để giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Đồng thời đó là đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện... Việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng được quy định rõ, đến năm 2020 sản lượng điện tiết kiệm phải đạt từ 5-8% và đến năm 2030 đạt 8-10%.

Cơ cấu nguồn điện được hoạch định cụ thể cho đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện đạt khoảng 75.000 MW, trong đó thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48,0%; nhiệt điện khí 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%); điện từ năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỷ kWh, trong đó thủy điện chiếm 19,6%; nhiệt điện than 46,8%; nhiệt điện khí 24,0% (trong đó sử dụng LNG 4,0%); điện tái tạo 4,5%: điện hạt nhân 2,1% và nhập khẩu điện 3,0%.

Mục tiêu phân bổ công suất các nguồn điện đến năm 2020

Quy hoạch điện VII cũng khẳng định rõ vai trò trụ cột của 3 tập đoàn lớn trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Trong đó, EVN vẫn chiếm tỷ trọng nguồn điện lớn đồng thời với nhiệm vụ đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới truyền tải điện và đưa điện về nông thôn...

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với 25 dự án được giao trong Quy hoạch điện VII từ nay đến năm 2020, tập đoàn này đang có kế hoạch triển khai 14 dự án, trong đó 10 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án đang lựa chọn nhà thầu để chuẩn bị khởi công trong năm 2011. Mặc dù EVN nỗ lực phấn đấu mọi cách để hoàn thành, tuy nhiên, vẫn còn 3 khó khăn cơ bản khiến EVN lo ngại là vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB) và đặc biệt là nguồn năng lượng đầu vào như than, khí... do EVN không chủ động được nên thực sự là thách thức lớn đối với trụ cột chính của ngành điện.

Khó khăn sẽ được tháo gỡ

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Quy hoạch điện VI sau 5 năm triển khai (2006-2010) đã không hoàn thành kế hoạch đề ra. Trên thực tế mới chỉ thực hiện được khoảng 70% các dự án phát triển nguồn điện và hơn 60% các dự án phát triển lưới điện. Có hai nguyên nhân lớn cơ bản lớn dẫn đến kết quả này, đó là do thiếu vốn và chậm trễ trong khâu GPMB.

Trước những tồn tại nói trên, tại Quy hoạch điện VII, hai vấn đề này đã được quán triệt rõ ràng và cụ thể. Liên quan đến khâu GPMB, Chính phủ đã giao trách nhiệm rất cụ thể cho các địa phương, yêu cầu các địa phương phải dành quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất của mình cho tất cả các dự án nguồn và lưới điện đã được đưa vào Quy hoạch lần này.

Liên quan đến vấn đề vốn, ngoài các giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn điện được quy định cụ thể, Quy hoạch điện VII cũng đưa ra giải pháp về giá điện, theo đó, phải thực hiện giá bán điện theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; giá điện tiệm cận với chi phí biên dài hạn của hệ thống điện để có một chính sách giá điện đến năm 2020 phải đạt tương đương 8-9 cents/kWh. Như thế, giá điện sẽ kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư.

Một vấn đề khác cũng được cho là tác nhân khiến Quy hoạch điện VI không đạt mục tiêu đề ra là do quá trọng tâm vào các dự án nhiệt điện than, trong khi chưa chủ động được nguồn than nhập khẩu. Nay tại Quy hoạch điện VII, vấn đề này đã được khai thông bằng việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

Theo đó, cùng với việc ưu tiên phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6,0% vào năm 2030 thì quy hoạch lần này cũng đã đề cập đến việc phát triển điện hạt nhân. Cụ thể, đến năm 2020 trong hệ thống nguồn điện sẽ có tổ máy điện hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành và đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân phải đạt 10.700MW, sản lượng vào khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Tiết kiệm là giải pháp cơ bản, trước mắt

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án phát triển nguồn điện cung cấp cho hệ thống, để đáp ứng nhu cầu điện trước mắt cũng như về lâu dài, công tác tiết kiệm điện vẫn được đặt lên hàng đầu. Việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng được quy định rõ trong Quy hoạch điện VII. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong các hộ gia đình.

Triển khai rộng rãi, nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả với mục tiêu đến năm 2015 tiết kiệm 5 - 8%, đến 2020 tiết kiệm được 8 - 10% tổng điện năng tiêu thụ. Điểm mới trong Quy hoạch điện VII cũng chính là yêu cầu trong giai đoạn 10 năm tới, chúng ta phải giảm được hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.

Cũng theo ông Hoàng Quốc Vượng, đây cũng chính là mục tiêu rất lớn, vô cùng quan trọng mà chúng ta hướng tới và phải thực hiện bằng được trong giai đoạn này, nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn năng lượng, góp phần thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên