Nước ngọt có ga tăng giá: Từ góc độ người tiêu dùng

VOV.VN -Có đến 60% người được hỏi nhận định nước ngọt có ga nếu phải tăng giá sẽ tác động tới toàn ngành công nghiệp này

Một khảo sát được thực hiện đầu tháng 4/2014 bởi công ty nghiên cứu thị trường Epinion (Đan Mạch) về suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng tại Việt Nam nếu có sự thay đổi về giá bán lẻ các sản phẩm nước ngọt có ga không cồn (NNCGKC).

Điều đáng chú ý là người tiêu dùng đồng thuận rằng, cơ cấu giá nếu buộc phải thay đổi theo hướng tăng lên (trong trường hợp này là 10%) sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người tiêu dùng, và nhà bán lẻ; và đa số xác nhận sẽ chuyển sang sử dụng những sản phẩm nước giải khát đồng dạng khác.

Để đưa ra những kết quả dưới đây, Epinion đã thực hiện khảo sát trên 600 đối tượng tuổi từ 15 đến 49, phân bổ tại hai khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đối tượng khảo sát tập trung ở khu vực thành thị và các vùng ngoại thành với 43% người tham gia có mức thu nhập dưới 7,5 triệu VND/tháng. 80% số người được hỏi cho biết đã sử dụng nước ngọt có ga trong 3 tháng trở lại.

Tác động dây chuyền- người tiêu dùng chịu thiệt đầu tiên

Với lý do được nêu ra là do nhu cầu tiêu thụ nước giải khát có thể giảm dẫn đến doanh thu toàn ngành nước giải khát sẽ sụt giảm theo, có đến 60% người được hỏi nhận định nước ngọt có ga nếu phải tăng giá sẽ tác động tới toàn ngành công nghiệp này.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng 74% số người được phỏng vấn cho rằng đối tượng thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn bởi việc nước ngọt có ga bị áp thuế, do túi tiền eo hẹp của nhóm đối tượng này nên phần trăm tăng (ở mức tăng giá 10%) so với tổng thu nhập của họ sẽ có sự chênh lệch rõ rệt hơn so với nhóm thu nhập cao. 

Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, người tiêu dùng nộp còn người sản xuất và nhập khẩu là người đứng ra nộp thay, khoản này sẽ nằm trong giá bán. Đương nhiên, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá bán sản phẩm về nguyên tắc sẽ cao lên tương ứng. Một tính toán của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát cho thấy, đối với mỗi lít nước ngọt đánh thuế 10% thì giá tới tay người tiêu dùng sẽ đội lên khoảng 12% - 13%.

Trong khi đó, nước ngọt có ga không cồn là sản phẩm bình dân, với đối tượng tiêu thụ là quảng đại quần chúng, từ thành thị tới nông thôn, miền núi và có thể nói rằng phần lớn người có thu nhập thấp tiêu thụ. Do đó, khi áp thuế TTĐB thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên sẽ là đông đảo người tiêu dùng.

Chị Mai Phương (ở Hà Đông - Hà Nội), một khách hàng thường xuyên sử dụng nước ngọt có ga chia sẻ: “Nếu áp thêm thuế vào các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên thì người lao động nghèo là người chịu ảnh hưởng đầu đầu tiên. Bởi chắc chắn, nếu bị áp thuế, nhà sản xuất sẽ tăng giá. Trong khi đó, kinh tế ngày càng khó khăn, thu nhập của người lao động như chúng tôi không mấy được cải thiện. Chính vì thế, tôi cho rằng, lấy lý do tăng giá để bù đắp vào thuế hiện nay là chưa hợp lý”.

Tại Sơn La, chị Nguyễn Thị Tuyến cho biết, chị không biết thuế tiêu thụ đặc biệt là gì. Nhưng nếu nước ngọt có ga tăng giá thì chắc chắn chị sẽ phải cân nhắc lại xem có nên tiếp tục sử dụng nữa không vì thu nhập của chị mấy năm nay vẫn thế, trong khi rất nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng giá vùn vụt.

Bên cạnh đó, tăng thuế mặt hàng này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của ngành, chẳng hạn ngành sản xuất đường, hệ thống phân phối bán lẻ. 74% số người trả lời phỏng vấn của của Epinion cho rằng, các hộ kinh doanh nước ngọt có ga bán lẻ, như tiệm tạp hoá, gánh rong sẽ chịu ảnh hưởng khi lượng cầu cho mặt hàng này giảm.

Anh Tùng một hộ kinh doanh tạp hóa ở Cát Linh, Hà Nội lo lắng: Sức mua trên thị trường đang kém, đánh thuế có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Buôn bán đang ngày một khó khăn, nếu tăng giá, mặt hàng nước ngọt đang từ hàng bình dân có thể sẽ thành hàng xa xỉ đối với nhiều người tiêu dùng.

“Thử hỏi, nếu sức mua nước ngọt tiếp tục kém đi, sản xuất đình trệ thì việc tăng thu ngân sách cho Nhà nước liệu có đạt được hay không”- anh Tùng bức xúc nói.

Trong khi đó, 80% người trả lời lo ngại rằng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của mình sẽ mất đi một lựa chọn trong tầm chi trả. Cũng cần lưu ý rằng, trong số 600 người được hỏi, 40% xác nhận rằng họ thường mua nước giải khát có ga tại các kênh bán lẻ truyền thống. 

Như vậy, người tiêu dùng lo ngại mức tăng giá 10%, kéo theo sự tăng giá của sản phẩm, sẽ tác động tới mọi thành phần kinh tế - xã hội, từ doanh nghiệp, người bán lẻ, đến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thu nhập thấp.

Sản phẩm thay thế- lợi bất cập hại

Không giống như rượu, bia, thuốc lá, hay các xa xỉ phẩm; người tiêu dùng đại chúng nhận thức rõ nhu cầu của mình đối với một sản phẩm phổ thông như nước ngọt có ga.

Có 73% người trả lời chọn giải pháp chuyển sang sử dụng nước ngọt thay thế, như nước tăng lực, trà uống liền, sữa hộp, nước hoa quả... Đây là điều dễ hiểu, do về nguyên tắc, khi một mặt hàng tiêu dùng đại trà có biến động về giá cả, ở đây là NNCGKC tăng giá 10%, thì phần đông người tiêu dùng sẽ chọn giải pháp dịch chuyển sang các mặt hàng thay thế không chịu thuế để cân bằng chi tiêu. Điều đáng lưu ý khi đa số các sản phẩm thay thế đều có hàm lượng đường (năng lượng) tương đương hoặc thậm chí cao hơn nước giải khát có ga. 

Trong số 600 người được hỏi, chỉ có 28% cho biết sẽ vẫn giữ thói quen tiêu dùng nước ngọt có ga bất kể khi giá đã tăng.

Trường hợp tăng giá nước có ga sẽ làm tăng mức tiêu dùng của các loại thức uống khác không tăng giá, đồng nghĩa với việc sản lượng nước ngọt có ga giảm. Điều này kéo theo nguồn thu thuế từ doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm theo. Đồng thời, chính phủ cũng có thể thất thu thuế từ các phẩm thay thế khác có doanh thu tăng do được lợi từ việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng những các sản phẩm thay thế này lại không bị đánh thuế. 

Dự thảo luật thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Tuy nhiên, theo những phản ứng ban đầu từ dư luận đã cho thấy Dự thảo hiện nay gây ra những quan ngại cho người tiêu dùng.

Để luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng trước khi quyết định áp thuế TTĐB đối với những sản phẩm thông thường đang được đông đảo người dân sử dụng một cách đại trà, và tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ truyền thống. 

Từ cuối thập niên 1990, tại Mỹ có khuynh hướng bãi bỏ, chứ không ban hành, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt ở cấp tiểu bang. Trong giai đọan này, có ít nhất 5 tiểu bang (North Carolina, South Carolina, Louisiana, Maine và Washington) đã bãi bỏ thuế đối với nước ngọt.

Những năm gần đây, khi có cơ hội, người dân đều bỏ phiếu chống lại các thuế này: 64% cử tri Maine (năm 2008), 60% cử tri Washington (năm 2010), 77% cử tri ở El Monte, California và 67% cử tri ở Richmond, California (năm 2012), 68% cử tri ở Telluride, Colorado (năm 2013) phản đối đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt. Năm 2013, thuế TTĐB đối với nước ngọt được đề xuất ở 11 tiểu bang. Không một tiểu bang nào ban hành thuế này.

Tại Đức vào năm 2012, báo HR-fernsehen (Hesse) đã thực hiện một phỏng vấn mô phỏng với những người tiêu dùng địa phương, giả định rằng Chính phủ sẽ áp thuế 2 Euro trên thực phẩm. Người tiêu dùng đã tỏ ra giận dữ, một người già thậm chí đã trả lại hàng vào quầy siêu thị do với thu nhập của mình, bà sẽ không thể chi trả được khi giá thực phẩm tăng.

Nghiên cứu của PwC tại Hungary năm 2012 chỉ ra rằng, mặc dù lượng tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm bị đánh thuế giảm, nhưng sản lượng các sản phẩm thay thế có các thành phần nguyên liệu tương tự, mà không bị đánh thuế, lại tăng. Thậm chí, người tiêu dùng chuyển sang mua hàng tại biên giới do được hưởng lợi về chênh lệch giá.

Năm 2011, một nghiên cứu được thực hiện tại các quốc gia thuộc cộng đồng chung Châu Âu (EU) về việc đánh thuế TTĐB lên thực phẩm vì mục đích bảo vệ sức khoẻ công đồng, chỉ có 2.8% dư luận đồng tình, còn lại là phản đối.

Đối với những “người tiêu dùng trách nhiệm”, việc định hướng thực phẩm lành mạnh là không cần thiết. Các phỏng vấn đã chỉ ra rằng tại 16 quốc gia EU thực hiện việc điều tra, hai chính sách được người tiêu dủng ủng hộ, bao gồm: 1, Tăng cường các hoạt động thể chất tại trường học, và 2, Tăng cường thông tin tuyên truyền về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, thay vì áp thuế trên thực phẩm và đồ uống.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên