Ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đang ở đâu?

Sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, ngành công nghiệp điện tử đã có sự phát triển vượt bậc. Song, khó khăn vẫn còn ở phía trước  

Ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) Việt Nam tuy xuất phát điểm tương đối thấp và phát triển chưa có tính định hướng, nhưng trong một vài năm gần đây, ngành đã có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trước sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành CNĐT Việt Nam đòi hỏi cần có hướng đi mang tính đột phá.

“Đánh thức” tiềm năng

Theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, CNĐT đã trở thành một trong các ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế hướng vào xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo định hướng chiến lược phát triển các sản phẩm của ngành công nghiệp thì mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính được xếp vào nhóm trọng tâm ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2006-2010.

Ngành CNĐT Việt Nam được hình thành và phát triển từ những năm đầu của thập kỷ 90. Nhờ quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, ngành CNĐT đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài (tính đến hết năm 2003, FDI rót vào phát triển các dự án về công nghiệp điện tử gần 2 tỷ USD). Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều dự án điện tử lớn với số vốn từ vai trăm triệu đến vài tỷ USD đã được triển khai tại Việt Nam. Intel với dự án 1 tỷ USD ở Bình Dương nhằm sản xuất đầu đọc quang học cho các sản phẩm DVD, VCD và mô tơ siêu nhỏ dùng cho camera và máy in. Foxcon đầu tư 5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực điện tử chiếm 1 tỷ USD; Meikon đầu tư 300 triệu USD vào sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội…

Năm 2009, khi dự án Intel chính thức vận hành, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam sẽ tăng mạnh về doanh thu xuất khẩu và hy vọng sẽ đạt 10 tỷ USD mỗi năm.

Tốc độ tăng trưởng của ngành CNĐT Việt Nam hàng năm khoảng 20-30%. Từ những lắp ráp đơn giản, chúng ta đã phát triển từng bước và bước đầu sản xuất phụ tùng linh kiện xuất khẩu cũng như nghiên cứu thiết kế được một số sản phẩm được bạn hàng quốc tế tin dùng. Về cơ bản, các sản phẩm điện tử và công nghệ đã thỏa mãn được nhu cầu của thị trường nội địa và phát triển xuất khẩu, doanh số thị trường nội địa đạt 1,6 tỷ USD năm 2005 và đạt 2 tỷ năm 2006, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

“Phải biết mình đang ở đâu?”

Những con số tăng trưởng trên là tín hiệu đáng mừng, nhưng khi nhìn lại một cách toàn diện, chúng ta dễ dàng nhận ra những khoảng cách rất rõ rệt của CNĐT Việt Nam và thế giới. Nỗi lo đó càng tăng khi từ ngày 1/1/2009, Việt Nam phải thực hiện mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết khi gia nhập WTO.

Theo ông Hồ Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành CNĐT của Việt Nam về cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng: Sản phẩm điện tử dân dụng chiếm trên 80%; sản phẩm điện tử chuyên dụng, công nghệ thông tin chỉ chiếm chưa tới 20%. Bên cạnh đó, công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu 10-20 năm so với khu vực và thế giới, hoạt động chủ yếu là lắp ráp đơn giản.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm còn yếu kém nên giá trị gia tăng thấp, chỉ từ 5-10%, kéo theo khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao. Các ngành sản xuất phụ trợ, sản xuất phụ tùng linh kiện phát triển chậm và không đáp ứng được yêu cầu nên phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Cùng chung nhận định trên, ông Trần Quang Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt

Ông Trần Quang Hùng

Nam nhấn mạnh, cần nhìn rõ thực trạng để biết mình đang ở đâu và có những hướng đi thích hợp. Theo ông Hùng, nếu làm một phép so sánh với nhiều nước trong khu vực và thế giới, có thể thấy ngành CNĐT Việt Nam vẫn còn rất “khiêm tốn”.

Điển hình như tổng sản lượng CNĐT (TSL CNĐT) 2007 của Trung Quốc đạt 321 tỷ Euro, chiếm 26,8%  TSL CNĐT thế giới và là nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, đang chuyển mạnh từ lắp ráp sang nghiên cứu phát triển sản phẩm. Hay như Đài Loan (Trung Quốc), năm 2007 TSL CNĐT là 300 tỷ USD; sản phẩm điện tử chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu năm 2007. Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2007 TSL CNĐT là 168,7 tỷ USD, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu.

Toàn ngành CNĐT Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp, trong đó 1/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lần cận của hai thành phố này. Sự phát triển của ngành có thể chia làm hai giai đoạn: Từ 1994-2000 lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước và từ năm 2000 đến nay là lắp ráp sản phẩm IT, sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử, máy tính xuất khẩu.

Ông Hùng dẫn chứng, chỉ tính 6 nước trong khu vực, TSL CNĐT của Việt Nam cũng còn thua rất xa: Singapore là 73 tỷ USD, chiếm 45% Tổng kim ngạch xuất khẩu, Malaysia (61,6 tỷ USD- 44%), Phillippines (31 tỷ USD-63%), Thái Lan (30 tỷ USD- 30%), Indonesia (11 tỷ USD- 30%). Trong khi đó TSL CNĐT của Việt Nam chỉ đạt 2,2 tỷ USD và chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với việc thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải giảm mức thuế nhập khẩu bình quân sản phẩm công nghiệp từ 16,1% xuống còn 12,6% trong 5-7 năm. Theo các hiệp định tự do của WTO, Việt Nam cũng sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xuống 0% hoặc ở mức thấp như Hiệp định về sản phẩm công nghệ thông tin (ITA) là: Phải xóa bỏ thuế nhập khẩu với hầu hết các mặt hàng CNTT (máy tính, thiết bị ngoại vi, thiệt bị kỹ thuật số, điện thoại di động…) ngay khi gia nhập WTO.

Các cam kết WTO rồi sẽ dần đến thời điểm phải thực hiện, do đó, ông Trần Quang Hùng cho rằng, bên cạnh nhiều giải pháp, trước hết mỗi doanh nghiệp phải tự cứu mình, tránh tình trạng trông chờ vào Chính phủ, vào “bầu sữa Nhà nước”. Chỉ khi các doanh nghiệp tự tin, tìm hướng phát triển phù hợp với xu hướng chuyên môn hoá và toàn cầu hoá thì khi đó, ngành có lợi thế tiềm năng như CNĐT mới đóng vai trò thực sự trong sự phát triển chung của nền kinh tế của Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên