Lo khủng hoảng, Mỹ rút tiền khỏi ngân hàng eurozone

Theo báo cáo của Fitch, tháng 6 các quỹ thị trường tiền tệ chính của Mỹ hạ tỷ trọng nợ các ngân hàng khu vực đồng euro (eurozone) xuống thấp kỷ lục.

Trong tháng 6, tỷ trọng nợ ngân hàng eurozone các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ nắm giữ giảm 33% so với tháng 5. Các khoản nợ này chỉ còn chiếm khoảng 8% tổng tài sản 10 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất Mỹ, tương ứng khoảng 49 tỷ USD, giảm từ 30%, tương ứng 230 tỷ USD của tháng 5/2011.

Phần lớn số tiền giảm đi được chuyển sang các ngân hàng Nhật Bản, chiếm 11,8% lượng tài sản các quỹ này nắm giữ. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ nắm giữ tài sản Nhật Bản lớn hơn khu vực eurozone.

Các quỹ cũng cẩn trọng hơn với việc cho các ngân hàng dễ bị tác động bởi tình hình Tây Ban Nha, Italia, cũng như các chính phủ eurozone có chi phí đi vay tăng gần tới mức bất ổn. Tình hình càng trở nên tồi tệ trong tháng này, khi lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha tăng vọt lên kỷ lục 7,67% đầu ngày 25/7.

Bên cạnh đó, rất nhiều ngân hàng bị Moody's hạ bậc tín nhiệm trong tháng 5 và tháng 6. Mới đây nhất, Moody's hạ triển vọng xếp hạng 17 ngân hàng lớn của Đức, sau khi hạ triển vọng xếp hạng nợ chính phủ nước này.

Một dấu hiệu khác cho thấy các nhà đầu tư đang ít muốn rủi ro hơn, là hơn 1/3 số tiền đầu tư vào eurozone là các hợp đồng mua lại ít rủi ro, trong đó nhà giao dịch và ngân hàng sử dụng trái phiếu chính phủ làm tài sản bảo đảm vay tiền.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng không cần các quỹ thị trường tiền tệ như trước đây. Rất nhiều ngân hàng có được các khoản vay kỳ hạn 3 năm giá rẻ từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong chương trình cho vay hồi tháng 12/2011 và tháng 2/2012. Các ngân hàng cũng phát hành ít nợ bằng USD hơn, giảm lượng USD cần cho chính các ngân hàng này vay, đồng tác giả của báo cáo cho biết.

Nghiên cứu của Fitch dựa trên 10 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất Mỹ, với 614 tỷ USD tài sản (số liệu ngày 30/6/2012), chiếm 44% của tổng tài sản 1.390 tỷ USD các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên