“Lỗ hổng” pháp lý nhìn từ “đại gia” Keangnam

Kỳ 2: Keangnam và “lỗ hổng” ngoại hối

VOV.VN - Tại sao Keangnam dám cố ý vi phạm pháp luật, phớt lờ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối?

Được áp dụng hàng loạt ưu đãi hiếm thấy, Keangnam Ha Noi Landmark Tower đã trở thành tổ hợp nhà ở, dịch vụ tổng hợp hàng đầu Việt Nam, với những “kỷ lục” về thời gian ưu tiên giải quyết thủ tục mà ít có dự án bất động sản nhóm A nào có được. Và sau khi có giấy phép xây dựng, chỉ 1 tháng rưỡi, ngày 2/8/2008, 918 căn hộ cao cấp của dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower đã được mở bán cho khách hàng. Chính vì được ưu đãi như thế nên không ai ngờ, Keangnam lại đang vi phạm pháp luật và bị chính khách hàng khởi kiện, yêu cầu làm cho đúng luật. Vì sao?

Chấp nhận phạt nhưng không sửa?

Xung quanh vụ kiện này, điều thấy rõ là nội dung hợp đồng của Keangnam đã vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối, đã bị xử phạt, nhưng sau đó Keangnam lại không chịu sửa lại nội dung hợp đồng dù khách hàng yêu cầu?

Theo phản ánh của cư dân, toàn bộ các hợp đồng bán căn hộ của Keangnam đều quy định giá căn hộ bằng Ngoại tệ (đô la Mỹ). Các đợt thanh toán, xác nhận thanh toán, Keangnam đều sử dụng đô la Mỹ làm giá trị thanh toán. Trong 9 căn hộ tiến hành thanh kiểm tra, có 4 căn hộ trực tiếp thanh toán 40% bằng ngoại tệ cho Keangnam (có phiếu thu tiền bằng đô la Mỹ của Keangnam). 5 căn hộ còn lại thanh toán qua ngân hàng.

Vi phạm này của Keangnam đã bị Ngân hàng Nhà nước kết luận tại Công văn số 7178/NHNN-QLNH ngày 14/9/2011 về việc xử lý vi phạm của Cty Keangnam:  “hành vi định giá bằng ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán căn hộ trước tháng 8/2010 của Cty Keangnam Vina là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam tại Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cần bị xử lý như các trường hợp vi phạm tương tự của các Cty kinh doanh bất động sản khác”.

Sau đó Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đã có quyết định số 291/QĐ-XPHC ngày 11/10/2011 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với Cty Keangnam. Trong quyết định xử phạt tại điều 1 nêu rõ: “Cty TNHH 1TV Keangnam đã ký hợp đồng bán căn hộ tại Keangnam Hà Nội Landmark Tower với khách hàng trong đó quy định giá bán bằng ngoại tệ (có Biên bản vi phạm hành chính số 23/BB-VPHC ngày 3/10/2011, Biên bản kiểm tra số 33/BB-KT ngày 8/7/2011 và tài liệu kèm theo) là vi phạm quy định tại tiết d, khoản 3, điều 18, mục 5, chương 2 Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng”. Bên cạnh hình thức phạt tiền, Điều 1, Quyết định xử phạt cũng đã quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, theo đó “yêu cầu Cty TNHH 1TV Keangnam không được ký hợp đồng bán căn hộ tại Keangnam Hà Nội Landmark Tower với khách hàng trong đó quy định giá bán bằng ngoại tệ”.

Căn cứ Quyết định xử phạt của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng đã yêu cầu Keangnam điều chỉnh hợp đồng trong đó quy đổi giá căn hộ từ đồng đô la Mỹ sang đồng Việt Nam nhưng Keangnam từ chối.

Cái lý của Keangnam

Keangnam lập luận rằng, căn cứ vào Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán (Nghị quyết 04) hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế thì nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thoả thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng Đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ. Vì thế, hợp đồng của Keangnam tuy ký bằng đô la Mỹ, các đợt thanh toán cũng bằng đô la Mỹ nhưng khi khách hàng thanh toán thì trả bằng đồng Việt Nam quy đổi theo tỷ giá đô la Mỹ tại từng thời điểm thanh toán nên vẫn có hiệu lực và các bên vẫn buộc phải thực hiện hợp đồng.

Khách hàng cho rằng, Keangnam viện dẫn Nghị quyết 04 trong trường hợp này là không có cơ sở bởi hai lý do.

Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 04 là các hợp đồng kinh tế được xác lập theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2006, là ngày mà Bộ luật Dân sự có hiệu lực. Hợp đồng mua bán căn hộ là hợp đồng dân sự, căn cứ ký kết là Bộ Luật Dân sự, nên không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 04.

Thứ 2, tại thời điểm Nghị quyết 04 được ban hành (27/5/2003), các quy định của pháp luật về lĩnh vực ngoại hối, trong đó có Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ quy định về quản lý ngoại hối tại điều 39 quy định một trong những hành vi vi phạm về ngoại hối là chuyển hay mang ngoại hối ra nước ngoài, mua bán ngoại hối, thanh toán và cho vay ngoại hối nên ở thời điểm đó Nghị quyết 04 phù hợp với các quy định của Chính phủ về quản lý ngoại hối. Còn đến thời điểm Keangnam ký hợp đồng với khách hàng (từ tháng 8/2008) thì Pháp lệnh Ngoại hối đã được ban hành (năm 2005), trong đó tại điều 22 hạn chế sử dụng ngoại hối đã quy định rất rõ ràng: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”. Mọi giao dịch được hiểu là tất cả các giao dịch (từ định giá, ký hợp đồng) đều không được thực hiện bằng ngoại hối.

Như vậy, kể cả trong trường hợp khách hàng không khởi kiện ra Tòa để đề nghị tuyên vô hiệu toàn bộ hợp đồng thì căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Keangnam phải chủ động mời khách hàng đến điều chỉnh hợp đồng, đưa giá trị hợp đồng và các đợt thanh toán về tiền Việt vào thời điểm ký kết hợp đồng. Ngược lại, ở đây khách hàng đã có thiện chí, nhiều lần đề nghị Keangnam điều chỉnh cho đúng luật nhưng Keangnam vẫn phớt lờ. Điều này thể hiện Keangnam không hề có thiện chí và không tuân thủ pháp luật Việt Nam dù hành vi vi phạm của Keangnam đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước) xử phạt.

Điều cần đặt ra ở đây là tại sao Keangnam dám cố ý vi phạm pháp luật, phớt lờ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, ký hợp đồng bằng ngoại tệ, đã bị xử phạt nhưng vẫn không điều chỉnh hợp đồng, thậm chí còn ngang nhiên yêu cầu khách hàng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng (đã vi phạm)?

Đang hiện hữu một “xung đột pháp lý” - Điều đáng suy nghĩ là viện dẫn của Keangnam lại dường như đang được sự “hậu thuẫn” của một thực tế xung đột pháp lý diễn ra giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi thụ lý vụ việc liên quan đến Pháp lệnh Ngoại hối.

Thực tế đó là Nghị quyết 04 vẫn được Hội đồng Thẩm phán áp dụng cho cả những hợp đồng ký sau ngày 1/1/2006 (thời điểm mà căn cứ ký kết phải là Bộ Luật Dân sự) và sau ngày Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực (năm 2006).

Xin lấy ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số 06/2012/KDTM-GĐT ngày 30/05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa đã bác cả kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, viện dẫn Nghị quyết 04 để khẳng định hợp đồng ký bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam thì không bị vô hiệu toàn bộ.

Điều đáng nói là Nghị quyết 04 được ban hành sau khi có sự đồng ý của Viện trưởng VKSNDTC và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nay, chính Viện trưởng VKSNDTC có văn bản kháng nghị, nhưng Hội đồng Thẩm phán lại dùng ngay chính Nghị quyết 04 để không chấp nhận kháng nghị. Ai đúng ai sai trong trường hợp này cũng là điều hết sức khó hiểu.

Vậy là, trong cùng một vụ việc vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối đã xảy ra mâu thuẫn ít nhất giữa 3 cơ quan. VKSNDTC thì ra kháng nghị đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu. TANDTC thì căn cứ Nghị quyết 04 để tuyên hợp đồng không vô hiệu. Còn Ngân hàng Nhà nước, thì cứ căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối để ra quyết định xử phạt. Kết quả là, kháng nghị của VKSNDTC thì không được TANDTC chấp nhận. Quyết định xử phạt của Ngân hàng Nhà nước thì được doanh nghiệp (Keangnam) chấp nhận nửa vời, nhưng rồi cuối cùng vẫn không sửa sai.

Nếu không làm rõ ai đúng, ai sai trong trường hợp này thì việc thực thi pháp luật ở Việt Nam sẽ không thể nghiêm minh, người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài sẽ không biết phải làm thế nào cho đúng luật.

Cần bịt lại “lỗ hổng” pháp lý

Theo quy định tại điều 2, Luật Ngân hàng Nhà nước: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng)”. Điều 4 quy định Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ:  “Ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng”. Điều 31 cũng quy định: “Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ  quản lý ngoại hối và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp hạn chế giao dịch ngoại hối để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Như vậy Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý nhà nước về ngoại hối, có nhiệm vụ xây dựng những biện pháp hạn chế giao dịch ngoại hối, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ (ngoại hối là một loại tiền tệ cụ thể).

Vì thế, khi Công văn số 7178/NHNN-QLNH ngày 14/9/2011 của Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “hành vi định giá bằng ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán căn hộ trước tháng 8/2010 của Cty Keangnam Vina là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam tại điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối”, cũng có nghĩa là một văn bản hướng dẫn, giải thích Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 160/2006/NĐ-CP. Nếu Pháp lệnh Ngoại hối quy định mọi giao dịch, niêm yết, thanh toán, quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ thì tại Công văn số 7178/NHNN-QLNH, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn cụ thể thêm là hành vi định giá trong hợp đồng mua bán căn hộ (là một loại giao dịch cụ thể) bằng ngoại tệ cũng là một hành vi bị cấm, không được phép thực hiện.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh Ngoại hối do UBTV Quốc hội ban hành có hiệu lực cao hơn Nghị quyết 04 do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành. Hơn thế, trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có chức năng hướng dẫn, giải thích Pháp lệnh Ngoại hối nên hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 7178/NHNN-QLNH cần phải được TANDTC tôn trọng và là căn cứ để áp dụng trong việc xét xử. Vì thế Nghị quyết 04 không thể áp dụng trong trường hợp này và việc các hợp đồng quy định giá bán căn hộ bằng ngoại tệ là hành vi vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối, vi phạm điều cấm của pháp luật nên phải bị tuyên vô hiệu.

Còn nếu TANDTC tuyên ngược lại, có nghĩa Ngân hàng Nhà nước đã giải thích sai và ra quyết định xử phạt sai.

Từ sự phân tích ở trên cho thấy, mâu thuẫn trong áp dụng Pháp lệnh Ngoại hối giữa TANDTC, VKSNDTC và Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết để có tiếng nói thống nhất, bịt lại “lỗ hổng” trong quản lý ngoại hối - một lĩnh vực rất nhạy cảm trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.

 Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tuân thủ pháp luật Việt Nam khi chính các cơ quan Nhà nước Việt Nam từ sự không thống nhất đã tạo ra những “lỗ hổng” để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, dẫn đến việc pháp luật Việt Nam không được thực thi  nghiêm chỉnh và quyền lợi hợp pháp của chính công dân Việt Nam cũng không được bảo vệ ngay trên chính đất nước Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Keangnam và cuộc thanh tra chống chuyển giá
Keangnam và cuộc thanh tra chống chuyển giá

VOV.VN-Keangnam Vina gây “đình đám” về chuyển giá nhằm trốn khoản thuế gần 100 tỷ đồng với khoảng chuyển giá 1.220 tỷ đồng.

Keangnam và cuộc thanh tra chống chuyển giá

Keangnam và cuộc thanh tra chống chuyển giá

VOV.VN-Keangnam Vina gây “đình đám” về chuyển giá nhằm trốn khoản thuế gần 100 tỷ đồng với khoảng chuyển giá 1.220 tỷ đồng.